Thực tế không có một nền mỹ thuật (fine art) thuần túy ở thời Đông Sơn. Các tác phẩm mỹ thuật được tạo ra chỉ để treo tường, đặt bệ phục vụ thẩm mỹ gần như chưa có ở giai đoạn này…
1. Trong một loạt bài viết về mỹ thuật cổ đăng trên tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật tôi đã từng đề xuất cực đoan rằng lịch sử mỹ thuật Việt Nam cơ bản là "mỹ thuật ứng dụng", tương tự quan niệm "mỹ thuật công nghiệp" hiện nay. Có nghĩa rằng, mọi sáng tạo mỹ thuật của nghệ nhân xưa đều gắn với việc làm đẹp một đồ dùng nào đó, chứ không phải là tạo ra một tác phẩm mỹ thuật độc lập, thuần túy.
Thẩm mỹ Đông Sơn phải hiểu là thẩm mỹ của đồ vật (kiểu dáng, hoa văn, độ bóng, màu sắc…). Tranh hay tượng Đông Sơn… đều gắn với làm đẹp cho một đồ vật cụ thể. Vì thế, bàn về chuyên đề người thợ vẽ, khắc hay tạo tượng Đông Sơn phải đặt đúng trong bối cảnh lịch sử đương thời và không thể tách rời với đồ vật mà vì nó nghệ nhân đã đầu tư tài năng và tư duy nghệ thuật làm đẹp cho chúng.
Và kỳ 1 loạt bài "Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn" hôm nay sẽ tập trung đi sâu vào hình vẽ, tức những hình khắc, đúc nổi, dệt thêu, sơn vẽ… trên một bề mặt chất liệu đồng, gốm, xương sừng… mà hiện quen gọi là nghệ thuật 2D (hai chiều - two dimentions) có thể quan sát được trong sưu tập hiện vật Đông Sơn. Do đặc trưng bảo tồn chất liệu mà các hình khắc vẽ Đông Sơn 2D chủ yếu sẽ là các hình còn lại trên đồ đồng. Một tỷ lệ hiếm hoi quý giá trên đồ gốm, gỗ sơn then, xương sừng và vải sợi sẽ trình bày trong một vài bài cuối của loạt bài này.
Kiểm kê sơ bộ trong kho tư liệu, tôi thấy có khoảng gần 3.000 tiêu bản hình khắc vẽ trên đồ đồng Đông Sơn. Tạm thời loại ra gần 2.000 tiêu bản hoa văn hình học thì có tới hàng ngàn tiêu bản hoa văn người, chim, thú, thuyền, nhà… liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của con người. Do khuôn khổ cũng như mục đích của chuyên mục này, tôi đã dành một phần khai thác hình chim, thú trong những chuyện kể trước. Từ nay, sẽ chỉ tập trung trong việc giới thiệu, mổ xẻ, phân tích khối hình vẽ liên quan đến sinh hoạt của con người mà thôi, để lột tả rõ chủ đề tư duy "Thợ Đông Sơn vẽ về người và cuộc sống con người Đông Sơn" thế nào.
Tư liệu hình vẽ Đông Sơn hầu hết là hình trang trí còn lại trên bề mặt đồ đồng đương thời. Vì thế thực tế là chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu hai vấn đề. Thứ nhất: Dụng cụ, vật liệu sáng tác và quá trình ra đời mỗi "tác phẩm". Và thứ hai: Người thợ đã nghĩ gì, muốn thể hiện điều gì và họ có chịu chi phối bởi những nguyên tắc xã hội nào trong quá trình tạo hình của mình hay không?
"Kiểm kê sơ bộ trong kho tư liệu tôi thấy có khoảng gần 3.000 tiêu bản hình khắc vẽ trên đồ đồng Đông Sơn. Tạm thời loại ra gần 2.000 tiêu bản hoa văn hình học thì có tới hàng ngàn tiêu bản hoa văn người, chim, thú, thuyền, nhà… liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của con người" - TS Nguyễn Việt.
2. Vấn đề thứ nhất mang thuần túy ý nghĩa kỹ thuật. Gần như 100% hiện vật đồng Đông Sơn được tạo ra bằng kỹ thuật đúc. Rất hiếm thấy kỹ thuật gò đồng, ngoại trừ khi chế tạo những hiện vật như lưỡi câu, trâm cài đầu…
Có ba kiểu tạo khuôn thường thấy trong thời Đông Sơn liên quan đến việc hình thành các cách trang trí 2D trong lòng các khuôn đó. Kiểu khuôn thứ nhất là khuôn ốp mẫu, thường thấy trong nghệ thuật tạo tượng, hình khối 3D nhỏ, khó tạo khuôn đa mang. Kiểu khuôn thứ hai là khuôn 1 mang. Ở kiểu khuôn này, hiện vật chỉ tạo hình một nửa còn nửa kia để hở. Đồng rót xong, hiện vật có một mặt lên hình trang trí, mặt kia phẳng. Còn kiểu thứ ba rất phổ biến, là kiểu đúc hai hay ba mang. Đúc hai mang dùng cho các hiện vật cân xứng như rìu, giáo, qua, dao găm, nồi… Loại khuôn này có thể làm bằng đất nung, đá, thường có một lõi và hai mang ốp hai bên. Khi rót đồng vào khuôn để nguội, sẽ rỡ hai mang ra, khuôn có thể dùng lại nhiều lần.
