(Thethaovanhoa.vn) - Làng Thủy Xuân (Phường Thủy Xuân-Tp Huế) đã nổi tiếng từ rất lâu với nghề làm trầm hương và nó đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây, không những thể làng trầm hương còn trở thành một điểm đến hút khách du lịch của Tp Huế.
Nghề truyền thống hút khách du lịch
Huế là xứ của tâm linh, được mệnh danh là thủ đô Phật giáo của nước ta, nơi có một số lượng chùa chiền khá nhiều và từng một thời là kinh đô của nhiều đời vua chúa nhà Nguyễn. Xuất phát từ nét đẹp truyền thống của người dân xứ Huế là coi trọng việc thờ cúng ông bà ,tổ tiên và đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong tâm linh của người dân đất Thần Kinh.
Chính vì thế mà những nén hương được sản xuất tại đây luôn mang một sắc riêng biệt mà hiếm nơi nào có được. Được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, hương trầm có nhiều màu sắc khác nhau, khi đốt lên có mùi hương nhè nhẹ. Những bó hương được làm ra, dưới sự sắp xếp khéo léo của các người thợ bỗng trở thành những bông hoa nhiều màu sắc.
Có lẽ nơi tập trung nhiều nhất và nổi tiếng hơn cả là khu vực “làng Hương” nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, nơi nhiều hộ dân lấy nghề hương làm nghề chính mưu sinh của mình. Ngày trước khi tuyến đường này ít người biết đến, cư dân sinh sống ở đây khá thưa thớt và nghề hương vì thế cũng chưa phát triển mạnh, chưa được nhiều người biết đến.
Nhưng về sau tuyến đường này được đầu tư xây dựng, nối làng hương với lăng vua Tự Đức – đồi Vọng Cảnh, du khách muốn thăm quan lăng vua Tự Đức và đồi Vọng Cảnh phải đi qua làng hương, rồi cạnh đó còn có lăng vua Đồng Khánh hút khá nhiều khách du lịch nên khu vực làng hương cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, hương trầm Thủy Xuân đã đi sâu vào trong tiềm thức của người dân nơi đây và trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô.
Đến ngay cả những người trong làng ngày ngày làm ra những bó hương cũng không rõ nghề làm hương trầm có từ bao giờ, chỉ biết là đời cha ông đi trước đã có nghề này và đời con cháu cứ vậy mà nối nghề mãi cho đến tận ngày nay. Mà kỳ thực bây người ta cũng không quan trọng nó khởi nguồn như thế nào mà chỉ chú trọng kỹ thuật làm hương để mang lại hiệu quả cao.
Nghề làm hương của Huế nổi tiếng nhất phải kể đến đó là loại hương trầm với mùi hương khi đốt lên nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp lạ thường. Hương trầm xứ Huế nhìn thì thấy thật đơn giản nhưng để có được những nén hương ưng ý là cả sự kỳ công và sự khéo léo của bàn tay người nghệ nhân.
Chạy xe một vòng trên con đường Huyền Trân Công Chúa, tôi có cảm giác như đang lạc vào chốn cửa Phật, mùi trầm hương nhẹ nhàng bay trong gió phẳng phất vào mũi làm cho tâm hồn tôi yên bình đến lạ.
Tôi dừng xe ghé vào một cái quán nhỏ, nơi mà một nữ nghệ nhân đã lớn tuổi đang miệt mài se hương bằng tay. Khi tôi vào thì bà dừng tay và bắt đầu giới thiệu từng loại hương một, rồi cả giá tiền, cách để làm nên một que hương… chắc có lẽ bà nghĩ tôi là khách đến mua hương. Nhưng khi tôi nói muốn tìm hiểu về nghề hương và làng trầm hương thì bà mới ngồi lại và giới thiệu tên, lúc này tôi mới biết nghệ nhân này tên là Tôn Tuyết một người đã gắng bó với nghề hương từ lúc 10 tuổi.
Bà vui vẻ chia sẽ cho tôi khá tỉ mĩ từ cách chọn nguyên liệu, làm chong hương rồi đến cách se hương bằng tay: “Hương trầm có một mùi hương đặc trưng nhưng để có được một bó hương nhìn qua thật là đơn giản những người làm hương phải rất kỳ công lựa chọn nguyên liệu: hoa hồi, thảo quả, bạch đàn, hoa bưởi khô, đinh hương… Ngoài những nguyên liệu đó còn có thêm mùn cưa và keo (Keo được làm nên được làm từ vỏ cây “Bì lời”, một loại vỏ được lấy chủ yếu từ vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị hoặc từ Quảng Ngãi về). Sau đó các thành phần sẽ được đem nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ. Thường thì người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền của mỗi nhà”.
