(Thethaovanhoa.vn) - Không phải đợi đến khi BTC U21 giải QG 2016 xác định được 8 cái tên lọt vào VCK tại Quảng Ninh (23/10 - 2/11), người ta mới giật mình khi hàng loạt những thương hiệu cỡ bự, các lò đào tạo trứ danh như SLNA, Đà Nẵng, Nam Định, Viettel, TP.HCM, B.Bình Dương... đều vắng bóng.
- VCK U21 QG 2016: Chuyến tàu cuối chở hy vọng đến ĐTQG
- Kết thúc VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Sự hụt hẫng của bóng đá Việt Nam
- VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Bình Định khiến bảng B kịch tính đến hồi chót
1. Tất nhiên, để đến được VCK U21 QG, ngoại trừ đội chủ nhà (như U21 Than Quảng Ninh năm nay), tất cả đều phải trải qua vòng đấu loại. Nhưng việc SLNA, Viettel, B.Bình Dương... đều đã không vượt qua vòng loại, quả có phần bất ngờ. Tệ hơn, SHB Đà Nẵng, TP.HCM thậm chí không có quân đá U21, trong khi Nam Định cũng chủ động rút lui để tăng cường lực lượng cho Quảng Ninh đá VCK.
Bất chấp rất nhiều những lời than ai oán về đào tạo trẻ, mắt xích đầu tiên và quan trọng nhất để phát triển một nền bóng đá tự cường, dường như mọi sự vẫn không ăn thua. Rất nhiều tuyến trẻ địa phương và CLB bị 'bức tử' để lấy tiền nuôi đội 1. B.Bình Dương và ngay lúc này là SHB Đà Nẵng hàng chục năm qua chỉ biết mua vào, chứ chưa từng hoặc rất ít bán ra. Đó không phải là cách làm bóng đá bền vững.
Nhiều CLB tại V.League chưa quan tâm đến đào tạo trẻ.Ảnh: Dương Thu
Lại nhắc SHB Đà Nẵng, đội bóng xếp thứ 3 chung cuộc tại V-League 2016, nhưng vào phút cuối mới cung ứng bổ sung duy nhất tiền vệ Huy Toàn cho ĐTQG chuẩn bị AFF Cup vào cuối năm, vì lỗi... đánh máy. Song, Huy Toàn cũng chẳng phải mới mẻ gì, trước đó anh đã lên ĐTQG và toả sáng dưới thời Toshiya Miura rồi.
Việc chọn ai, loại ai, như Thể thao & Văn hoá đã đề cập nhiều lần, đấy là phần việc của HLV Hữu Thắng. Ngay cả một CLB lớn cũng chỉ đóng góp rất hạn chế về số lượng tuyển thủ QG và ngược lại, tuỳ thuộc quan điểm làm chiến thuật. Đến ngay B.Bình Dương (đội bóng đứng gần nhóm đèn đỏ sau V-League 2016 kết thúc) cũng có 4 người, dù toàn là cầu thủ Nghệ An, được mua về đất Thủ.
2. Bóng đá Việt Nam với mô hình CLB và hệ thống các giải đấu, cung cách điều hành... vốn dĩ đã mang đầy những nghịch lý. Nhưng nghịch lý về mô hình kim tự tháp ngược trong phát triển nền bóng đá vẫn tồn tại là rất khó chấp nhận. Theo đó, đào tạo trẻ vốn dĩ là chân đế, là nền móng, thì lại nhỏ như đỉnh tháp.
Về VCK U21 QG, cũng như U19 hay U17 QG, phải nói rằng những nhà tổ chức đã rất nỗ lực duy trì hằng năm, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, chịu khủng hoảng và việc tìm kiếm tài trợ là công đoạn nhọc nhằn, khi chỉ số niềm tin dành cho bóng đá còn lại rất thấp. Điều đó đòi hỏi các CLB phải chung tay, cơ quan quản lý VFF phải ra chỉ đạo sát sườn.
Không giống như kinh doanh... bất động sản, phát triển nền bóng đá không thể đi tắt đón đầu hay mua đứt bán đoạn. Nó đòi hỏi sự tích luỹ, thông qua các chiến lược dài hơi. Có điều, tự bao giờ bóng đá Việt Nam lại mang thuộc tính gặt lúa trời, với tư duy ngắn ngày mùa vụ?! Đào tạo trẻ đâu chỉ là chuyện riêng của những PVF, HAGL, Viettel hay Hà Nội T&T, là có thể vực dậy cả một nền bóng đá.
HLV Hữu Thắng đã thừa nhận, ông đang có trong tay một thế hệ trẻ đầy tài năng, đủ sức chinh phục đỉnh cao. Nhưng sau những Tuấn Anh, Xuân Trường, Huy Toàn, Văn Toàn... là gì? Đấy là mâu thuẫn của nền bóng đá, bao năm qua, chưa thể tìm được lời đáp.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags