Chế tạo xe lăn và cứu trợ hàng trăm chú chó, mèo bị chủ bạo hành, bỏ rơi, khuyết tật bẩm sinh là công việc mà anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla (44 tuổi, người Colombia) khiến ai nấy đều thán phục.
Đến Việt Nam cách đây khoảng 6 năm, anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla (44 tuổi, người Colombia), lập nghiệp bằng việc mở nhà hàng nấu những món ăn quê hương.
Đến năm 2019, anh phải lòng chị Thư - một bác sĩ đa khoa người Việt giàu tình yêu với thú cưng. Cả hai sau đó tiến đến hôn nhân và lập nên một cộng đồng mang tên Forever Wheelchair. Đây là nơi làm xe lăn và cứu trợ thú nuôi bị bạo hành, bỏ rơi, khuyết tật.
Dự án của chúng tôi có phòng nghiên cứu và phát triển, mục tiêu cứ 6 tháng sẽ cố gắng cải thiện xe lăn 1 lần, từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi luôn nghĩ về nhu cầu của những chú chó, mèo khuyết tật, lấy đó làm cơ sở để tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp khắc phục vấn đề của chúng" - anh Oscar say mê nói về những chiếc xe lăn đặc biệt mà anh và cộng đồng của mình làm ra, xuất phát từ tình yêu dành cho động vật nói chung, nhất là những chú chó, mèo bị bạo hành, bỏ rơi.
Ở Việt Nam được 6 năm, người đàn ông Colombia này đã có hành trình 5 năm, đi nhiều nơi, gặp nhiều người để giúp đỡ những chú chó, mèo khuyết tật. Trước khi gặp Oscar, chúng tôi biết sẽ có rất nhiều thứ để hỏi và để nghe anh kể. Cuộc trò chuyện bắt đầu khi Oscar nhắc về Cá Chim - chú chó bị chủ chặt đứt 2 chân trước.
Cá Chim - chú chó 2 chân, "hận" cả thế giới!
Từng chứng kiến hàng trăm chú chó khuyết tật với đủ loại tổn thương khác nhau, nhưng Cá Chim khiến Oscar nhớ nhất. Nó cực kỳ hung hăng và gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Nó thậm chí đã cắn anh rất nhiều lần. Chúng tôi mất mấy giây nhăn mặt kiểu "không dám tưởng tượng". Tin tôi đi, ai cũng vậy thôi khi lần đầu nghe về "mối lương duyên" giữa Cá Chim và vợ chồng anh Oscar.
Tại sao người đàn ông này lại làm nổi cái điều "kỳ quặc" đến thế? Nhưng cũng tin tôi nhé, bạn sẽ hiểu và thông cảm cho Cá Chim khi nghe tiếp câu chuyện mà Oscar kể.
Oscar nói với chúng tôi, Cá Chim là một trong những con chó đầu tiên anh cứu, nó bị chủ cắt đứt mất hai chân rồi vứt ngoài đường, và vì khi đó người nó đầy mùi cá biển nên anh đặt tên nó là “Cá chim”. Đã vài năm trôi qua kể từ ngày được Oscar cứu, Cá Chim vẫn rất hung dữ với người lạ.
“Nếu không có vợ tôi, chắc có lẽ dự án này không thể thành công. Khi chúng tôi nhìn thấy Cá Chim, cô ấy hỏi tôi: 'Anh muốn nhận nuôi đúng không?'. Tôi trả lời là có, tôi muốn giúp Cá Chim. Cá Chim đã bị bạo hành, ai đó đã cắt 2 chân trước của cậu ấy và vứt cậu ấy ngoài đường. Cá Chim chảy máu rất nhiều, thái độ giận dữ, sợ hãi, không nghe lời bất kì ai và sẵn sàng lao ra cắn tất cả mọi người.
Thời điểm gặp Cá Chim, tôi biết đó là một trường hợp rất đặc biệt, phải nói là rất rất đặc biệt, và chúng tôi sẽ phải kiên nhẫn và yêu thương nó nhiều hơn hết.
Cá Chim cắn chúng tôi nhiều lần, nó không thích chúng tôi chạm vào người nó để thoa thuốc, băng bó vết thương. Nó ghét bác sĩ, thậm chí còn cắn cả bác sĩ. Nhưng tôi biết nếu không phải chúng tôi, sẽ không một ai khác nhận nuôi nó cả. Cứ thế, nó sẽ nằm đó chờ chết", anh Oscar nói.
Cá Chim là tên của chú chó đầu tiên vợ chồng anh Oscar làm xe lăn và cứu trợ
Vì chữ "nếu" đó mà Oscar đã vượt qua ranh giới tự vệ, chìa tay cứu lấy mạng sống của cái đứa ghê gớm cắn cả mình, mang đến cho Cá Chim một cuộc sống thứ 2. Anh chữa lành vết thương và nghĩ về việc tạo ra một chiếc xe lăn cho nó. Có lúc anh Oscar từng nghĩ, cái chết có lẽ là thứ dễ chịu hơn nhiều với Cá Chim vào thời điểm anh gặp nó. Nhưng rồi nó đã vượt qua tất cả đau đớn, và giờ đang sống một cuộc sống rất vui vẻ bên chủ mới.
“Khi chăm sóc Cá Chim tôi học được nhiều thứ, tôi đã biết cách làm xe lăn cho những con vật không có 2 chân trước. Và trong lúc tìm cách để làm cho Cá Chim một chiếc xe lăn hoàn chỉnh để cậu ấy có thể chạy, nhảy trên vỉa hè, trên đồi hay cầu thang, tôi cũng đã nghiệm ra được nhiều thứ.
Tôi thiết kế từ cái này qua cái kia, một ngày nọ khi chúng tôi đăng hình ảnh về chiếc xe lăn đầu tiên lên mạng xã hội, những người bạn từ những quốc gia khác nhìn thấy và họ bắt đầu hỏi về loại xe lăn này. Sau đó, sản phẩm của chúng tôi được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng tôi làm nhiều hơn, vừa kinh doanh vừa cho.
Tôi nghĩ Cá Chim đã giúp chúng tôi dù thời điểm giúp Cá Chim chúng tôi không nghĩ đến bất kì mục đích gì ngoài việc tôi chỉ muốn cho cậu ấy cơ hội sống thứ 2. Đây kiểu như chúng tôi cho cậu ấy một cuộc sống và cậu ấy trả lại cho chúng tôi thứ có giá trị, đó là lý do vì sao tôi luôn nhớ về Cá Chim".
Anh Oscar và vợ dành hơn 5 năm để chăm sóc chó mèo bại liệt, bị bỏ
Hành trình chế tạo xe lăn cho hàng trăm chó mèo bại liệt
Oscar kể anh đã nhìn thấy những chiếc xe lăn của chó mèo khuyết tật được làm từ ống nước PVC và hành trình đi tìm cơ hội vận động cho chó mèo của Oscar cũng bắt đầu từ đó.
"Tôi mua một vài cái bánh xe nhỏ và bắt đầu làm chiếc xe lăn đầu tiên với ống nhựa PVC, như cái cách mà tôi thấy nhiều người làm trên Youtube. Nhưng về sau, tôi không thấy hài lòng với chiếc xe này, bởi các ống nước quá nặng, không đẹp và việc điều chỉnh sau khi hoàn thiện là rất khó khăn. Nếu con vật đã trưởng thành thì không sao, nhưng sẽ không phù hợp với những con đang trong giai đoạn phát triển.
Tôi đã tìm hiểu và thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau để tìm ra thứ phù hợp nhất với cấu trúc xương của động vật. Không phải tất cả xe lăn đều có cùng một chất liệu, có loại bằng nhựa, có loại bằng kim loại, cao su... Tôi nghiên cứu cả giải phẫu học, về hành vi chúng để tìm ra vị trí tốt nhất có thể buộc xe lăn vào mà không gây ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể chó, mèo", anh Oscar chia sẻ.
Anh Oscar đeo xe lăn cho chú chó tên Bon
Trong 5 năm, Oscar cùng vợ và các cộng sự đã phát triển phiên bản của chiếc xe lăn sao từ cơ bản đến hiện đại và khoa học hơn. Cho chúng tôi một ví dụ về tính ứng dụng, Oscar đã giới thiệu về cô chó tên Bon - chú chó thuộc sống Poodle, có phần xương sống yếu hơn các giống chó khác.
