Trong khi đó, các học sinh nam tiếp tục hưởng đặc quyền của vẻ ngoài đẹp.
Trên giảng đường tồn tại một sự thật mất lòng ai cũng rõ, là sinh viên nữ có vẻ ngoài ưa nhìn thường có điểm cao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Economic Letters, các nhà khoa học phát hiện ra ưu thế này không còn tồn tại trong thời kỳ học trực tuyến.
Trước đây, một loạt các nghiên cứu cho thấy vẻ ngoài có ảnh hưởng tới khả năng thành công của một cá nhân. Ví dụ, những người sở hữu ngoại hình đẹp có thể kiếm nhiều tiền hơn, họ tự nhận định mình có chất lượng cuộc sống cao hơn những cá nhân kém may mắn. Tuy nhiên, các học giả chưa thể tìm được lời giải thích đằng sau nhận định “đẹp sẽ được tha thứ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng lợi thế của vẻ đẹp có thể tới từ hành vi phân biệt đối xử. Ví dụ, cấp trên có thể ưu ái nhân viên có vẻ ngoài ưa nhìn hơn những người còn lại. Có báo cáo cho hay sắc đẹp là dấu hiệu cho thấy năng suất cao, đặc điểm vốn có thể liên hệ với mức độ tự tin của mỗi người.
“Nhìn chung, tôi hứng thú với việc nghiên cứu hành động phân biệt đối xử”, Adrian Mehic, sinh viên tốt nghiệp Đại học Lund và tác giả báo cáo khoa học mới, cho hay. “Trong các nghiên cứu về kinh tế, [các nhà khoa học] chú ý nhiều tới các hành động phân biệt dựa trên giới tính hoặc sắc tộc. Dù đó đều là những khía cạnh quan trọng, không nhiều nghiên cứu tìm hiểu hành động phân biệt dựa trên vẻ ngoài trong môi trường giáo dục, nên báo cáo mới đã lấp đầy được khoảng trống”.
“Bên cạnh đó, đại dịch đã khiến hành vi phân biệt đối xử dựa trên vẻ ngoài khó hơn trước, khi giáo viên không thể thấy rõ mặt học sinh. Trong khi đó phân biệt dựa trên giới tính vẫn còn đó, khi nhà giáo vẫn có thể biết tên các học trò”.
Anh Adrian đã thực hiện thử nghiệm nhằm kiếm tìm lời giải thích cho sức mạnh của sắc đẹp. Nghiên cứu tìm hiểu tác động của vẻ ngoài mỗi sinh viên tới điểm số cuối kỳ, với cả hai giai đoạn học trực tiếp và học trực tuyến. Mặt sinh viên không hiện hữu rõ ràng trên màn hình máy tính, từ đó giảng viên sẽ không thể bị ảnh hưởng bởi vẻ ngoài của sinh viên.
Nhà nghiên cứu trẻ lấy dữ liệu từ 5 nhóm sinh viên tới từ Đại học Thụy Điển, với mẫu số nghiên cứu lên tới 307 người. Một số người học cả online và offline do đó dữ liệu đa dạng hơn nhiều. Dù được khuyến khích tắt camera khi học trực tuyến, các nhà nghiên cứu không bắt buộc các sinh viên phải thực hiện động tác này. Để đánh giá vẻ ngoài của các sinh viên một cách khách quan, Adrian Mehic đã nhờ 74 người khác đánh giá theo cảm nhận cá nhân.
Khi phân tích dữ liệu, anh Adrian tìm thấy bằng chứng cho thấy khi học trên lớp, sắc đẹp của sinh viên ảnh hưởng tới điểm số của họ. Với những khóa học khuyến khích tương tác giữa giảng viên - học sinh (như kinh tế, kinh doanh, v.v…), vẻ ngoài ưa nhìn của các sinh viên gây tác động lên điểm số của họ; trong khi đó với những khóa học đánh giá điểm số qua bài kiểm tra cuối kỳ, lợi thế của sắc đẹp không hề tồn tại.
Cũng theo kKết quả báo cáo nghiên cứu, Adrian có được phát hiện mới: việc chuyển sang học online khiến lợi thế tới từ ngoại hình đẹp biến mất hoàn toàn, tuy nhiên điều này chỉ diễn ra với tệp các sinh viên nữ. Trong những khóa học yêu cầu nhiều tương tác giữa người dạy và người học, điểm các học sinh nữ xinh đẹp giảm sút khi học online, trong khi đó các học sinh nam ưa nhìn tiếp tục hưởng lợi thế từ vẻ ngoài của mình.
Theo lời tác giả nghiên cứu, lợi thế sắc đẹp của phái nữ có lẽ tới từ hành vi phân biệt đối xử. Trong khi đó lợi thế sắc đẹp của nam giới có thể được lý giải bằng định kiến, cho rằng đẹp thì năng suất cao hơn do tự tin hơn.
Adrian lấy ví dụ về nam sinh có vẻ ngoài đẹp, họ kiên trì và có ảnh hưởng lớn hơn tới người đối diện. Những người ưa nhìn thường có kỹ năng giao tiếp tốt - kỹ năng vốn có liên hệ với khả năng sáng tạo. Bởi lẽ những khóa học cần nhiều sự tương tác sẽ nặng bài tập sáng tạo và làm việc nhóm, những nam sinh với vẻ ngoài ưa nhìn - tức là khả năng giao tiếp và sáng tạo cao hơn - có thể sẽ vượt trội so với bạn cùng lớp.
“Có lẽ vẫn quá khó để các nhà nghiên cứu trả lời lý do tại sao người ta lại phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình”, Adrian Mehic nói. “Có lẽ, bởi khi ta nhìn một người đẹp, chúng ta tự gán cho họ những đặc tính họ có lẽ không có, đơn cử như trí tuệ. Tuy nhiên, cần thêm những nghiên cứu khác để chỉ ra chính xác tại sao điều này lại xảy ra”.
Theo PsyPost
Tags