Trên thực tế, kể cả sở hữu thu nhập lớn nhưng nếu không biết cách chi tiêu, bạn vẫn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng "rỗng túi".
Đa dạng thu nhập, làm freelance là một trong những cách giúp người trẻ dễ dàng tăng số tiền "ting ting" vào tài khoản hàng tháng. Tuy nhiên, có những người dù thu nhập cao nhưng vẫn chẳng tiết kiệm được đồng nào. Vậy những người trẻ kiếm cả trăm triệu/ tháng đã chi tiêu thế nào?
Thu nhập cao gấp đôi sau khi nghỉ việc, nỗ lực đa dạng thu nhập
Thanh Huyền (23 tuổi, Đà Nẵng) hiện tại đang làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời cũng là một Marketing Freelancer toàn thời gian. Nhờ đa dạng thu nhập, đồng thời làm việc chăm chỉ hơn, có tháng cao điểm chạy đến 4 công việc với cường độ cao, thu nhập của Thanh Huyền đã tăng gấp đôi.
Còn với Ý Nhi (23 tuổi, Đà Nẵng), sau vài tháng trải nghiệm công sở 8 tiếng/ngày, cô bạn nhanh chóng cảm thấy không phù hợp. Hiện tại cô làm freelance ở mảng content, marketing và sales cho 1 số doanh nghiệp kinh doanh. Nếu như hồi còn làm văn phòng, lương của cô nàng chỉ loanh quanh 2 - 3 triệu đồng/ tháng thì hiện tại, con số đã lên đến khoảng 40 - 60 triệu mỗi tháng, và đạt đỉnh điểm vào tháng 2 vừa rồi với con số 90 triệu/tháng.
Nhi Phạm (22 tuổi) hiện phụ trách mảng Marketing trong ngành khách sạn. Đồng thời, cô bạn đang vận hành 3 dự án kinh doanh cá nhân về sức khỏe, tiêu dùng, ẩm thực và phụ giúp việc kinh doanh của gia đình. "Thời gian gần đây mình có tìm hiểu và đầu tư các kênh mạng xã hội cá nhân cũng như các trang thương mại điện tử nhằm tạo ra một nguồn thu nhập mới". Những công việc này đem đến khoản thu nhập 35-50 triệu/tháng.
Thu nhập tăng nhưng vẫn phải lên kế hoạch để tiết kiệm
Đối với Thanh Huyền, freelance là công việc không có thu nhập ổn định, dù có những tháng thu nhập cao nhưng rất khó kiểm soát được thời gian dòng tiền về. Do vậy, sở hữu nguồn thu nhập từ nhiều dự án nhưng cô bạn vẫn hay rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính. Có tháng kiếm được rất nhiều, nhưng cũng có tháng không có thu nhập luôn. Những lúc kiếm được nhiều, cô bạn thường sẽ tiêu hao vào những sản phẩm dịch vụ không cần thiết dẫn đến không thể tiết kiệm. Nhận thấy được điều này, nên cô bạn đã nghiêm khắc nhắc nhở bản thân. Và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn, nhờ nguyên tắc 50/30/20.
Hiện tại, Huyền liên tục cập nhật những chi tiêu của mình. "Mình đã rà soát toàn bộ những chi tiêu hàng ngày sau đó học cách phân loại chúng. Xem xét những chi phí nào có thể cắt bỏ những chi phí nào quan trọng cần ưu tiên". Cụ thể như sau:
- Tiền nhà: 3.000.000 VNĐ
- Ăn uống: 3.000.000 VNĐ
- Cafe: 700.000 - 1.000.000 VNĐ (Cô bạn thường ra ngoài làm việc khoảng 15 buổi/tháng, mỗi lần tốn khoảng 50.000)
- Chi phí cho các công cụ phần mềm hỗ trợ làm việc (500.000 VNĐ)
- Mua sắm, skincare, chi phí phát sinh khác: 2.000.000
- Ngoài ra Huyền thường mua những khóa học, sách để nâng cao kiến thức (Tùy thời điểm nhưng có những khóa học hơn 10.000.000/khóa).
Nhờ việc cân chỉnh lại chi tiêu, mà Thanh Huyền vẫn duy trì được việc làm tự do trong suốt 1 năm vừa rồi.
Mặt khác, Ý Nhi chia sẻ rằng lúc làm tự do mấy tháng đầu cô bạn sống rất chật vật, phí sinh hoạt còn phải vay mượn 1 ít. Hiện tại khi thu nhập cao hơn, hàng tháng Ý Nhi đều đặn dành khoảng 50-70% thu nhập để bỏ vào tiết kiệm. "Lúc mới đầu đi làm, mình chỉ dám tiêu 4-5 triệu/tháng để không quá sức. Nhưng khi thu nhập tăng, mình cũng nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Hiện tại, với mức chi phí sinh hoạt ở Đà Nẵng mình tiêu hết khoảng 7-9 triệu, chiếm trung bình 10-15% tổng thu nhập".
Các khoản chi trong tháng của Nhi thường là: 4,5 triệu tiền nhà; ăn uống 3 triệu; đầu tư cho các khóa học 1-2 triệu nữa. Đôi khi, cô bạn vẫn có tụ tập bạn bè, đi du lịch,... nhưng không thường xuyên lắm. Mục tiêu của cô nàng là cuối năm nay gom thêm được 200 triệu nữa để biếu bố mẹ.
Ảnh: NVCC
Tags