“Ví dụ như cô chó Bon, thuộc giống Poodle nên cơ thể cô ấy thể chịu được sức nặng một hệ thống quá nặng nề. Bon cần cái gì đó siêu nhẹ nên chúng tôi dùng vật liệu siêu nhẹ cho cô ấy. Chúng tôi sử dụng hệ thống treo để làm xe lăn linh hoạt hơn. Khi Bon chạy nhanh, chơi hay nhảy lên cao chiếc xe lăn này sẽ giúp Bon làm chuyện ấy, giúp Bon cảm thấy tự do.
Chúng tôi kết hợp các tính năng để mọi người dễ dàng điều chỉnh cao thấp, rộng ra hay hẹp lại. Còn về các phần cứng, chiếc xe lăn này giống một món đồ chơi, trẻ em cũng có thể lắp. Từ điều đó mà một đứa trẻ yêu động vật có thể lấy đó làm động lực để chơi với các bé cún nhiều hơn, đặt chúng lên xe lăn và chơi với chúng, dẫn chúng đi dạo.”
Bên trong xưởng lắp ráp tại nhà của anh Oscar và vợ
Nhưng đó chưa phải là một sản phẩm thật sự làm Oscar hài lòng, nói về kết cấu chiếc xe lăn cho chó mèo hoàn chỉnh ở thời điểm hiện tại, Oscar tự tin mô tả: “Ở những chiếc xe khác, chúng tôi đã thay đổi vị trí của dây buộc. Song song đó, chúng tôi cũng sử dụng các loại bánh xe, các loại cao su khác nhau để làm cho mọi thứ thuận tiện hơn trên mọi địa hình. Ví dụ xe giúp chúng có thể chạy trên bãi cỏ, trên cát, xi măng, mọi nơi. Và với sự ổn định đó, chúng có thể chạy và rẽ rất nhanh mà không lo bị mất thăng bằng. Chiếc xe phải cho chúng một cảm giác an toàn, khi cảm thấy an toàn chúng sẽ hợp tác hơn, muốn đi dạo, muốn chạy hay khám phá khả năng của bản thân chúng”.
Trước khi một chiếc xe lăn ra đời, Oscar đã đưa các ý tưởng lên bảng vẽ thiết kế, chắt lọc từng phần sao cho nó phù hợp với vùng xương sống, xương chậu, cơ chân của một chú chó, tiếp đến anh tìm từng bộ phận xe theo các tỉ lệ đã được ước tính trước, bắt đầu lắp ráp, phân tích kết quả, cải tiến và cuối cùng là đi đến sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài thị trường Việt Nam, sản phẩm xe lăn cho chó mèo của vợ chồng Oscar và các cộng sự được đón nhận khắp nơi trên thế giới.
Hầu hết các công đoạn đều là gia công
Vì sao lại là Việt Nam mà không phải là quốc gia khác?
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Oscar cho biết thời gian đầu anh đến Việt Nam vì vợ tuy nhiên sau đó nhiều kế hoạch và mong chờ đã níu kéo anh ở lại lâu hơn và dài hơn.
“Cô ấy là vợ tôi, cô ấy là người Việt Nam và cô ấy không muốn đi đâu cả nên tôi đã ở đây và tôi yêu Việt Nam.
Đây là nơi có rất nhiều người ấm áp, tốt bụng. Dĩ nhiên, cũng có nhiều người không thích thú cưng nhưng đó không phải là vấn đề. Tôi nghĩ dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người thì chỉ cần 50% trong số đó ủng hộ việc đối xử tốt với thú cưng là được. Còn lại tôi trông mong mọi người ngày càng thấy thân thiện với chúng đã là đủ rồi”.
Những "đứa con" của vợ chồng anh Oscar
Trong khi ở một số quốc gia, thú cưng nói chung hay chó mèo nói riêng luôn được xem trọng và bảo vệ. Người dân ở các quốc gia như vậy cũng sẵn sàng chi vài chục nghìn USD để mua xe lăn cho chú chó, mèo họ yêu thích, còn tại Việt Nam điều này chỉ xảy ra ở các gia đình, cá nhân có điều kiện và thật sự dành hết tâm sức cho thú cưng của họ. Nhưng dù hiểu ra điều ấy, người đàn ông Colombia này vẫn chọn Việt Nam.
