Apple là công ty luôn biết cách kiếm tiền từ mọi thứ mà họ có trong tay
Nếu từng sử dụng thiết bị Android, có thể bạn đã quen với việc có thể dễ dàng lựa chọn và thay đổi nhạc chuông theo ý muốn. Tất cả những gì phải làm chỉ là mở Cài đặt và chọn một bài hát hoặc đoạn âm thanh ưa thích.
Nhưng trong khi đó, thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS chỉ cung cấp các âm thanh chung chung và cơ bản, được tích hợp sẵn làm nhạc chuông. Về mặt kỹ thuật, bạn vẫn có thể thiết lập nhạc chuông tùy chỉnh bằng một giải pháp thay thế. Nhưng nó khá phức tạp, liên quan đến máy tính và phần mềm iTunes, thứ mà nhiều chủ sở hữu iPhone thậm chí đã không còn thói quen sử dụng nữa.
Tất nhiên, tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi: Tại sao Apple không đơn giản hóa quá trình sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone?
Đây không phải là một vấn đề mới và rất nhiều người dùng đã phàn nàn về nó. Nhưng thương hiệu Mỹ từ lâu đã nổi tiếng vì ưu tiên sự liền mạch và đơn giản, nên thực tế là không có gì thay đổi cho thấy Apple muốn điều chỉnh vấn đề này.
Nhưng đừng để điều đó đánh lừa, hãy cùng đi sâu tìm hiểu lý do thực sự tại sao Apple không muốn làm cho quy trình tùy chỉnh nhạc chuông trở nên dễ dàng hơn như lẽ ra nó phải vậy.
Khởi đầu của câu chuyện
Quay trở lại những năm 2000, nhạc chuông là một vấn đề lớn đối với người dùng. Khi đó, vì điện thoại bị giới hạn về tính năng nên người dùng không có nhiều tùy chọn để cá nhân hóa thiết bị của họ. Các công ty đã nhìn thấy cơ hội để lấp đầy khoảng trống này và cung cấp cho người dùng thứ gì đó để tùy chỉnh điện thoại của họ. Và đó là cách nhạc chuông cao cấp ra đời.
Đến năm 2004, thị trường nhạc chuông là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Theo một bài báo hiện được lưu trữ trên New York Times, nhà mạng Mỹ Verizon khi đó tính phí 3 USd cho nhạc chuông, trong khi T-Mobile và Sprint yêu cầu 2,5 USD. Nhưng ngay cả ở những mức giá này, người dùng không thể sửa đổi giai điệu, tất cả đều là các tùy chọn mặc định. Họ không có khả năng tùy chỉnh để chọn phần âm thanh mà họ muốn sử dụng làm nhạc chuông, họ cũng không thể lặp lại hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi nào tương tự. Chưa hết, tùy thuộc vào nhà cung cấp, các khoản thanh toán này đôi khi bị giới hạn thời gian và nhạc chuông sẽ cần được mua lại sau khi chúng hết hạn. Ví dụ, nhạc chuông của nhà mạng Sprint hết hạn sau 90 ngày và của Verizon kéo dài trong một năm.
Và đây là nơi mọi thứ trở nên thú vị. Apple chính thức xuất hiện trên thị trường nhạc chuông vào năm 2007 khi phát hành mẫu iPhone đầu tiên. Và hãng đơn giản đã phá vỡ ngành công nghiệp này chỉ bằng một mô hình bán hàng mới. Cụ thể, người dùng iPhone có thể mua các bài hát có thời lượng đầy đủ từ nền tảng iTunes với giá 0,99 USD, sau đó trả thêm 0,99 USD để chuyển bài hát đó thành nhạc chuông 30 giây, nâng tổng chi phí lên 1,98 USD. Vào thời điểm đó, điều này khá mang tính cách mạng bởi khách hàng không chỉ trả ít hơn 2 USD để sở hữu nhạc chuông mà họ còn có cả một bài hát đầy đủ. Sau khi mua, họ có thể chỉnh sửa bài hát để chọn điểm bắt đầu và điểm kết thúc, tạo vòng lặp và đưa ra các quyết định tùy chỉnh khác cho bài nhạc chuông của riêng mình.
Con gà để trứng vàng của Apple
Mô hình của Apple đã mang lại cho công rất nhiều tiền và nhanh chóng trở thành tấm gương cho những người chơi khác trong ngành học theo. Nhưng cuối cùng, theo thời gian, khi điện thoại trở nên thông minh hơn, nhạc chuông trở nên ít được săn đón hơn. Hầu hết các công ty độc quyền bán nhạc chuông đều phá sản. Nhưng đó cũng là lúc Apple thay đổi hướng đi và áp dụng một cách tiếp cận mới.
Thay vì bỏ hoàn toàn doanh số bán nhạc chuông, Apple đã sửa lại mức giá 1,98 USD thành 1,29 USD cho một bài hát đầy đủ trên iTunes. Tức là người dùng không cần phải trả thêm tiền để chuyển đổi bài hát thành một đoạn trích mà họ có thể chỉnh sửa sau khi mua. Apple cũng cho phép những người sáng tạo bên thứ ba sáng tạo và đưa nhạc chuông của học lên bán trên iTunes Store. Tất nhiên, một tỷ lệ phần trăm doanh thu của người bán sẽ thuộc về công ty.
Và chính vì để bảo vệ dòng thu nhập này, Apple đã gây khó khăn cho việc sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone bằng mọi cách. Và nếu nhìn xa hơn, đây cũng là động cơ tương tự đằng sau việc công ty muốn bán iPhone mà không cung cấp củ sạc đi kèm, và có thể sắp tới là không có cả dây sạc. Đơn giản bởi vì Apple sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi bán riêng chúng.
Do đó, dù mong muốn tới mức nào, sẽ không bao giờ có một cách đơn giản nào để sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone của bạn. Vì Apple đơn giản là luôn biết cách kiếm tiền từ mọi thứ có thể. Công ty Mỹ này rõ ràng đã không trở thành một trong những thương hiệu công nghệ lớn nhất thế giới bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí.
Tham khảo SlashGear
Tags