Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại

Thứ Năm, 16/11/2023 19:12 GMT+7

Google News

Rải rác ở các bài trước, tôi đã đề cập đến một vài đặc điểm của nghệ thuật tạo hình trên đồ đồng Đông Sơn. Kỳ này, tôi muốn đi sâu vào một số đặc trưng nghệ thuật hội họa Đông Sơn qua các hình trang trí trên đồ đồng tiêu biểu nhất.

Điểm nhấn lớn nhất là các "tác phẩm" mang tính "hội họa" thời Đông Sơn đều thực hiện trên những mặt không phẳng.

Xử lý băng trang trí vòng tròn

Trường hợp mặt trống đồng là trường hợp đặc biệt hiếm hoi, khi "phông, toan" tạo hình là một mặt phẳng khá lý tưởng. Tuy vậy, do truyền thống tạo hình Đông Sơn bắt nguồn từ truyền thống trang trí ứng dụng trên đồ đan lát mây tre chuyển thể sang đồ gốm, tạo hình Đông Sơn cho dù cả khi có một mặt phẳng lý tưởng như trống đồng thì vẫn bị giới hạn và tuân theo những băng vòng tròn đồng tâm. Ở đó, phía trên (tức bên trong hướng tâm) luôn ngắn hơn, chật hơn so với phía bên ngoài.

Vì thế, xử lý đầu tiên thợ cả Đông Sơn phải thực hiện là "uốn" các nội dung, đồ án cong theo diện tích băng tròn hướng tâm đó.

Bạn hãy hình dung khi thể hiện hai lần toàn cảnh sinh hoạt lễ hội trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, người thợ cả có một băng phẳng rộng 5cm, dài phía dưới 108 cm để thể hiện. Nhưng khốn nỗi, chỉ có 75 cm chiều dài phía trên mà thôi. Các băng chim bay hay hươu chạy cũng vậy, nghệ nhân luôn quen xử lý tình huống này tạo ra độ chính xác hài hòa lý tưởng. Có nghĩa rằng, các đồ án sáng tạo đều phải tính đến việc thu hẹp dần phía bên trên, hướng tâm mặt trời.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 1.

Trích đoạn mặt trống đồng Ngọc Lũ do Phạm Ngọc Long (Viện Khảo cổ học) chụp cho thấy lối tạo hình trong băng tròn rất điêu luyện và kiểu vẽ X-ray rất điển hình phong cách Đông Sơn Lạc Việt: Tất cả người, động vật đều được vẽ nghiêng một bên và nhà nhìn xuyên thấu

Khi nghiên cứu trang trí trên gốm văn hóa Phùng Nguyên, tôi đã viết một tổng luận về cách xử lý băng vành tròn trên gốm của người Phùng Nguyên, đặc biệt ở phần lưng các mâm bồng hay vành miệng, chân đế - nơi các băng trang trí hình học bị chi phối bởi diện trang trí hình phễu, ngoài rộng, trong hẹp. Những đồ án hình chữ S nằm hay tam giác chữ A đối đầu nhau… được xử lý đôi khi rất chuẩn mực theo cách đếm ngắt của kỹ thuật đan lát hay dệt thổ cẩm truyền thống.

Trên đồ gốm hay trên đồ đồng, đôi khi ta bắt gặp những lỗi xô dồn đồ án ở các băng vành tròn đó, do sự vụng về hoặc vô ý của người thợ tạo hình.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 2.

Trang trí băng tròn dạng phếu trên gốm bình tuyến Phùng Nguyên

Điển hình nhất là trường hợp trên mặt trống đồng Sông Đà (hay Moliere) hiện trưng bày tại bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). Sự thiếu để ý đã dẫn đến một bản khuôn mặt trống không cân đối. Vành chim bay phải dùng hai chim đứng cho vừa phần chỗ còn lại mà lẽ ra là vị trí của con chim bay. Nửa phía đó cũng không đủ chỗ cho bốn vũ công như nửa bên kia mà chỉ đủ cho ba vũ công mà thôi. Dõi theo các băng hình học ta cũng thấy các băng xử lý chuẩn mực luôn tính đến độ dài ngắn hợp lý của phần trên và dưới băng trang trí. Chỉ một chút lơ là sẽ khiến băng hình xô lệch, dồn toa.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 3.

