(thethaovanhoa.vn)- Bước vào EURO 1980 trong cảnh thiếu vắng chân sút chủ lực Klaus Fischer nhưng Tây Đức vẫn xuất sắc giành chiến thắng nhờ sự tỏa sáng bất ngờ của tiền đạo vô danh Horst Hrubesch.
Khi EURO 1980 sắp sửa diễn ra, Tây Đức nhận tin sét đánh khi tay săn bàn số một Fischer bất ngờ gãy chân, chắc chắn không thể hành quân tới Italia. Trong lúc bí bách, HLV Jupp Derwall đã quyết định “đánh bài liều” khi triệu tập chân sút Hrubesch, người 23 tuổi mới lần đầu thi đấu tại Bundesliga và đến năm 28 tuổi, mới có lần đầu khoác áo đội quyển quốc gia. “Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên khi nhớ lại cuộc gọi (vào ĐTQG) của HLV Jupp Derwall. Trước đó, tôi chưa chơi một trận nào cho ĐTQG, kể cả trận đấu với Pháp tại Hannover trước thềm EURO. Mọi thứ diễn ra quá nhanh”, Hrubesch chia sẻ.
Hrubesch nâng cao cúp vô địch- Ảnh Internet
“Tôi được chọn không chỉ bởi Fischer dính chấn thương mà còn do phù hợp với hệ thống thời bấy giờ. Tây Đức cần một trung phong cắm, ở phía dưới đã có Rummenigge và Klaus Allofs, cả hai tiền vệ Bernd Schuster và Hansi Mueller nữa. Tất cả đều là những cầu thủ tấn công rất xuất sắc. Chưa kể hai hậu vệ Manfred Kaltz và Hans-Peter Briegel cũng thường xuyên dâng cao hỗ trợ. Đây là một đội bóng rất thiên về tấn công”, tiền đạo của Hamburg hồi tưởng.
Tuy được một đội ngũ chất lượng như vậy hỗ trợ (Rummenigge và Schuster lần lượt giành Quả bóng vàng và bạc châu Âu năm đó) nhưng Hrubesch lại hoàn toàn tịt ngòi ở vòng bảng. Khi đó, nhiều người đã nghi ngờ về lựa chọn của HLV Derwall nhưng nhà cầm quân này vẫn hoàn toàn tin tưởng ở Hrubesch. Niềm tin của ông Derwall đã được đền đáp khi Hrubesch tỏa sáng trong trận chung kết với một cú đúp, ấn tượng nhất là pha đánh đầu thành bàn ở phút 88, mang về chức vô địch EURO thứ hai cho “Die Mannschaft”.
“Bàn thứ hai của tôi đến từ một quả đá phạt góc của Rummenigge. Mọi quả phạt góc của chúng tôi đều được chuẩn bị. Rummenigge ra dấu cho tôi và thủ môn Jean Marie Pfaff đã mắc sai lầm khi vẫn đứng ở vạch vôi. Tôi đã bật cao và do sai lầm của cậu ấy, tôi đã dễ dàng đưa bóng vào lưới”. Pfaff đã sai lầm khi không cảnh giác trong tình huống này bởi tại Bundesliga, Hrubesch có biệt danh là “Quát vật đánh đầu”: “Tôi luôn chủ trương chơi đơn giản nhất có thể và tận dung tối đa ưu điểm của mình. Tôi có sức bật tốt nhờ vậy có 81 bàn từ những pha đánh đầu trong tổng số 136 bàn”.
Sau trận chung kết, dù được tôn vinh như một người hùng nhưng Hrubesch lại tỏ ra rất khiêm tốn, đánh giá cao công sức của toàn đội chứ không nhận hết công lao về mình: “Tất cả chúng tôi thi đấu vì người khác, không quan trọng tôi hay Allofs ghi bàn. Chúng tôi đã không phụ thuộc vào bất kỳ ai, chúng tôi là một đội bóng đúng nghĩa”. Những kinh nghiệm thành công của Hrubesch (phát huy điểm mạnh nhất của bản thân) và của tuyển Đức khi đó (sử dụng lối chơi tập thể) đã không chỉ mang về chức vô địch EURO 1980 mà còn trở thành công thức chiến thắng cho nhiều thế hệ sau này.
Tại EURO 1996, Oliver Bierhoff khi đó chỉ là một chân sút không mấy nổi bật như Hrubesch 16 năm trước nhưng HLV Berti Vogts vẫn “đánh bạc” với cầu thủ này. Và ông Vogts đã thắng lớn khi ưu điểm đánh đầu của Bierhoff đã phát huy tác dụng với một cú đúp vào lưới Czech trong trận chung kết. Ngay cả đội tuyển Đức hiện tại cũng là nơi “đào tạo” nên những chân sút cắm thượng hạng, nhờ hệ thống vận hành quá tốt và có khả năng hoàn thiện thêm các kỹ năng săn bàn cho các cầu thủ đá cắm như Mario Gomez và Miroslav Klose. Và gần như ở mỗi giải đấu lớn, họ đều có thể “giới thiệu” một chân sút cắm có đẳng cấp, từ những cái tên trước đó còn vô danh.
Trần Khánh An
Thể thức mới Vòng loại EURO 1980 gồm có 31 đội, chia thành bảy bảng, thi đấu vòng tròn theo thể thức lượt đi-về chọn ra bảy đội đứng đầu lọt vào vòng chung kết cùng đội chủ nhà Italia. Tại vòng chung kết, tám đội được chia thành hai bảng, thi đấu vòng tròn. Hai đội đầu bảng sẽ thi đấu chung kết còn hai đội nhì bảng tranh hạng Ba. Đây cũng là EURO cuối cùng có trận tranh hạng Ba. (Con số) Vô địch Tây Đức Á quân Bỉ Hạng ba Tiệp Khắc Hạng tư Italia Vua phá lưới Klaus Allofs (Tây Đức, 3 bàn) |