Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo!

Chủ nhật, 27/11/2022 19:08 GMT+7

Google News

Nếu cứ dễ dãi và thoả hiệp với những nội dung độc hại sẽ có một ngày chúng ta nhận ra mình yêu thích những nội dung như vậy. Khi đó, thế giới không chỉ có một Nờ Ô Nô “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo.

Những nhà sáng lập mạng xã hội có thể lên hàng trăm, hàng nghìn bài báo để nói rằng họ vẫn đang kiểm soát nội dung chặt chẽ cũng không bao giờ hết được những nội dung “bẩn” tràn lan trên mạng xã hội. Các thuật toán của Facebook, TikTok có tốt đến đâu cũng vẫn để lọt những nội dung mà sự nhố nhăng, vô đạo đức của nó không hiển hiện trên ngôn từ, hình ảnh; nó nằm ở phía sau ngôn từ, phía sau hành động. Và nếu có ông chủ mạng xã hội nào vỗ ngực tự khen mình đã kiểm soát tốt nội dung, ít nhất không phải hôm nay khi họ vẫn để lọt một TikToker với những nội dung “ăn” trên nỗi đau khổ của người nghèo.

Tôi đang muốn nói tới video thứ 3003 của TikToker Nờ Ô NÔ.

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 1.

Đoạn video của TikToker Nờ Ô NÔ đang nhận nhiều chỉ trích trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Video xoay quanh việc TikToker Nờ Ô NÔ gặp một cụ bà giữa đêm khuya và hỏi cụ bà có muốn ăn gì không – như một hành động “tử tế” giúp đỡ những người khó khăn.

Thoạt nghe sẽ thấy tinh thần nhân văn bao trùm trong câu chuyện nhưng trái ngược lại, Nờ Ô NÔ thể hiện rõ mục đích câu view qua video với ngôn từ không thể thiếu đạo đức hơn, đi cùng những câu bình luận về người nghèo khiến người nghe phẫn nộ. 

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 2.

“Người nghèo ăn gì cho ăn đó”

Vi hiểu “miếng ăn là miếng tồi tàn” nên trong cuộc sống, người ta luôn dặn nhau rằng “của cho không bằng cách cho”. Tôi không thể quên đã bao nhiêu lần báo chí phản ánh những câu chuyện từ thiện khiến người nhận phải muối mặt, tủi hổ. “Của cho” trả lời cho câu hỏi “What” (Cái gì); “Cách cho” trả lời cho câu hỏi “How” (Như thế nào). Nhưng có lẽ, câu chuyện của TikToker Nờ Ô NÔ kia còn chưa thể bàn tới Của cho hay Cách cho vì đơn giản, câu hỏi “Tại sao” (Why) cậu ta đã không trả lời được.

Tôi không coi đó là “từ thiện” hay “giúp đỡ” gì cả, tất cả những gì hiển hiện trong clip là một sự “cho” đầy xấc xược chỉ để có thêm vài chục nghìn lượt xem, lượt thích cho video và kênh TikTok của cậu. Nờ Ô NÔ không che giấu điều đó và công khai mục đích của mình.

Một bát phở 55 nghìn mà cậu ta cho là nhiều đó, không bao giờ mua được danh dự của một người nghèo, và càng không bao giờ đủ để ai đó ngạo nghễ trên sự khó khăn của người nghèo. "Nghèo mà còn chê đồ ăn", "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu"... Những câu nói ấy không chỉ cứa vào gan người nghèo, nó cứa vào gan, vào trái tim của người nghe và thổi bùng lên sự giận dữ của cộng đồng. 

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 3.

Cái nghèo không phải điều đáng xấu hổ. Nhưng việc quăng cái nghèo của người ta xuống đất, chà đạp lên đó bằng những ngôn từ miệt thị là một sự xúc phạm lớn với cộng đồng. Người Việt vẫn lấy tinh thần đùm bọc nhau mà sống làm niềm tự hào, ai nỡ lấy cái nghèo ra mà trào phúng?

Danh dự của một con người quan trọng hơn một bữa no.

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 4.