Trích băng lỗi trên trống Sông Đà khi thợ vẽ bị “dồn toa” khiến một bên không còn đủ chỗ cho 4 vũ công và thiếu chỗ cho hai người giã gạo

Kiểu tạo hình X-quang (X-ray)

Trường hợp xử lý thứ hai tôi kể dưới đây cũng đã tạo nên đặc trưng nổi bật của nghệ thuật hội họa Đông Sơn: Kiểu khắc vẽ hình người thú, cảnh vật theo lối cắt dọc mà trên thế giới gọi chung là kiểu cắt X-quang (X-ray). Rất hiếm thấy kiểu vẽ tạo hình khối trong nghệ thuật Đông Sơn Lạc Việt.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 4.

Kiểu vẽ X-ray điển hình thuộc phong cách Lạc Việt

Đây là kiểu tạo hình tiêu biểu của nghệ nhân Ai Cập từ ba, bốn ngàn năm trước dưới thời các Pharaon Kim tự tháp sông Nil. Lối thể hiện X-quang Đông Sơn rõ nhất ở kiểu vẽ người, thú trong tư thế nhìn nghiêng một bên.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 5.

Cách thể hiện của thợ vẽ Đông Sơn Tây Âu chi tiết tả thực hơn, nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc X-ray (vẽ người nhìn nghiêng). Đáng lưu ý là ở hai khuôn hình này đội mũ đai dài phía sau, trên cắm lông chim. Ở mỗi hình đều có một người mặc áo giáp, một người không. Hình bên phải chiếc mũ và áo giáp đã được cởi ra đặt sau lưng người bên trái, người này đang được đồng đội chuốc rượu. Trong trường hợp này chiếc áo giáp được vẽ thẳng chứ không vẽ nghiêng. Các khuôn hình luôn rộng ở dưới và chật ở trên như dạng hình thang

Khi thể hiện nội dung diễn ra trên thuyền hoặc trong nhà, nghệ nhân thể hiện bản vẽ trong trạng thái nhìn xuyên thấu bên trong. Đây là lối vẽ "kể chuyện", người xem nhìn vào sẽ thấy câu chuyện đang diễn ra bên trong. Chỉ ở những tượng khối Đông Sơn chúng ta mới thấy mặt thẳng của người. Rất hiếm thấy mặt người trên các hình vẽ 2D Đông Sơn.

Nói là rất hiếm thấy thôi. Chứ trong thực tế, rải rác trong nghệ thuật Đông Sơn khối Tây Âu, chúng ta vẫn bắt gặp lối vẽ khắc trực diện, như các hình người trên chuôi qua đồng, chuông đồng Tây Âu hoặc đôi khi phá cách thể hiện các tư thế của hươu nai, thằn lằn, cá sấu… Dường như do tiếp xúc với lối tả thực tượng khối của nhóm du mục trong văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc) mà cách tạo hình Đông Sơn Tây Âu cũng ít nhiều phá cách hơn so với Đông Sơn Lạc Việt. Hình vẽ Tây Âu phong phú, phóng khoáng hơn và cũng vì thế tính chuẩn mực cũng kém hơn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 6): Thợ cả Đông Sơn và những cách tạo hình mang tính thời đại - Ảnh 7.

Dù thợ vẽ Tây Âu thể hiện người, thú sinh động hơn nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc vẽ nhìn nghiêng kiểu X-ray

"Do bắt nguồn từ truyền thống trang trí ứng dụng trên đồ đan lát mây tre chuyển thể sang đồ gốm, tạo hình Đông Sơn cho dù cả khi có một mặt phẳng lý tưởng như trống đồng thì vẫn bị giới hạn và tuân theo những băng vòng tròn đồng tâm" - TS Nguyễn Việt.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›