(Thethaovanhoa.vn) - Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp, cặp nghệ sĩ xiếc gặt hái nhiều huy chương quốc tế nhất trong vài năm trở lại đây (*), mỗi năm chỉ ở Việt Nam nhiều nhất là 3 tháng. Lịch diễn ở nước ngoài của cặp vợ chồng nghệ sĩ xiếc Hoàng An – Thu Hiệp cũng tương tự. Một phần ba quân số Đoàn xiếc TP.HCM thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài, trưởng đoàn cho biết phải từ chối bớt các lời mời du diễn.
Đó là một hình dung rất khác về xiếc và đời sống nghệ sĩ xiếc Việt so với những hình ảnh rạp xiếc xập xệ, nhà bạt màu bạc phếch; khán giả thưa thớt, chủ yếu là trẻ em và người già; những đoàn xiếc lưu động thì đóng tạm bợ ở vài khu đất trống, dăm ba con thú được nhốt trong lồng sắt nằm chơ vơ ngoài nắng; mỗi lần có chương trình biểu diễn là xe tải chạy khắp phố chở băng-rôn và tiếng loa quảng cáo oang oang như ở phố huyện…
Đi Đông đi Tây
Từ đầu năm 2013 đến nay, Đoàn xiếc TP.HCM liên tục ký các hợp đồng biểu diễn ở Đài Loan, Mông Cổ, Kazakhstan, cuối năm sẽ đến Pháp. Các chuyến đi thường kéo dài cả tháng, thậm chí cả năm và thường có 30 - 40 diễn viên tham gia. Có hợp đồng chỉ diễn ở một điểm, có hợp đồng là một chuỗi những buổi diễn ở nhiều địa điểm khác nhau...Hai nghệ sĩ hàng đầu của đoàn, Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp đang lưu diễn khắp các tiểu bang lớn nhỏ ở Mỹ cùng Đoàn xiếc Soulcircus từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 11 năm nay. Cơ - Nghiệp cho biết, họ chọn ký hợp đồng với Soulcircus sau khi đã cân nhắc kỹ để lựa chọn giữa rất nhiều lời mời từ các đoàn xiếc châu Âu và một số nước châu Á. Những hợp đồng này đến tới tấp kể từ sau khi hai anh em họ giành được giải thưởng đặc biệt của Liên hoan Xiếc quốc tế vào hàng lớn nhất thế giới ở Monaco hồi tháng 1/2013, được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam với kỷ lục đoạt nhiều huy chương quốc tế nhất năm 2012.
Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp trên sân khấu xiếc tại Mỹ với đầy đủ hiệu ứng ánh sáng và đạo cụ hỗ trợ. |
Khi ký được hợp đồng với các đơn vị nước ngoài, nghệ sĩ phải trích lại 30% thù lao trả cho đơn vị chủ quản là đoàn xiếc mà họ đang đóng quân. Nhưng như thế vẫn còn tốt hơn là biểu diễn ở quê nhà.
Việt Nam chỉ có một cơ sở đào tạo xiếc là Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đóng ở Hà Nội. Mỗi năm trường chỉ tuyển sinh 35 học viên nhưng không phải năm nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu. Theo ông Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn Xiếc TP.HCM, hàng năm đoàn vẫn nhận được chỉ tiêu đưa 10 diễn viên đi Trung Quốc đào tạo nhưng tìm không ra người để đưa đi học. |
Vợ chồng Hoàng An - Thu Hiệp khi không có hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài cũng miệt mài chạy show để trang trải cuộc sống. Thu nhập của họ ở Đoàn xiếc TP.HCM thường chỉ ở mức tròm trèm 3 triệu một người mỗi tháng, trong đó 2,5 triệu là lương cơ bản, diễn mỗi suất ở đoàn họ nhận được thêm 50 ngàn thù lao bồi dưỡng. Thu nhập từ đoàn của hai người cộng lại mới đủ trả tiền thuê nhà. Đi diễn ở các sự kiện, họ được trả mức lương cao hơn, từ 2 - 3 triệu đồng/tiết mục 2 người. Chạy show sinh nhật họ có 1 triệu cho tiết mục 2 người và 600 ngàn đồng cho tiết mục uốn dẻo của Thu Hiệp. Thu Hiệp cho biết, vợ chồng cô chỉ thích đi biểu diễn ở nước ngoài, không chỉ vì thu nhập cao, ổn định mà còn được biểu diễn ở những rạp xiếc đẹp với những khán giả hâm mộ bộ môn nghệ thuật mà họ đã phải tập luyện rất khổ cực từ khi còn quá nhỏ.
Rạp xiếc TP.HCM nằm tạm bợ ở công viên Gia Định.
Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp thì có cát-sê cao hơn rất nhiều. Mỗi show biểu diễn ở Việt Nam hai anh em nhận không dưới 10 triệu đồng. Tiền thù lao khi du diễn Cơ - Nghiệp thường phải gửi về nhờ cha mẹ giữ giùm để rảnh việc nơi xứ người. Cha mẹ Cơ - Nghiệp rất tự hào về hai con trai, người cha vốn là một lương y Đông y, khi tiếp xúc với nhiều người bệnh, ông thường hỏi họ có xem xiếc không, có biết con ông không và ông rất buồn vì hầu như những người được hỏi đều trả lời là không. Còn Cơ và Nghiệp thì cho biết, họ đã may mắn được đi khắp 5 châu để biểu diễn nhưng nguyện vọng lớn nhất là được biểu diễn trên quê hương, được khán giả trong nước đón nhận và biết đến mình.
Nguyện vọng của Hoàng An - Thu Hiệp hay Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp chẳng dễ gì thành hiện thực, bởi ở trong nước, xiếc đã thất thế từ lâu trước những môn nghệ thuật khác. Khán giả xa rời nó không bởi trình độ của nghệ sĩ, bằng chứng là các nghệ sĩ vẫn được khán giả ở cả những nước có xiếc phát triển như Pháp đón nhận nhiệt thành với những hợp đồng du diễn quanh năm. Vở kịch xiếc À Ố Show đang diễn liên tục ở Nhà hát TP.HCM với giá vé trên dưới một triệu và năng lực “thôi miên” khán giả cũng là một bằng chứng. Số phận của người anh em cùng mẹ cùng cha với À Ố Show là vở xiếc Làng tôi, sau khi kết thúc hợp đồng biểu diễn 3 năm ở Pháp giờ đang lay lắt chờ “cơ chế” để được phục vụ khán giả quê nhà. Và hãy nhìn những rạp xiếc xập xệ ở khắp đất nước, nhìn cách xiếc được giới thiệu đến công chúng, câu trả lời sẽ nằm ở đó…
(*) Xem Diễn viên xiếc Việt toả sáng trên đất Mỹ
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần