(Thethaovanhoa.vn) - Tàu đánh cá Trung Quốc hiện đua nhau hoạt động trái phép dọc bờ biển Guinea, dẫn đến số lượng cá ngày một ít dần và phá hủy môi trường sống sinh vật biển nơi đây.
- Tàu cá Trung Quốc đâm phải tàu của Malta, 2 người chết và 17 người mất tích
- Đụng độ đổ máu giữa tàu cá Trung Quốc và tàu Hàn Quốc
Trên chiếc tàu đánh cá màu gỗ sáng, xa xăm nhìn ra biển lớn, ngư dân Abdoulaye Soumah ngao ngán thở dài: “Ngày trước thường chúng tôi sẽ thu được khoảng từ 700 đến 1.400 USD tiền cá mỗi ngày. Nhưng giờ do tình trạng đánh bắt cá trái phép ngày một tăng lên, nên lượng cá cũng ít đi. Thời gian bỏ ra giống như trước nhưng chúng tôi chỉ kiếm được 140 USD”.
Ngư dân Guinea cho biết hiện vùng biển nước này không còn cá cho họ đánh bắt do tàu Trung Quốc vào quá đông. Với những chiếc thuyền truyền thống này liệu họ có cạnh tranh được với tàu Trung Quốc?
Liên hiệp quốc ước tính hoạt động đánh bắt cá trái phép gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 23 tỷ USD mỗi năm.
Theo Hiệp hội luật môi trường (EJF) – một tổ chức phi lợi nhuận tại Anh, vùng biển Tây Phi là nơi diễn ra hoạt động đánh bắt trái phép nghiêm trọng nhất thế giới. Hơn 1/3 số cá trong vùng là đánh bắt trái phép. Người sáng lập ra EJF giận dữ cho biết: “Những kẻ đánh bắt trái phép đó không biết rằng mình đang lấy đi nguồn tài nguyên và thu nhập của những người nghèo nhất hành tinh chỉ để phục vụ cho lợi ích ngắn hạn trước mắt của mình”.
Tại chợ cá ở thủ đô Conakry, ông Aboubacar Kaba – lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp cá truyền thống vớt lên một con cá màu bạc và cho biết đây là loại cá mà nhiều thuyền tàu Trung Quốc đang ra sức đánh bắt. Ông nói: “Đây là cá đù vàng (cá dạ đỏ) – được bán với giá cao nhất châu Á. Loài cá này được liệt vào danh sách loài nguy hiểm và đã biến mất trên vùng biển Trung Quốc do hoạt động đánh bắt quả tải. Năm 2008 chỉ có 14 tàu đánh bắt ở trên vùng biển chúng tôi nhưng hiện nay đã tới gần 500 tàu cá hoạt động chỉ để bắt loại cá đặc biệt này”.
Không chỉ đánh bắt cá trái phép, mà các tàu thuyền Trung Quốc khi vào vùng biển vịnh Guinea cũng gây ra hàng trăm các vụ việc gây nhức nhối. Cuối năm 2014, một tàu tuần tra của Tổ chức Hòa bình xanh đã phát hiện ra tàu đánh bắt cá Trung Quốc thả lưới vét ngầm dưới đáy biển, quét sạch và phá hủy rặng san hô, bãi sò một cách cẩu thả. Hơn 90% số thủy hải sản bắt được không đem lại lợi nhuận sẽ ném lại biển nhưng trong tình trạng chết thối.
Hiện Tổ chức Hòa bình Xanh từ tháng 1 cũng triển khai các cuộc điều tra trên vùng biển các nước Tây Phi. Tuy chiến dịch này phải mất 3 năm mới hoàn thành nhưng tổ chức hi vọng sẽ cung cấp một bản phân tích chi tiết và cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại đây.
Theo Hồng Hạnh (Tin tức/BBC)
Tags