(Thethaovanhoa.vn) - Bà làm loạn nhịp tim một hoàng tử Anh, bắt Hemingway phải xấu hổ, và thấy cuộc đời buồn tẻ vô cùng nếu chưa làm thế giới phải giật mình. Đó là nữ phi công Beryl Markham, một cái tên hôm nay đã chịu vào quên lãng.
Từ mấy tiếng đồng hồ...
... bà bay xuyên đêm đen như người mù, tờ bản đồ bị gió cuốn bay khỏi buồng lái, và thậm chí không có điện đài. Dưới chân bà là Đại Tây Dương đen như mực, bên cạnh bà là mấy cái bánh mì kẹp thịt gà và một chai rượu cực mạnh – dành cho trường hợp không còn lối thoát.
Vào ngày 4-9-1936 Beryl Markham ngồi một mình trong buồng lái của chiếc phi cơ Vega Gull tí hon một động cơ bay một mạch qua Đại Tây Dương tới New York. Phi công huyền thoại Charles Lindbergh trước đó 9 năm đã bay tuyến này.
Năm 1932, Amelia Earhart lặp lại kỷ lục đó. Nhưng cả hai đều bay từ Tây sang Đông tức là xuôi chiều gió. Còn Beryl Markham không chán gì hơn mọi lối mòn và cuộc sống êm ả nhàm chán: bà bay theo chiều ngược lại. Tối thiểu 21 tiếng đồng hồ là quãng thời gian theo tính toán lý thuyết.
Chiếc Vega Gull vốn đã nhỏ, buồng lái nay còn chặt chội hơn vì Markham thiết kế thêm bình xăng phụ cho đủ nhiên liệu dọc đường. Người bạn đồng hành duy nhất là tiếng gầm của động cơ. Cho đến khi nó im bặt lúc 22 giờ 35.
Sau này Markham viết lại về khoảnh khắc này: “Sau khi tiếng động cơ giật cục rồi đứt hẳn, khoảng lặng sau đó thật khó hiểu. Tôi không sợ và cũng không cảm nhận gì nữa. Với sự bàng quan khó hiểu, tôi quan sát hai tay mình điên cuồng cố gắng khởi động lại, trong khi trí não bị thôi miên bởi kim đồng hồ chỉ độ cao“.
Chiếc Gull sơn xanh dương với đôi cánh bạc ngày càng gần mặt nước. Còn 350 mét nữa là chạm mặt biển, Markham bật đèn pin chiếu sang trong buồng lái tối đen. 100 mét nữa. Bà tìm được nút mở bình xăng phụ thứ hai. Nhưng động cơ vẫn không nhúc nhích.
“Tôi có cảm giác là đồng hồ chỉ độ cao quay loạn xạ như lên đồng. Giá mà mình có một chiếc áo phao cứu hộ. Nhưng tôi sợ lạnh hơn sợ chết nên lúc lên phi cơ tôi chỉ khoác áo măng-tô. Và đó cũng là triết lý sống của tôi“.
Sự vô tư ấy...
... đến từ thời thơ ấu của bà ở châu Phi. 1904 Beryl Markham đến châu Phi khi lên 2.
Kenya ngày ấy là thuộc địa Anh. Cha bà vừa mua một nông trại ở đó và nuôi ngựa đua cho các nhà giàu từ Anh. Bà lớn lên cùng trẻ con bản xứ và học cách đọc dấu chân bò rừng, linh dương, sư tử...
Lên 16, bà là phụ nữ đầu tiên ở Kenia nhận chứng chỉ dạy ngựa. Ngựa của bà liên tục chiến thắng trong các cuộc đua và được giới quý tộc Anh trọng vọng. Tuy nhiên cả ba cuộc hôn nhân của bà đều kết thúc trong thảm hoạ vì Markham sống quá phóng túng.
Sau khi ly dị, bà lang thang qua Nairobi và làm quen ở đó nữ nhà văn Đan Mạch Karen Blixen, tác giả kịch bản cho phim Out of Africa nối tiếng. Nghe đồn bà tằng tịu với chồng Blixen và cả với người tình Blixen là thợ săn thú lớn Denys Finch.
Mặc cho tiếng dữ đồn xa, đàn ông khi bước vào bán kính ma mị của bà, như hoàng tử Henry, con trai vua Anh George V khi sang Kenya đi săn hồi 1928, lúc Markham có thai 4 tháng. Rốt cuộc thì chẳng hoàng tử nào giữ được Markham ở Anh, ngay cả đứa con bà. Năm 1929, bà quay về Kenya để tìm cuộc phiêu lưu mới trên chín tầng mây.
Beryl Markham hạnh phúc trong vòng tay người hâm mộ khi đến New York hôm 6-9-1936. Vết thương trên trán hãy còn rỉ máu khi rơi máy bay ở Canada.
Markham trở thành nữ phi công đầu tiên...
... của châu Phi, tuy không làm cho hãng nào mà chở thư từ và bưu kiện cũng như hàng tiếp viện đến mọi xó xỉnh châu Phi. Ngoài ra bà được thuê đi tìm các đàn voi từ trên không cho thợ săn. Chẳng mấy chốc bà làm tan nát trái tim giáo viên dạy bay của mình, Tom Campell Black, người khai trương công ty hàng không đầu tiên ở Đông Phi. Có lẽ Black là người đàn ông duy nhất khiến bà rung động thực sự.
Năm 1934, Black dự cuộc đua từ London đến Melbourne. Markham ở Kenya đọc báo thấy tin này. Và tuyên bố của Black sau chiến thắng sẽ cưới nữ diễn viên Florence Desmond Heiraten.
Theo người chép tiểu sử của Markham, bà tuyệt vọng đến mức dự định trở thành phụ nữ đầu tiên lập lỷ lục vượt Đại Tây Dương ngược gió – để giành lại tình yêu của Black. Nhiều người còn tin rằng bà muốn tìm cái chết trong cuộc phiêu lưu này.
Một nữ quý tộc chi tiền mua chiếc Gull cho Markham. Nhưng bà không chết trong đêm 4/9/1946 ấy. Gần sát mặt nước thì động cơ hoạt động trở lại và Markham bay tiếp 19 tiếng nữa, cho đến khi nhìn thấy đất liền xa xa, đó là Nova Scotia thuộc Canada. Đúng lúc đó tiếng máy lại lịm đi và lần này động cơ chết hẳn.
Markham bò ra khỏi buồng lái...
... chiếc Gull cắm mũi xuống đầm lầy. Mấy ngư dân tình cờ có mặt gần đó chỉ đường cho bà lội lên đất khô. Markham không biết là đường ống dẫn xăng bị đóng đá nên máy bay rơi, chỉ tuyệt vọng vì không lập được kỷ lục.
Tuy nhiên khi bà bay đến New York với vết thương rạch ngang trán thì hơn 5.000 người hâm mộ đã tập trung để đón bà. Markham nhận được điện chúc mừng từ khắp thế giới, trong đó có một bức ký tên Tom Black. Chắc chắn lời khen của Black khiến bà hạnh phúc nhất, nhưng số phận không cho bà gặp lại tình yêu lớn của mình.
Gần hai tuần sau sự kiện trên, Black ngồi trên phi cơ đã nổ máy ở một sân bay Liverpool khi một chiếc máy bay khác biểu diễn nhào lộn và lao trúng vào máy bay của ông. Một trong những phi công kiệt xuất nhất của Anh bỏ mạng vì tai nạn lãng xẹt.
Markham đau đớn ghi vào cuốn tự sự West With The Night: “Có phải tình cờ mà Black chết vì một cánh quạt máy bay đâm xuyện tim"?
Markham từ chối mọi cuộc phỏng vấn và không bao giờ đả động đến thành công của mình. Thậm chí muốn bỏ nghề lái máy bay. Cuốn sách trên ra sạp năm 1942 và chìm nghỉm vì cuộc Thế Chiến II đang đến cao trào.
Nhưng một độc giả đặc biệt phát hiện ra nó: Ernest Hemingway, tác giả của “Ông già và biển cả“. Ông đọc xong và thấy xấu hổ. 1982 người ta tìm được những dòng trên của nhà văn đoạt giải Nobel và nhớ lại West With The Night.
Ở lần tái bản này cuốn sách bán rất chạy. Ở thời điểm ấy Beryl Markham đã luống tuổi và bà không được được hưởng lâu hào quang của cuốn sách. Sát ngày kỷ niệm 50 năm chuyến bay kỷ lục bị lãng quên của mình, Markham qua đời trong cô đơn ở Kenya.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags