Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối

Thứ Năm, 30/11/2023 18:57 GMT+7

Google News

Tôi nghĩ rằng, đây là một nội dung rất hứng thú với mọi bạn đọc quan tâm đến nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn. Bởi, trong chủ đề Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn, những bài trước dành cho các kỹ năng thể hiện của thợ đúc đồng Đông Sơn trên các mặt phẳng bên trong của khuôn đúc....

 1. Còn trong những bài tới đây, chuyên mục Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất sẽ tiếp tục "rì rầm" kể cho các bạn về thủa Đông Sơn hơn 2.000 năm trước quanh câu chuyện: Mỗi người thợ cả Đông Sơn sẽ xử lý thế nào khi xã hội đặt ra yêu cầu cần có những khối tượng dùng trong trang trí các tay cầm trên cán dao găm, khóa thắt lưng, tượng nổi trên nắp thạp, mặt trống, chuôi các muôi lễ nghi, trên các quang đèn hay chân đế bầu dầu thắp sáng?…

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 1.

Bộ khóa thắt lưng Đông Sơn bằng đồng với bốn mảng đúc, mỗi bên 2 mảng gồm ba cá sấu, hai rùa. (Sưu tập Bảo tàng Barbier Mueller (Geneva, Thụy Sĩ)

Những phát hiện đầu tiên về văn hóa Đông Sơn nửa đầu thế kỷ 20 khiến nhiều nhà nghiên cứu thiên về khuynh hướng cho rằng nghệ thuật trang trí trên đồ đồng Đông Sơn chỉ tập trung trong nghệ thuật khắc vạch trên khuôn mà tôi đã đề cập nhiều trong loạt bài gần đây nhất. Sau khi loạt phát hiện về đồ đồng văn hóa Điền ở Vân Nam (Trung Quốc) công bố ở khoảng nửa sau thế kỷ 20 thì một nền nghệ thuật tượng khối trang trí, mô tả sinh hoạt xã hội trên đồ đồng Điền được coi như một nền văn hóa đồng thau cùng thời nhưng đối lập với nghệ thuật khắc vẽ trên bề mặt trong khuôn của Đông Sơn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 2.

Phía trước và phía sau khóa thắt lưng trẻ em Đông Sơn (đúc khuôn sáp). (Sưu tập Bảo tàng Barbier Mueller (Geneva, Thụy Sĩ) và Sưu tập Nguyễn Việt

Nhận xét đó có phần đúng và khá dễ nhận biết. Tuy nhiên, trong thực tế hai nền văn hóa này ở sát nhau, đan xen, thôn tính, xâm nhập lẫn nhau và đã hòa trộn cả hai sắc thái đặc thù đó trong nhau. Thợ cả đúc đồng Điền cũng thành thạo các kỹ năng khắc vẽ trong khuôn và cả trên bề mặt đồng thành phẩm - cũng như thợ đồng Đông Sơn cũng thành thạo cả trong kỹ nghệ tạo khuôn, đúc rót các khối tượng trang trí.

"Thông dụng đương thời, các khóa thắt lưng đồng của quý tộc hay có hình mặt trời nhiều cánh và điểm hình bốn loài thú: cá sấu, rùa, bồ nông và ếch" - TS Nguyễn Việt.

2. Tượng khối Đông Sơn rất hiếm khi là tượng mỹ thuật rời. Chúng được đúc ra gắn với việc trang trí một đồ vật khác bằng đồng hoặc bằng gỗ, tre nứa. Trong thuật ngữ khoa học, có thể gọi chúng như những sản phẩm của nền mỹ thuật ứng dụng (applied art). Tiền thân của chúng là những hình khối bằng tre nứa, gỗ, đất nung gắn với những đồ dùng cùng chất liệu. Mỹ thuật Đông Sơn là sự thay thế với một vật liệu nóng chảy rót tạo tượng bền vững hơn, đẹp và giá trị hơn mà thôi.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 4.

Một ngôi nhà Đông Sơn chế rất tinh vi bằng lõi sáp rồi ốp đất tạo khuôn. (Sưu tập CQK, California, Mỹ)

Có một điểm dễ nhận thấy nhất trong công nghệ đúc tượng khối Đông Sơn: rất ít khi có dấu ghép mang khuôn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 5.

Quai trống đồng Đông Sơn, bện bằng sợi thực vật rồi ốp khuôn đất đúc rời sau đó mới gắn vào khuôn trống đồng. Sưu tập Nguyễn Việt

Ghép mang khuôn thường thấy trên những hiện vật đồng cân đối, như lưỡi rìu, giáo, đồ đựng như thạp, thố, nồi, trống… Ở những đối tượng hình khối phức tạp, các tượng mẫu được làm từ những vật liệu có thể cháy, tan biến do nóng như sáp ong, sợi thực vật, tre, nứa, gỗ, vải… Sau đó, người thợ dùng đất khuôn ốp bên ngoài rồi tạo "lỗ thở", "đậu rót" và "đậu thoát". Cả khối khuôn và mẫu bên trong được nướng và nung chảy sao cho vật liệu mẫu bên trong thành tro hoặc tan chảy tạo khoảng rỗng nguyên hình tượng khối bên trong. Để tiết kiệm vật liệu đồng, những mẫu vật tạo ra được nhồi đất khuôn trộn trấu bên trong và có thanh chống đất hay kim loại để cố định lõi đó, sau khi mẫu vật thành tro hoặc chảy ra hết.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 6.

Đốc cán kiếm Đông Sơn bằng đồng được dựng khung gỗ và dán các băng sợi đan trang trí. Hai con voi cũng tạo bằng sợi cuộn, sau đó ốp đất đốt cháy âm ỷ để tạo khuôn in bên trong. Sưu tập Nguyễn Việt

Chúng ta có thể về khẳng định phương pháp tạo khuôn này trong thời Đông Sơn khi nhận ra ở trên hiện vật đồng còn nguyên vết in của sợi vỏ cây, sợi vải, đường chỉ mịn mà không một thợ khắc vẽ nào có thể tạo ra được. Cũng chính nhờ cách này thợ Đông Sơn có thể đúc ra những hiện vật đồng rất mỏng, chỉ 0,3-0,5 mm mà hoa văn vẫn vô cùng tinh xảo.

Trên hầu hết các khóa thắt lưng có hình thú, nếu lật mặt bụng hiện vật - là phần khuất áp bên trong - ta dễ dàng nhận ra vết sáp ong nặn vuốt tạo hình. Cả trên những tai quai thạp, trống và một số tượng trên nắp thạp, mặt trống, các vết miết sáp ong vẫn hằn lại trên bề mặt đồng.

Đây cũng chính là dấu ấn kỹ thuật để lần theo cuộc di tản của thợ đúc đồng Đông Sơn về phía nam, tỏa khắp Đông Nam Á khoảng những thế kỷ tiếp liền trước sau Công nguyên.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 7.

Dao găm Đông Sơn với tượng mẹ dùng “qua đồng” cạo tóc cho con trai. (Sưu tập CQK, California, Mỹ)

3. Bài hôm nay, tôi chưa đi vào từng hệ thống khối tượng cụ thể mà giới thiệu chung về kỹ thuật tạo tượng khối Đông Sơn và chức năng ứng dụng của kỹ thuật đó trong toàn bộ công nghệ đúc đồng Đông Sơn mà thôi. Để dễ hình dung, tôi sẽ chọn một loại hình hiện vật bộc lộ rõ nét nhất kỹ thuật tạo khuôn lõi sáp và khuôn đan bện tạo hình bằng sợi vỏ cây để "rì rầm" cùng các bạn.

Thợ cả Đông Sơn hôm nay nhận được một đơn đặt hàng của một thủ lĩnh như hàng Lạc Hầu, Lạc Tướng ở vùng Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) chẳng hạn. Vị này muốn có một bộ khóa thắt lưng bằng đồng thay thế chiếc đai thắt lưng vải lụa rất cầu kỳ mà mẹ ông mất công đan bện truyền lại. Bài toán không khó về kỹ thuật đối với ông thợ đúc đồng Làng Cả. Ông chỉ cần thảo luận với vị quý tộc kia về nội dung những con thú sẽ chọn để đưa lên thắt lưng.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 7.

