Ngược dòng ký ức EURO 1960: Chiến thắng của khối XHCN

Thứ Sáu, 25/05/2012 13:43 GMT+7

Google News

(thethaovanhoa.vn)- Trong lần đầu tiên EURO được tổ chức, các đội bóng Đông Âu gồm Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc đã giành thế thượng phong, chiếm trọn cả ba ngôi vị cao nhất, mở ra một thời kỳ rực rỡ sau này của khối xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1960, EURO chỉ thu hút được 17 đội tham dự. Giải đấu tổ chức một trận sơ loại giữa Tiệp Khắc và Ireland để chọn ra 16 đội bóng thi đấu vòng bảng. Vòng này được tổ chức theo thể thức loại trực tiếp với lượt đi và lượt về, từ đó chọn ra tám đại diện dự vòng sau. Tại vòng tứ kết, đã có rắc rối xảy ra khi Tây Ban Nha, khi đó vẫn dưới quyền của độc tài Francisco Franco, đã từ chối tới Liên Xô, vốn ủng hộ cho phe Đệ nhị cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939, và bị loại khỏi giải. Do đó, Liên Xô mặc nhiên được vào thẳng vòng bán kết cùng hai đại diện của khối XHCN khác là Tiệp Khắc, Nam Tư và nước chủ nhà Pháp, nơi đăng cai tổ chức vòng bán kết, trận tranh hạng Ba và trận Chung kết.



Liên Xô giành chức vô địch trong lần đầu EURO được tổ chức. Phải: Ông Henri Delaunay, cha đẻ của EURO

Tại vòng bán kết, Liên Xô đã xuất sắc vượt qua Tiệp Khắc với tỷ số 3-0 còn Nam Tư phải rất vất vả mới đánh bại được Pháp, đệ tam thế giới khi đó, với nhiều gương mặt tên tuổi như Raymond Kopa hay Just Fontaine. Nam Tư có bàn mở tỷ số ngay từ phút thứ 11 nhưng chỉ một phút sau đã bị gỡ hòa rồi bị dẫn ngược 1-3 rồi 2-4. Tuy nhiên, trong bốn phút điên rồ, từ 75 đến 79, nhờ công của Tomislav Knez và Drazan Jerkovic, đội bóng này đã giành chiến thắng 5-4 chung cuộc (đang là trận đấu có nhiều bàn nhất lịch sử EURO). Tại trận chung kết, Nam Tư đã gây đôi chút bất ngờ khi có bàn mở tỷ số trước nhưng sau đấy, đã bị Liên Xô gỡ hòa rồi nhấn chìm bởi bàn thắng ở hiệp phụ của Viktor Ponedelnik. Trước đó, Tiệp Khắc cũng đã dễ dàng vượt qua Pháp với tỷ số 2-0 để giành vị trí thứ ba.

Tại các giải Olympic, các đội bóng thuộc khối XHCN đã bước lên đỉnh từ khá lâu với chiến công của Hungary tại Helsinki 1952 và Liên Xô tại Melbourne 1956 nhưng tại các kỳ World Cup, vẫn phải ngậm ngùi lỡ hẹn. Hungary đã phải về nhì ở World Cup 1938 và 1954 còn thành tích của Liên Xô và Nam Tư tại một kỳ bóng đá thế giới chỉ là tứ kết. Thế nên sự thống trị của khối XHCN tại giải vô địch châu Âu đầu tiên đã mở ra một thời kỳ huy hoàng tiếp theo cho nền bóng đá này. Chỉ hai năm sau, tại World Cup 1962, các nước thuộc khối XHCN lại tiếp tục làm mưa làm gió khi Hungary, Liên Xô vào tứ kết, Nam Tư vào bán kết còn Tiệp Khắc chỉ chấp nhận thua Brazil, đang sở hữu những thiên tài như Garrincha hay Vava.

Trong các EURO tiếp theo, các đội bóng thuộc khối XHCN cũng tiếp tiếp tục thể hiện sự thống trị. Liên Xô lọt vào chung kết EURO 1964 và 1972. Tại EURO 1968, Liên Xô cũng đã lọt vào tới bán kết, cầm hòa Italy trong 120 phút, cả hiệp chính lẫn phụ, và chỉ chịu dừng bước bởi thua trong cuộc…tung đồng xu. (1964 thua Tây Ban Nha và 1972 thua Tây Đức). Nam Tư vào chung kết năm 1968 còn Hungary vào bán kết EURO 1964 và 1972. Tuy nhiên, trong những thời khắc lịch sử ấy, dù đã tiến sát tới ngai vàng, các đội bóng này đều bước hụt. Phải tới EURO 1976, bóng đá XHCN mới được dịp ăn mừng khi Tiệp Khắc đánh bại Tây Đức trong màn đấu súng nghẹt thở.

Trần Khánh An

Vạn sự khởi đầu nan
World Cup là một giải đấu do một người Pháp, ông Jules Rimet, khởi xướng và EURO cũng do một người dân khác của đất nước này khai sinh. Ngay từ năm 1927, ông Henri Delaunay đã hình thành ý tưởng tổ chức một giải bóng đá cho các nước châu Âu nhưng phải đến năm 1954, khi UEFA được thành lập, kế hoạch này mới bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, do năm 1955 ông Delaunay qua đời nên phải đến năm 1957, dự án này mới được UEFA thông qua với tên gọi cúp Henri Delaunay. Hiện nay tuy gọi là EURO 1960 nhưng giải đấu bắt đầu từ…1958. Trong lần đầu tổ chức, EURO đã gặp phải hàng loạt khó khăn khi chỉ thu hút được 17 đội tham gia, vắng mặt Tây Đức, Italia và Anh, những đội bóng hàng đầu thời đó, còn Tây Ban Nha bỏ cuộc giữa chừng. Trong bốn trận đấu cuối cùng tổ chức tại Pháp, chỉ có 78.958 khán giả tới sân, thậm chí trận tranh hạng Ba chỉ có 9.438 CĐV.

Vô địch: Liên Xô

Á quân: Nam Tư

Hạng ba: Tiệp Khắc

Hạng tư: Pháp

Vua phá lưới

Just Fontaine và Jean Vicent (Pháp)


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›