“Ở Việt Nam có nhiều người yêu quý động vật nhưng không biết làm gì với những tổn thương của chúng nên tôi nghĩ đây là nơi mà tôi phải làm việc, đó là cách mà một người có thể làm để giúp đỡ cộng đồng. Nếu như tôi đến một đất nước không có các vấn đề này, không có những người cần giúp đỡ, lúc đó câu chuyện có lẽ chỉ còn là kinh doanh. Nhưng đó không phải là thứ chúng tôi muốn. Vợ tôi và tôi rất muốn giúp đỡ người khác hơn là kinh doanh".
Những chú chó mà vợ chồng anh Oscar đang nuôi đều là những chú chó khuyết tật
Trò chuyện với chúng tôi, Oscar nhắc tới thời gian trước đây anh làm đầu bếp. Trong câu chuyện của Oscar, chúng tôi cảm nhận thấy việc anh gắn bó với Việt Nam không đơn thuần là một lựa chọn, mà nó ẩn chứa cả một lý tưởng sống.
“Ngày trước khi tôi nấu ăn tại một nhà hàng, tôi cho mọi người những bữa ăn ngon, họ thấy vui nhưng việc ấy lại không mang nhiều nghĩa. Tôi cũng xin lỗi trước những người đầu bếp tại Việt Nam và những đất nước khác nhưng tôi nghĩ việc nấu ăn khiến người đầu bếp hạnh phúc là khi người đầu bếp ấy trao những món ăn chất lượng cho người khó khăn.
Nếu bạn nấu với tình yêu và niềm đam mê, bạn cho nó vào đĩa và bạn đưa nó cho những người vô gia cư. Khi tôi là đầu bếp, tôi chỉ thấy hạnh phúc khi tôi nấu món ăn trong nhà hàng và cầm cái đĩa thức ăn đó trao cho những người vô gia cư. Đó là một ví dụ chính xác cho những gì mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi làm ra một sản phẩm đẹp, chất lượng nhưng đồng thời nó phải hữu dụng, tức là đến được với những người cần nó nhất”.
Người gieo hạt giống yêu thương
Anh Oscar cho biết năm sau vợ chồng anh sẽ chuyển lên Đà Lạt sinh sống cốt yếu để cho "bọn trẻ" có không gian vui chơi và theo Oscar khí hậu Đà Lạt thích hợp cho công tác vệ sinh
Oscar tâm sự, mỗi năm vợ chồng anh nhận được rất nhiều trường hợp chó mèo bị tàn tật và xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau như: bị bạo hành, bẩm sinh, bị bỏ rơi,… Trong đó, có vài chú chó do chạy trốn lò mổ và đó là nguyên nhân khiến anh dồn hết tâm sức vào việc chế tạo xe lăn cho chó mèo.
“Tôi muốn gieo hạt giống về tình yêu thương dành cho chó mèo ở Việt Nam, thông qua những việc mà chúng tôi đang làm. Không giống như những con thú hoang dã, sẽ chạy hoặc tự vệ khi nhìn thấy con người. Nhưng bạn biết đấy, chó và mèo thì khác, chúng không sợ con người, chúng muốn ở gần con người. Đặc biệt là chúng tin tưởng con người và lớn lên trong cộng đồng của con người. Có người yêu thương chúng nhưng cũng có người sẵn sàng hành hạ chúng và chúng không biết ai là người tốt hay xấu, ai sẽ bắt chúng và ai sẽ yêu thương chúng”.
Kể với chúng tôi, anh Oscar không giấu được sự vui mừng khi tiết lộ dự định trong tương lai của mình. Anh cho biết anh và vợ sẽ chuyển đến Đà Lạt và xây dựng nông trại tại đấy. Đà Lạt theo Oscar là nơi có thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp với gần chục con chó, mèo bại liệt mà vợ chồng anh đang nuôi.
"Vài người có cơ hội để sống hay làm việc ở các quốc gia khác nhau, nhưng tôi tin nếu đến Việt Nam họ sẽ nhớ Việt Nam. Người Việt Nam phải rất tự hào về những thứ họ đang có", Oscar nói.
Tags