Tờ The Athletic phát hiện ra một chi tiết thú vị sau khi MU giành chức vô địch Cúp FA vừa qua: Huấn luyện viên Erik ten Hag đã không đặt chiếc cúp vô địch lên bàn trong buổi họp báo sau trận.
1. Ông đã làm điều đó sau khi giành Cúp Liên đoàn mùa trước. Rốt cục, Ten Hag vẫn là HLV đã chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài gần một thập niên, và là HLV duy nhất nhiều năm qua từng giành hai chức vô địch trong hai mùa giải liên tiếp khi dẫn dắt MU. Không có ai ngoài ông, sau kỷ nguyên Sir Alex Ferguson, làm được điều đó.
Nhưng đấy có lẽ là một kết cục rất ít người chờ đợi. Ten Hag đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích hầu như trong suốt mùa giải. CLB chỉ đứng thứ 8, vị trí thấp nhất của họ trong kỷ nguyên Premier League. 60 điểm cũng là thành tích tệ thứ hai, so với "kỷ lục" tồi tệ 58 điểm vào năm 1992. Hiệu số bàn thắng/thua là -1, và đấy là lần đầu tiên trong 34 năm họ không thể ghi nhiều bàn hơn số lần thủng lưới. Bị loại sớm ở Champions League và không thể bảo vệ thành công chức vô địch Carabao Cup.
Một mùa giải thảm họa đã khép lại với một chiếc Cúp danh giá, trước một đối thủ được đánh giá mạnh và ổn định hơn MU gấp nhiều lần, bỗng dưng đem chút hào quang sót lại quay trở về với Ten Hag. Sau trận, ông tuyên bố rằng cho dù MU không còn muốn ông nữa, thì việc giành những danh hiệu vẫn sẽ là thứ ông đang và sẽ làm với các đội bóng mới.
Nhưng ông không đặt chiếc cúp lên bàn. Không ai biết lý do, nhưng những ai đã chứng kiến toàn bộ mùa giải của MU có lẽ đều hiểu: Đây là một chiến quả có sự gượng gạo, và không đủ để xua đi sức nặng của những gì đã diễn ra. Phía đối diện, Pep Guardiola nói về thất bại một cách thuần túy kỹ thuật: "Tôi nghĩ tôi đã lên kế hoạch không đủ tốt. Chúng tôi đã chơi không đúng vị trí đủ để công kích họ. Đây là sai lầm của tôi".
2. Trong những lời nói đó không có sức nặng nào của mùa giải. Pep nhìn nhận nó như một tai nạn, một thứ gì đó thoáng qua và rồi sẽ được khắc phục rất sớm. Man City dường như cũng thế: Một tuần trước, họ vô địch Ngoại hạng Anh lần thứ tư liên tiếp, và có lẽ đấy cũng không phải lần cuối của kỷ nguyên Guardiola. Họ quá mạnh, quá ổn định, đã xây dựng thành công một phong cách nhất quán và văn hóa chiến thắng đã thành bản sắc. Những thứ mà MU đang khao khát.
Chức vô địch Cúp FA trong một mùa giải tưởng như tuyệt vọng đã đem lại cho các cổ động viên MU một khoảnh khắc ngọt ngào, nhưng những người trong cuộc thì chưa chắc. Ông chủ mới Jim Ratcliffe đã không ngần ngại chê bai hạ tầng và cả cách thức vận hành công việc của MU. Tháng 9 năm ngoái, có một thống kê ngược đời được công bố: MU là đội bóng chi nhiều tiền nhất hành tinh để đổi lại đội hình hiện tại, gần 1 tỷ bảng, vượt qua cả Man City và Chelsea.
Đêm hôm kia, chiến thắng hóa ra lại là điều khiến nhiều người phải bối rối. Cuối cùng thì mùa giải này nên được nhìn nhận như thế nào, vì Cúp FA là một trong ba mặt trận quan trọng nhất của một mùa bóng? Liệu Ten Hag có bị sa thải quá vội vàng? Và sau HLV người Hà Lan thì đội nên làm gì? Ai là người có thể tiếp quản nó? Và rốt cục thì điều gì mới có thể khôi phục hào quang cũ của một trong những đội bóng có thương hiệu mạnh nhất hành tinh này?
3. Man City, dù là đội thua trận, chưa bao giờ phải quá đau đầu vì những câu hỏi hóc búa ấy trong 4 năm qua. Mùa giải của họ đã kết thúc với những cú sảy chân, chứ không phải các sai lầm có tính hệ thống. Danh hiệu này tuột khỏi tay thì danh hiệu các sẽ tới. Các cầu thủ biết thế. Pep Guardiola biết thế. Lãnh đạo CLB biết thế và các cổ động viên càng hiểu rõ là thế.
Nếu Ten Hag được ở lại vì chức vô địch muộn mằn này, có lẽ ai cũng thấy điều này là vô lý: Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Và một mùa giải thảm họa không thể chỉ được bào chữa bằng một chiến thắng duy nhất.
Nhưng nếu điều đó xảy ra thật, chúng ta có lẽ cũng không phải mất công đi giải thích rằng tại sao câu lạc bộ nổi tiếng bậc nhất hành tinh này lại trầy trật đến thế trong một thập niên qua.
Tags