Một nét đặc biệt của hương trầm xứ Huế nữa chính là ở khâu sản xuất. Hương trầm luôn luôn được se thủ công nhưng những cây hương nhìn rất đều nhau, tròn trịa, dẻo rất khó gãy và bị bể. Cây hương khi thắp lên sẽ cháy đến tận chân hương, người làm hương cũng phải rất kỹ lưỡng trong khâu làm chân hương để hương không bị cháy nửa chừng và tàn hương uốn cong trông rất thẩm mỹ. Ngày trước, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu “đỏ sẫm” là chủ đạo. Nhưng hiện nay, khi tham quan làng Hương thì dễ dàng bắt gặp sự đa sắc của chân hương, nào đỏ tươi, gạch, xanh lá chuối, xanh đậm, vàng, tím…chúng được xếp thành hình những bông hoa đầy màu sắc dọc hai bên đường Huyền Trân Công Chúa.
Để có được màu sắc cho chân hương, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng (Nước càng nóng chừng nào thì màu chân hương sẽ càng tươi sắc, và giữ được lâu chừng ấy), nhúng chân hương qua một vài lần, sau đó đem phơi khô lại lần nữa. Trong công đoạn tạo màu, người thợ cũng chú ý loại bỏ những chân hương có dấu hiệu ẩm mốc (Vì những chân hương này khi phủ màu sẽ không giữ được màu sắc theo mong muốn của người thợ).
Công đoạn phơi hương cũng rất quan trọng, hương trầm chủ yếu được phơi nắng chứ không đưa vào lò sấy, vì phơi nắng sẽ làm cho hương khô một cách tự nhiên, không bị giòn gãy và mất mùi.
Bà Tuyết còn cho biết thêm: “Hương trầm ngày nay người ta chủ yếu sản xuất bằng máy, vừa nhanh mà cây hương lại đều đẹp. Tuy nhiên theo bà Tuyết thì hương làm bằng tay chắc hơn, cháy chậm và mùi tỏa thơm hơn. Với mình làm thủ công thì những người khách trong và ngoài nước họ mới biết được cách làm truyền thống và có thể làm thử được chứ bằng máy thì nó không thú vị bằng. Khách mua hương và làm thử đa phần là những du khách đến tham quan lăng vua Tự Đức và Đồng Khánh ghé qua vì thế mà làng này còn được nhiều người gọi là làng hương Tự Đức. Làm hương không khó nhưng người làm cần cái tâm thì sản phẩm của mình mới có chỗ đứng”.
Với cách làm thủ công truyền thống thì mỗi ngày một người thợ như bà Tuyết có thể làm được từ 3.000 đến 4.000 cây. Còn làm máy thì cho hiệu suất cao gấp 3 lần. Hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề làm hương tuy không cao nhưng cũng đủ đảm bảo được cuộc sống hằng ngày cho người lao động.
Đặc trưng văn hóa tâm linh Việt
Hương trầm xứ Huế vốn đã mang trong mình nét đặc trưng tạo nên thương hiệu riêng thì nó còn có tích kể mà luôn thu hút sự chú ý của du khách mỗi khi nghe những nghệ nhân làng hương kể lại: “Tương truyền, chúa Nguyễn Phúc Trân (1687 – 1691) nằm mộng thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ bảo với chúa rằng: Ngài hãy thắp một nén hương từ đồi Hà Khê xuôi về phía hạ lưu, đến chỗ nào hương tàn thì hãy dừng chân lại đó mà đóng đô thì cơ nghiệp sẽ vững muôn đời. Khi chúa tỉnh dậy, cho là điềm lạ bèn làm như lời bà cụ dặn. Khi chúa đi đến đoạn mà ngày nay là kinh thành Huế thì nén hương trên tay cũng vừa tàn hết. Chúa thấy nơi đây thế địa linh nhân kiệt, phong thủy rất đẹp nên đã quyết định đóng đô tại đây. Và để tỏ lòng cảm tạ thần linh, chúa đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, và đặt tên cho con sông này là “sông Hương”.
Nén hương là sợi dây liên lạc với thế giới tâm linh, nén hương được thắp lên với lòng thành kính tổ tiên. Hương thơm ngan ngát, nhè nhẹ lan toả, khói hương cuộn bay lên mờ ảo. Nhưng đằng sau đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, là sự yêu nghề và là cái tâm của những người làm nghề hương.
Thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiền từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong suy nghĩ của người Việt, nhất là trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết, rồi khi đến viếng mộ người đã khuất không ai mà không mang theo nén hương để thể hiện lòng thành kính với người đã khuất. Việc làm này như “chiếc cầu nối” vô hình mà thiêng liêng, gắn chặt những tâm hồn hiện hữu với cõi tâm linh của đất trời. Đó cũng là lý do khiến cho nghề làm hương cổ truyển trải qua biết bao chặn đường vẫn còn sức sống cho đến ngày hôm nay.
Hồng Ân
Tags