Chiếc vòng đeo tay độc đáo với đầu thú sừng dài, chế bằng khuôn sáp ốp đất. (Sưu tập Bảo tàng Barbier Mueller (Geneva, Thụy Sĩ)

Thông dụng đương thời, các khóa thắt lưng đồng của quý tộc hay có hình mặt trời nhiều cánh và điểm hình bốn loài thú: cá sấu, rùa, bồ nông và ếch. Vị quý tộc Làng Cả thuộc hàng quý tộc cao trong xã hội Đông Sơn có quyền dùng bộ khóa thắt lưng 4 mảng (mỗi bên hai mảnh). Ông đã chọn mỗi bên 3 cá sấu ở phần trên và đôi rùa ở phần dưới.

Sau đó thợ cả bắt tay vào tạo khuôn. Ông dùng sáp ong hơ nóng cho mềm rồi khéo léo tạo hình bộ khóa thắt lưng như đã thỏa thuận.

Bộ khóa thắt lưng có bốn mảng đơn nguyên. Hai mảng lớn dùng để móc vào nhau, khi sử dụng chỉ khác nhau ở một bên móc hình lưỡi câu còn bên kia là quai hình vành khuyên. Hai phần lớn này mỗi bên dài khoảng 10cm, rộng 6cm, bên trên là hình 3 con cá sấu vươn đầu lên trên các đai móc.  Hai mảng bên dưới còn lại gắn hình 2 con rùa nước với 2 nửa vành khuyên nằm ngang móc sẵn vào hai nửa móc vành khuyên khác, đặt dọc ở phía dưới thanh ngang đỡ phần thân dưới 3 con cá sấu của mảng phía trên. Phía đuôi 2 con rùa có sẵn ba móc hình vành khuyên chờ sẵn để đính đai da thú hay vải thao lụa vào.

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 8): Thợ cả Đông Sơn trước yêu cầu tượng khối - Ảnh 8.

Cả những lồng ấp trầm này cũng tạo khuôn sáp ốp đất đúc một lần. (Sưu tập Bảo tàng Barbier Mueller (Geneva, Thụy Sĩ)

Cần phải có hai khuôn dùng cho hai nửa của một bộ khóa thắt lưng. Sau khi hoàn tất phần tạo hình khóa thắt lưng bằng sáp như vậy, thợ cả khéo léo cắm các que tăm tạo "lỗ thở" và đặt khuôn "đậu rót" trước khi dùng nước bột đất sét pha trộn cát phù sa hạt nhỏ cùng với tro củi mịn, tạo thành một thứ hồ đất khuôn sền sệt, để rót phủ khắp bề mặt và các ngách của mẫu vật.

Đợi khi đất khuôn se cứng, ông sẽ nhổ các tăm "lỗ thở" và ống "đậu rót", đưa từ từ qua lửa để nung khuôn và làm sáp ong bên trong chảy ra hết. Như vậy trong tay thợ cả đã có bộ khuôn bộ khóa thắt lưng như mong muốn.

Khâu cuối cùng chỉ là nấu đồng và rót đều tay vào các lỗ "đậu rót" đã chuẩn bị sẵn. Khi khuôn đã nguội, đồng đã ngấu cứng, thưởng chỉ sau mươi mười lăm phút, đã có thể đập phá khuôn ốp đất bên ngoài để lộ ra hiện vật vàng óng bên trong. Chỉ có các que "lỗ thở" là có những sợi đồng trào ra cần được bẻ đi và dũa cho bằng mặt hiện vật. Hai phần của mỗi bên khóa đã móc sẵn vào nhau. Vị quý tộc chỉ việc nhận đồ của mình mang về nhờ vợ hay mẹ đính vào các móc đã đúc sẵn ở cuối mảng sau của khóa thắt lưng phần dải lanh lụa thao tua màu xanh như sử sách đã từng ghi nhận...

Khép lại cuộc "rì rầm" đêm nay, chúc các bạn ngủ ngon như vị thợ cả đã hoàn thành công việc để đời đến tận hôm nay!     

Một bài toán hóc búa

Trong phần tiếp theo tôi sẽ mô tả chi tiết một bài toán khác khá hóc búa dành cho thợ cả Đông Sơn, khi ông được giao làm các đốc kiếm có vòng đai ngọc ôm đầu gà và dãy voi chầu lên vành đai song song với hai hàng chuông nhỏ treo sẵn tạo âm thanh thần thánh mỗi khi chủ nhân vung gươm.

TS Nguyễn Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›