Sự vô đạo đức trong một thực hành truyền thông

Cách đây khoảng một tháng, một TikToker người Úc đã thực hiện một thử nghiệm xã hội về "lòng tốt" trong cuộc sống đời thường. Anh ta giả vờ bị thương ở cánh tay và nhờ 2 cụ ông cụ bà đang đi bộ trên đường mở hộ chai nước. Hai cụ không giúp và cứ thể bước đi, để nhận lại lời bình luận tiêu cực từ TikToker trên, kéo theo đó là một cơn mưa chỉ trích từ người dùng mạng xã hội, phần đông là fan hâm mộ của anh ta. Một thời gian sau, con gái của hai cụ đã viết một bài báo rất dài trên trang SBS với tựa đề “hai người mà các bạn đang chỉ trích trong video TikTok đó là bố mẹ tôi. Hãy đọc bài viết này” để chia sẻ câu chuyện thật phía sau việc một thanh niên khoẻ mạnh, hoàn toàn xa lạ, nhờ hai người già có vấn đề về sức khoẻ mở giúp một chai nước.

Trong các lý thuyết về công cụ truyền thông, lý thuyết định hướng được sử dụng rất nhiều để dẫn dắt người xem theo ý đồ của tác giả. Hiểu một cách đơn giản, với một vấn đề có rất nhiều góc nhìn, người làm chủ công cụ truyền thông lựa chọn góc nhìn và thông điệp họ muốn người xem tiếp nhận. Sự định hướng không chỉ “ép” khán giả phải xem gì mà còn định hình một cách hiểu trong tâm trí khán giả, dù trên thực tế vấn đề không phải như vậy, như câu chuyện của TikToker người Úc phía trên.

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 5.

Tuy nhiên, nếu như các sản phẩm truyền thông như trên vẫn cố gắng cài cắm một thông điệp tích cực tới người xem, Nờ Ô NÔ không quan tâm tới thông điệp ý nghĩa hay tích cực nào trong sản phẩm của mình, sẵn sàng vi phạm những nguyên tắc đạo đức trong việc xây dựng các sản phẩm truyền thông. Thực hành truyền thông với các chủ đề như người nghèo, trẻ em, người già đòi hỏi độ nhạy cảm và đạo đức nhất định khi đây là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên truyền thông. Nờ Ô NÔ lao tới một cụ bà, không có những động thái hỏi xin ghi hình, không làm mờ mặt, cố gắng hỏi những câu hỏi để xoáy vào việc họ nghèo như thế nào, thậm chí ép người trả lời phải nhìn nhận mình nghèo, phải “xin” một bữa ăn dù ban đầu cụ bà có nói mình không thấy thèm hay muốn ăn gì.

Thái độ, tư thế, cách phục trang của Nờ Ô NÔ thể hiện rõ việc phân tách hai thái cực giàu nghèo. Nếu là một người có thái độ từ thiện chừng mực, họ sẽ biết chọn trang phục phù hợp, lựa những tư thế gần gũi và thoải mái như những cuộc nói chuyện đời thường thay vì đứng từ trên nhìn xuống…  Tôi không chắc những TikToker này hiểu rõ về sự đồng thuận trong những sản phẩm như vậy, không cần quan tâm người được quay có muốn hay không. Hoặc có thể họ biết, nhưng họ không quan tâm vì tất cả đều hướng tới “click-bait” cho video.

Không phải một người dùng TikTok, tôi khá ngạc nhiên khi video có được tới 3003 tập? Tôi thử xem lại một vài video khác và nhận ra rằng, những vấn đề ở trên không phải của riêng lẻ tập 3003 mà đã xuất hiện trong rất nhiều những tập khác nhưng chưa một lần vấp phải phản ứng của dư luận, trước nhất là người dùng TikTok. 

Ngưng tiêu thụ nội dung bẩn, để thế giới không còn những kẻ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo! - Ảnh 5.

Người dùng mạng xã hội vẫn coi nội dung là những “món ăn tinh thần”. Nếu coi đó là những món ăn, chúng ta trưởng thành và lớn lên từ những “món ăn” nuôi cơ thể. Có một thiền sư từng nói “we are what we consume” – chúng ta là sản phẩm của những thứ chúng ta tiêu thụ. Tôi tin câu nói trên, dù với bất cứ “sản phẩm tiêu thụ” nào cũng hoàn toàn chính xác. Nếu cứ dễ dãi và thoả hiệp với những món ăn trên, sẽ có một ngày chúng ta nhận ra mình yêu thích những nội dung như vậy.  

Khi đó, thế giới không chỉ có một Nờ Ô NÔ “ký sinh” trên nỗi khổ của người nghèo. 

Minh Đức/ Thiết kế: Thủy Tiên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›