Mấy ngày qua, bệnh viện 199 Bộ công an đã khiến dư luận vô cùng cảm kích khi đã cứu sống một ngư dân bị tai nạn lao động nghiêm trọng trên biển Hoàng Sa. Dưới đây là câu chuyện của Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, một trong ê kíp trực tiếp vượt biển để giành giật sự sống cho ngư dân đang ngày đêm bám biển.
Cho đến lúc này tôi, Bs Nguyễn Văn Sơn khoa ngoại chấn thương chỉnh hình vẫn còn bồi hồi, xúc động bởi không thể tin nổi đã giành giật sự sống thành công ngư dân Lê Quốc Việt bị tai nạn lao động ngoài biển khơi.
4h sáng ngày 05/07, tôi đang ngủ ngon thì tiếng chuông điện thoại réo vang. Đầu bên kia, giọng của Bs Trần Quang Pháp, Phó Giám Đốc Bệnh viện 199 khá nghiêm trọng: “Sơn ơi, em chuẩn bị gấp phương tiện cấp cứu ra khu vực đảo Hoàng Sa để cứu một ngư dân đang nguy kịch vì tai nạn khi đang đánh bắt cá trên biển”.
Tôi bật dậy, chỉ mấy phút sau thì đã chuẩn bị xong hành trang lên đường. Đi cùng tôi còn có điều dưỡng Nguyễn Thanh Sơn khoa cấp cứu. Hai anh em ngồi xe cứu thương của bệnh viện rời Đà Nẵng khi trời chưa tảng sáng. Sau 3 tiếng đồng hồ vượt sóng lớn, tàu cứu hộ của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển khu vực II Đà Nẵng đã đưa chúng tôi đến địa điểm ngư dân gặp nạn, cách đất liền đến 50 hải lí.
Khi chúng tôi đến hiện trường, ngư dân Lê Quốc Việt (sinh năm 1988) tình trạng sức khỏe đang nguy kịch. Anh Việt quê Quảng Ngãi, trong lúc say đá để ướp cá thì bị máy cắt đá cuốn vào khiến cẳng tay, bàn tay phải dập nát. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bị mất quá nhiều máu rơi vào tình trạng lơ mơ, các dấu hiệu sinh tồn bị đe dọa.
Sau khi hội ý nhanh, tôi và đồng nghiệp nhận định ưu tiên lúc này là phải băng ép cầm máu, cố định vết thương, giảm đau, truyền dịch và lập tức đưa về mổ cấp cứu tại bệnh viện 199.
Ngay khi về đến bệnh viện, bệnh nhân ngay lập tức được các Bác sĩ hội chẩn, lúc này vết thương biểu hiện xấu hơn, có nguy cơ phải phẫu thuật cắt cụt cẳng tay để bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, tôi và ekip đều thống nhất phương án bằng mọi giá phải giữ lấy cẳng tay của bệnh nhân. Một ekip giỏi nhất của khoa chấn thương chỉnh hình được chỉ đạo tiến hành mổ cấp cứu.
Lúc này, thực trạng vết thương bệnh nhân càng phức tạp hơn, cụ thể gãy xương trụ, gãy xương đốt bàn VI tay phải kèm dập nát phần mềm gân cơ, mạch máu phức tạp vùng cẳng tay, mu bàn tay. Chúng tôi tiến hành cắt lọc vết thương kết hợp xương gãy, nối gân cơ, mạch máu bị đứt. Chỉ như thế thì mới đảm bảo cẳng bàn tay của bệnh nhân phục hồi và lao động lại bình thường trong tương lai.
Sau 5 tiếng phẫu thuật căng thẳng, ekip mổ vỡ òa niềm vui khi đã thực hiện gần như hoàn hảo ý tưởng đưa ra.
Rời phòng mổ sau 24h, hiện tại sức khỏe của anh Việt đã hồi phục nhanh chóng. Cả khoa ngoại chấn thương đều hân hoan vui mừng như chính người thân của mình vừa vượt qua hoạn nạn. Và mọi người đều niềm tự hào bởi khoa đã thực hiện thành công một ca quá khó.
Nói với tôi và các Bác sĩ trong khoa, anh Việt nghẹn ngào: “Thực sự các Bác sĩ đã tái sinh cuộc đời tôi thêm một lần nữa. Trong khoảng khắc lúc bị tai nạn, tôi nghĩ rằng khó bảo toàn được tính mạng, nói gì đến khả năng hồi phục được cẳng tay như lúc này. Tôi xin cảm ơn Ban lãnh đạo bệnh viện 199, tài năng của các phẫu thuật viên cùng đội ngũ Y Bác sĩ của bệnh viện đã hết lòng cứu chữa tôi cũng như các bệnh nhân khác. Các bác thực sự là những thiên thần áo trắng”.
Cùng chung niềm vui và tham gia chỉ đạo sự việc, Bác sỹ Phùng Cao Cường, Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình- bỏng- y học thể thao bệnh viện chia sẻ: “Tôi rất tự hào về ê kíp mổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc cứu chữa thành công một ngư dân đang ngày đêm bám biển, bám đảo càng có ý nghĩa và thôi thúc chúng tôi hết lòng vì nhân dân”.
Với tôi sau một thời gian gắn bó cùng bệnh viện, qua sự việc này tôi càng thấm thía về bài học y đức và sẽ cố gắng hết mình để chung tay xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển và vững mạnh hơn.
Nguyễn Văn Sơn
Tags