Trường Đại học Khoa học Okayama ở miền Tây Nhật Bản thông báo sẽ thành lập thêm khoa nghiên cứu chuyên sâu về khủng long vào tháng 4/2025, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực này.
Đại học Khoa học Okayama hiện đã triển khai một khóa học về khủng long. Với việc thành lập một khoa mới, trường sẽ không chỉ tăng cường số lượng bài giảng, cơ hội thực tập thực địa mà còn mở rộng đội ngũ giáo sư giảng dạy. Các nghiên cứu cũng sẽ không chỉ tập trung vào địa chất và cổ sinh vật học, mà còn đi sâu vào lĩnh vực như sinh học.
Phó Giáo sư Mototaka Saneyoshi - một trong những chuyên gia hàng đầu về khủng long tại trường đại học trên, chia sẻ: "Chúng tôi hướng tới khoa này trở thành trung tâm nghiên cứu và giáo dục hàng đầu ở miền Tây Nhật Bản về khủng long. Chúng tôi hy vọng tận dụng thế mạnh của trường đại học khoa học toàn diện để thúc đẩy nghiên cứu sâu rộng".
Từ năm 2014, khoa Khoa học Sinh quyển – Địa quyển của trường Đại học Khoa học Okayama đã triển khai một khóa học về khủng long và cổ sinh vật học, tiếp quản dự án khai quật hóa thạch tại Sa mạc Gobi ở Mông Cổ do một công ty công nghệ sinh học địa phương thực hiện. Kể từ đó, các nghiên cứu của khoa này đã đạt được nhiều thành tựu, bao gồm việc phát hiện một trong những dấu chân khủng long lớn nhất thế giới và phát triển các phương pháp mới để xác định niên đại của hóa thạch.
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội nghiên cứu đa dạng, từ việc xác định protein còn lại trong hóa thạch đến giải mã trình tự axit amin và phân tích bệnh lý, khoa mới còn tạo điều kiện cho thêm nhiều sinh viên tham gia quá trình khai quật hóa thạch tại Sa mạc Gobi - điều hiện là điểm đặc sắc của khóa học về khủng long. Hiện mới chỉ có sinh viên năm thứ 4 và sinh viên sau đại học tham gia quá trình khai quật để phục vụ công tác nghiên cứu luận văn. Tuy nhiên, với sự ra đời của khoa mới, sinh viên năm thứ 3 cũng sẽ có cơ hội tham gia hoạt động này.
Tags