Riêng loại khuôn ba mang thường dùng cho loại đồ đựng có đế như thạp, thố đồng và trống đồng. Thảng hoặc, có kiểu khuôn ba mang dùng cho đúc mũi tên ba cạnh như kiểu khuôn đá đúc tên đồng ba cạnh Cổ Loa.
Các hình khắc, vẽ Đông Sơn chủ yếu phát hiện trên sản phẩm đúc từ dạng khuôn 2, 3 mang. Khi đó, thợ khắc vẽ sẽ trổ tài trực tiếp trên lớp đất mịn lót trong khuôn. Bề mặt đất lót trong khuôn trở thành mặt "toan" nền cho thợ khắc vẽ tạo hình. "Bút vẽ" của họ sẽ là những vật nhọn, dao tảy, tỉa bằng tre nứa, gỗ, hay kim loại.
Qua thực nghiệm thì lao động của thợ khắc vẽ trang trí trên lớp lót trong của khuôn khá lớn và giá trị lao động cao. Thông thường họ chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình tạo khuôn đúc. Phần việc còn lại chỉ là của thợ nấu đồng và rót khuôn, dỡ khuôn mà thôi.
Kết quả việc vẽ khắc trang trí trên bề mặt lõi khuôn đương nhiên là để tạo ra các tác phẩm "âm bản" ngược với các hình "dương bản" mà người sử dụng đồ vật mong muốn. Kiểu hình khắc đơn giản, dễ làm nhất là dùng bút đầu nhọn "vẽ" thẳng vào mặt phẳng bên trong khuôn. Các đường nét khắc chìm đó sẽ trở thành đường gờ nổi tạo hình trên bề mặt hiện vật đồng sau khi đúc. Ở nhiều trống đồng, kiểu khắc vẽ này được dùng trên tang và thân là những vị trí có mặt phẳng tạo hình có độ cong khó vẽ.
Kiểu khắc vẽ phức tạp hơn thường thấy trên mặt trống đồng cao cấp, như Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ… Tại đó, nhờ diện trang trí phẳng, rộng, thợ khắc vẽ có thể tạo đường nét dạng phù điêu để tạo hình bề mặt 2D có chỗ nổi cao, chỗ chìm xuống, rất dễ nhìn khi có ánh sáng chiếu xiên. Giá trị lao động nghệ thuật của kiểu khắc chìm nổi này tăng gấp nhiều lần kiểu khắc rạch đơn giản.
3. Khảo cổ học Đông Sơn đã đặt ra yêu cầu đánh giá giá trị hiện vật để giúp việc phân định giàu nghèo đồ tùy táng trong các khu mộ. Trong xã hội cổ xưa như Đông Sơn, nghệ nhân tạo hình đầu tiên như các đề tài, bố cục, đồ án trên mặt trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Hợp Minh, Sông Đà… để khiến toàn xã hội chấp nhận và tuân theo thường có vị trí rất cao. Thư tịch Trung Hoa từng ghi nhận vị trí tới hàng tể tướng nước Sở dành cho một thợ cả đúc đồng đương thời.
Như vậy, chúng ta bắt đầu "mon men" đến vấn đề thứ hai, tức động chạm tới khả năng sáng tạo trong tạo hình của nghệ nhân Đông Sơn. Bên cạnh những tạo hình đơn lẻ về chim, thú, thuyền, nhà… nghệ nhân Đông Sơn còn đứng trước thử thách xã hội là tạo ra những biểu trưng mang tính tâm linh, trong đó mỗi nhân vật cụ thể của xã hội bình thường, của thế giới linh thiêng đạt được sự chấp thuận mang tính quy ước thống nhất cộng đồng cao.
Tôi sẽ phân tích nhiều và kỹ về chủ đề đày phức tạp, nhưng cũng rất hấp dẫn này trong kỳ 2, tuần tới.
Điều gì làm nên giá trị của đồ đồng Đông Sơn?
Giá trị đồ đồng không chỉ ở khối lượng đồng, dù thực tế đã có nhà nghiên cứu cổ kinh tế - giáo sư Nguyễn Duy Hinh, từng ước tính phải khai thác, vận chuyển, nấu 1,6 tấn đất đá quặng để có được một kilogram đồng nguyên chất. Hơn thế, nó còn nằm ở giá trị thời gian của nghệ nhân đầu tư cho các hình khắc vẽ trên bề mặt khuôn đúc. Thực nghiệm đúc trống Sông Đà vừa qua của chúng tôi cho thấy, công thợ tạo khuôn và trang trí trên khuôn chiếm tới 60% giá trị công đúc trống. 40% còn lại thuộc về nguyên liệu, lò nấu và thương mại.
(Còn tiếp)
Tags