Hợp đồng mượn tranh “chưa từng có”
Các nhà điều hành của Phòng trưng bày London đã ký được những hợp đồng “chưa từng có” với các bảo tàng khác, như Louvre ở Paris (Pháp) và Hermitage ở St. Petersburg (Nga) để mượn các tác phẩm mà Da Vinci hoàn thành vào cuối những năm 1480 và trong những năm 1490, thời gian nghệ sĩ đa năng này đang sống trong sự bảo trợ của người cai trị Milan.
được danh họa Da Vinci hoàn thành vào năm 1492
Luke Syson, người tổ chức triển lãm, cho biết: “Da Vinci tin vào chất lượng hơn số lượng. Danh họa luôn cố gắng tung ra ít tranh nhưng ông tin là chúng hoàn hảo. Hiện còn tồn tại rất ít tranh của ông và điều đó giải thích tại sao trước đây người ta chưa hề nỗ lực tổ chức một triển lãm như cuộc trưng bày sắp tới tại Phòng trưng bày London. Tổ chức một triển lãm như vậy quả là một sự kiện đầy thách thức và khó khăn. Mục tiêu của triển lãm cho thấy Da Vinci là họa sĩ xuất chúng đồng thời bộc lộ khả năng lạ thường mà ông đã nghiên cứu và mô tả về thế giới tự nhiên”.
Da Vinci - họa sĩ táo bạo nhưng cũng thiếu tự tin
Cuộc triển lãm này xoáy tới thời kỳ Da Vinci là họa sĩ của công tước Lodovio Sforza. Trong thời gian này, nghệ sĩ thường dùng số thu nhập ổn định của mình để khảo sát những phương pháp mang tính tiên phong trong việc mô tả giải phẫu cơ thể người cùng với đam mê cây cối và động vật. Bên cạnh chân dung La Belle Ferroniere đầy ám ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, được cho là tình nhân của người bảo trợ danh họa, và hai tác phẩm mang đề tài tôn giáo của tòa thánh Vatican và Bảo tàng Hermitage, còn có họa phẩm The Virgin Of The Rocks, vừa được trưng bày hồi đầu tháng sau một cuộc phục chế kỹ lưỡng. Ngoài ra, hơn 40 phác họa chuẩn bị và bức vẽ cũng là một phần trong triển lãm.
Từ lâu, nhiều sử gia nghệ thuật đã tranh cãi về những nguyên nhân khiến tranh của Da Vinci chỉ còn tồn tại một lượng “khiêm tốn”. Nhiều người cho rằng các họa phẩm của ông không chịu được sự thử thách của thời gian vì ông thích thử nghiệm với những kỹ thuật mới. The Last Supper, cùng với bức tranh nàng Mona Lisa là họa phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ, trong tu viện Milan đã bị hư hại nhiều vì Da Vinci đã tránh sử dụng các phương pháp truyền thống khi vẽ bích họa nên khiến bề mặt có khả năng bị mốc và bị bong. Nghệ sĩ còn có tính hay chần chừ. “Ông dễ bị lãng trí vì những dự án khác. Nhưng Da Vinci thực sự mong muốn tranh của mình phải hoàn hảo. Đó là những lý do “ngáng trở” việc vẽ tranh của ông. Nhiều khi đam mê của nghệ sĩ bị giảm sút nên ông không thể hoàn thành tác phẩm. Da Vinci là nghệ sĩ táo bạo nhưng cũng thiếu tự tin. Đó là một khía cạnh trong tính cách của ông mà chúng ta không thể hình dung được”, ông Syson nói.