Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã cấp cứu, điều trị kịp thời cho hai trường hợp bị ngộ độc do ăn hoa chuông.
Theo thông tin ban đầu, tối 14/11, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận hai người bị ngộ độc do ăn hoa chuông gồm: Lăng Văn Đ (ở xã Tràng Các) và Hứa Văn L (ở xã Đồng Giáp), cùng thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Hai người này là bạn bè, ăn cơm cùng gia đình tại nhà anh Đ, trong đó có món ăn được chế biến từ hoa chuông (tên khoa học là Scopolamine, loại cây thân thảo, khá phổ biến ở khu vực miền núi, có hoa trông giống như hoa loa kèn, màu trắng và vàng, thường được trồng làm cảnh).
Sau khi ăn món ăn này, cả hai người nêu trên đã bị nôn nhiều, yếu tứ chi... Nhập viện kiểm tra, hai bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hoa chuông; bác sĩ đã cho thở máy và điều trị tích cực.
Đến chiều 15/11, anh Hứa Văn L sức khỏe ổn định, được xuất viện về nhà. Bệnh nhân Lăng Văn Đ hiện sức khỏe có tiến triển song vẫn đang phải thở máy, tiếp tục điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông tin, trước đây, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho một số bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc do ăn hoa chuông. Tất cả các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc. Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt; có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó, khi bị ngộ độc, bệnh nhân thường bị đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…, nếu nặng có thể bị rối loạn tri giác, ảo giác, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp, có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng hoa chuông để chế biến món ăn hoặc hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về đặc tính của cây, tránh nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe.