(Thethaovanhoa.vn) - Judy Garland là một người cực kỳ tài năng, nhưng không thiếu các tật xấu như nghiện rượu và ma túy. Bà cũng có tính khí khiến người khác vô cùng khó chịu.
Nay, mọi khía cạnh về nghệ sĩ tài danh này đã được Stevie Phillips (78 tuổi), nữ đại diện của bà trong những năm 1960, viết lại trong cuốn hồi ký Judy & Liza & Robert & Freddie & David & Sue.
Sách có chứa những chi tiết gây sốc về Garland, sẽ được Nhà xuất bản St. Martins Press phát hành vào ngày 2/6, 46 năm sau khi bà qua đời, hồi năm 1969.
Con người lắm tài nhiều tật
Garland, tên thật Frances Ethel Gumm, sinh ngày 10/6/1922. Suốt 45 năm hoạt động nghệ thuật, Garland ghi dấu ấn đậm nét, trong vai trò một ngôi sao âm nhạc và diễn viên đa tài mang đẳng cấp quốc tế.
Bà đã từng mang về một giải Oscar dành cho thanh thiếu niên, 1 giải Quả cầu vàng và 1 giải Giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille cho sự nghiệp diễn xuất, cùng nhiều giải Grammy và Tony.
Garland đã làm nên tên tuổi với phim The Wizard Of Oz (Phù thủy xứ Oz - 1939). Ca khúc Over the Rainbow do bà thể hiện trong phim này được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ bình chọn là bài hát của thế kỷ 20. Ca khúc cũng được Viện phim Mỹ xếp vị trí đầu trong danh sách “100 ca khúc đáng nhớ nhất của điện ảnh Mỹ thế kỷ 20”.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật, Garland lại vướng vào không ít bê bối trong đời tư. Bà cũng có phong độ thất thường, dễ bị suy sụp bởi những lời phê bình mình thừa cân và vô duyên.
Sau khi lao vào dùng thuốc giảm cân và kích thích sự hưng phấn, Garland đã bị nghiện. Tính khí của bà ngày càng trở nên bất ổn. Ví dụ như bà muốn mọi người phải yêu thương mình, không chỉ thán phục trước tài năng. Garland không bao giờ cảm thấy mình đẹp hay quyến rũ nếu không được nghe những lời khen đó từ người xung quanh.
“Garland thích thú với các trò tiêu khiển không bình thường của mình. Trong một lần đi xe limo đến điểm diễn, Garland đã đặt tay lên lưng và sau đó là đầu gối tôi. Một lúc sau, bàn tay bà đã ở bẹn tôi. Bà nhìn thẳng vào tôi, sau đó quay đi rồi cười. Tôi như ngừng thở và cự tuyệt một cách yếu ớt. Sau đó, tôi trấn tĩnh và tự nhủ với bản thân, rằng không được để chuyện gì xảy ra với mình” – Phillips viết trong cuốn hồi ký.
Một cuộc sống đầy những bất hạnh
Phillips bước vào giới showbiz khi là thư ký của hãng tìm kiếm tài năng Tập đoàn Âm nhạc Mỹ (MCA). Sau đó, bà làm việc cho Hiệp hội Quản lý Sáng tạo (CMA) do Freddie Fields và David Begelman điều hành.
Lúc đó, Fields cần có ai đó để “khởi động” công ty mới của mình và ông nhắm tới Garland, khi ấy là một nghệ sĩ không còn có khả năng sinh lãi ở Hollywood, do nghiện ma túy, rượu và tính khí thất thường.
Fields cam kết với Garland rằng, ông ta có thể đưa bà trở lại phim trường, nếu như bà giảm cân. Lúc đó, Garland đang sống trong một căn hộ ở London, với trọng lượng cơ thể tăng vọt do ăn uống vô độ. Sau khi nghe Fields nói vậy, bà đã bay về New York và quyết định thay đổi cuộc đời.
Garland trở thành khách hàng thứ 3 của Freddie. Phillips được giao làm người đồng hành với Garland và gần như thành cái bóng của bà, bởi bà rất ghét phải ở một mình. “Tôi phải sắp xếp lịch diễn, tổ chức họp báo... hầu như là làm mọi thứ. Thật buồn, Garland không phải là người đơn giản. Bà là ‘Nữ hoàng bi kịch"” - bà kể.
Nhờ sự hợp tác với Fields, Garland đã tái dựng được danh tiếng ở Hollywood. Bà nhận được nhiều lời mời đóng phim nhựa và phim truyền hình. Tuy nhiên tâm lý của bà vẫn không hề ổn định hơn.
Garland bắt đầu có các hành vi hủy hoại sức khỏe bản thân. Một buổi tối năm 1961, Garland đã gặp tai nạn khi khi cầm diêm châm lửa hút thuốc và để lửa bén vào chiếc váy dạ hội của bà. Trong khi Phillips cuống cuồng tìm cách dập lửa, Garland lại chẳng yêu cầu giúp đỡ. Bà cũng không thèm đi gặp bác sĩ để kiểm tra phần chân đã bị bỏng.
Nhưng sự cố lần đó vẫn chưa kinh hãi bằng một lần Phillips trở về khách sạn lấy trang phục cho Garland và chứng kiến ngôi sao tự cầm dao cắt cổ tay mình, khiến máu bắn vọt ra. Khi hay tin, David Begelman, ông chủ của CMA, đồng thời là người tình của Garland đã vội đến khách sạn cùng với bác sĩ và trị thương cho bà.
Begelman tiếp tục động viên, giúp đưa Garland trở lại với công việc và đóng phim. Sau đó, Garland đã được đề cử giải Oscar với phim Judgment At Nuremberg. Bà còn tham gia nhiều chương trình truyền hình đặc biệt và có bộ phim truyền hình riêng về mình, dài 26 tập. Nhưng khi bộ phim kết thúc, Garland cũng lâm vào cảnh khánh kiệt, do Begelman đã biển thủ hàng trăm ngàn đô la trong thời gian làm đại diện cho bà.
Bị gánh nặng kinh tế, cộng với tâm lý bất ổn, Garland đã cố tự tử nhiều lần trước khi chết vì sốc ma túy ở tuổi 47, khép lại một cuộc đời tài năng nhưng bất hạnh.
Năm 1997, Garland được truy tặng giải Grammy Thành tựu trọn đời. Một số bản thu âm của bà cũng được đưa vào Sảnh Danh vọng Grammy. Năm 1999, Viện phim Mỹ xếp bà vào vị trí thứ 8 trong số 50 huyền thoại màn bạc nữ trong lịch sử điện ảnh Mỹ. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags