Người dân Anh thay đổi thói quen mua sắm do giá cả tăng cao

Thứ Ba, 29/03/2022 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người tại Anh đang chuyển sang những cửa hàng và sản phẩm có nhãn hiệu riêng với giá rẻ hơn khi số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy giá hàng hóa tăng 5,2% trong 4 tuần tính đến ngày 20/3 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Giá cả trên thế giới phi mã do đại dịch Covid-19

Giá cả trên thế giới phi mã do đại dịch Covid-19

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đều của nền kinh tế.

Theo Kantar, giá cả tăng nhanh đối với các hàng hóa như đồ ăn vặt, thực phẩm cho chó mèo. Do người tiêu dùng ra ngoài ăn uống nhiều hơn khi nhịp sống trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19, doanh số hàng bán mang về nhà trong 12 tuần tính đến ngày 20/3 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số này chỉ tăng 0,7% so với 2 năm trước. 

Công ty Kantar cho biết khoản chi vào các sản phẩm có nhãn hiệu riêng, thường rẻ hơn so với các sản phẩm có thương hiệu, tăng lên 50,6% so với 49,9% vào thời điểm này năm ngoái. Chuỗi siêu thị bình dân Aldi và Lidl (Đức) đều ghi nhận doanh số tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trở thành những chuỗi siêu thị tăng trưởng mạnh nhất trong 12 tuần qua.

Nhờ doanh số tăng cao, Aldi chiếm thị phần cao nhất tại Anh với 8,6% và Lidl chiếm 6,4%. Chuỗi siêu thị Tesco cũng duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo thị phần 27,4%. Trong khi đó, các chuỗi siêu thị Sainsbury's, Asda và Morrisons đều mất thị phần.

mua sắm ở Anh, thói quen mua sắm ở Anh, thay đổi thói quen mua sắm do giá cả tăng cao, thói quen mua sắm ở Anh, lạm phát, giá cả tăng cao
Mua sắm ở Anh

Số liệu cũng cho thấy các hộ gia đình đến siêu thị trung bình 15,4 lượt trong tháng 3 vừa qua, thấp hơn so với 15,6 lượt của cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên trong 12 tháng.

Trưởng bộ phận bán lẻ và người tiêu dùng tại Kantar, ông Fraser McKevitt cho rằng số người đến siêu thị giảm có thể là do giá xăng tăng cao hơn và nhiều người muốn tiết kiệm chi phí đi lại. Ông cũng lưu ý ngày càng nhiều người tiêu dùng và nhà bán lẻ tại Anh sẽ hành động đối phó với giá hàng hóa tăng như hiện nay.   

Các chuyên gia của Kantar cho rằng hành vi mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu thay đổi kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát, theo đó làm gia tăng tác động của lạm phát. Lạm phát của Anh trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên 6,2%, mức cao nhất trong 30 năm qua. Tuần trước, cơ quan giám sát ngân sách của Chính phủ Anh dự báo lạm phát sẽ tiến gần mức 9% vào cuối năm 2022, mức cao nhất kể từ đầu năm 1950.

    Nguyễn Hằng/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›