(Thethaovanhoa.vn) – Người đầu tiên mà HLV Louis van Gaal quay lại ăn mừng sau khi đội tuyển Hà Lan đánh bại Costa Rica trên chấm 11m ở trận tứ kết World Cup 2014 chính là Frans Hoek, HLV thủ môn của “Cơn lốc màu da cam”.
Ông Frans Hoek từng làm HLV thủ môn của đội tuyển Ba Lan dưới triều đại HLV Leo Beenhakker (2005-2009). Song có lẽ người mà Frans Hoek gắn bó lâu hơn cả là Louis van Gaal. Bộ đôi này đã làm việc cùng nhau ở Ajax, Barcelona and Bayern Munich. Sắp tới cả hai sẽ sát cánh tại Man United, CLB mà Louis van Gaal sẽ dẫn dắt từ mùa giải 2014/15. Chính Frans Hoek đóng vai trò quan trọng trong quyết định táo bạo thay thủ môn ở loạt sút luân lưu của Hà Lan trước Costa Rica.
Nói cách khác, nếu HLV van Gaal lấy được niềm tin của đông đảo người hâm mộ trên thế giới với quyết định tung Tim Krul vào sân thì một phần là do công của Frans Hoek, người am tường các thủ môn của đội tuyển đến tận chân tơ kẽ tóc.
Theo triết lý của Frans Hoek, thủ môn có hai loại. Một là thủ môn loại A và còn lại là loại R. Thủ môn loại A có khả năng dự đoán, những người sẵn sàng tham gia vào việc sở hữu bóng, không e ngại những đường chuyền về và sẽ di chuyển nhanh nếu hàng phòng ngự dâng cao. Ông cho rằng đây là những thủ môn được bắt chính và đóng vai trò như “cầu thủ thứ 11” ở trên sân.
Về thủ môn loại R, Frans Hoek cho rằng đây là những người có phản ứng tốt và luôn vượt qua mọi nhiệm vụ khó khăn được giao để giành chiến thắng. Ông cũng cho rằng đó là những thủ môn có thể hình cao lớn, khỏe mạnh và rất có uy tín. Thủ môn loại R là những người giỏi ngăn chặn những cú sút của cầu thủ đối phương nhưng lại tỏ ra kém hơn trong những pha một chọi một. Ví dụ như Dino Zoff, Oliver Kahn và Gordon Banks.
Từ trường hợp loạt sút luân lưu ở trận gặp Costa Rica, có thể thấy được triết lí của Frans Hoek. Tim Krul chính là thủ môn loại R của Frans Hoek. Anh có thể hình to con, luôn đi lảng vảng trong vòng cấm và làm xao lãng suy nghĩ của cầu thủ đối phương bằng cách nói về vị trí mà họ sẽ sút bóng. Nhưng khi đứng trong khung thành, Tim Krul đã đổ người đúng hướng ở cả 5 cú sút của đối phương. Trong đó Tim Krul đã cản được cả 2 cú sút về bên trái.
Clip Tim Krul giúp Hà Lan vượt qua Costa Rica trên chấm 11m
Trong cuốn sách “11m: Nghệ thuật và tâm lý học của quả penalty hoàn hảo” có đề cập đến chiến thuật thay thủ môn ở loạt sút luân lưu trong quá khứ. Felix Emordi là HLV của CLB Enyimba (Nigeria). Đã hai lần Felix Emordi thay thủ môn chính thức Vincent Enyeama và tung thủ môn dự bị Dele Aiyenugba ở trận bán kết và chung kết giải African Champions League 2004. Nhờ chiến thuật này mà CLB Enyimba lần lượt vượt qua hai đội bóng của Tunisia là Esperance và Etoile de Sahel ở loạt sút 11m cân não.
Tuy nhiên không phải vị HLV nào cũng thành công với cách làm trên. Ví dụ điển hình là HLV của Leicester City, Martin O'Neill ở trận tranh suất thăng hạng lên Premier League với Crystal Palace vào năm 1996. Phút 119, Martin O'Neill thay thủ thành Kevin Poole bằng Zeljko Kalac, một chuyên gia bắt penalty. Nhưng nhân tính không bằng trời tính, trận đấu đã không bước sang loạt sút penalty bởi đúng vào phút 120, cầu thủ bên phía Crystal Palace là Steve Claridge đã ghi bàn thắng quyết định của trận đấu.
Một trường hợp thay thủ môn không thành công khác là ở trận bán kết cúp Quốc gia Đức mùa giải 2011/12 giữa Greuther Furth và Dortmund. Phút 118, HLV Mike Buskens của Greuther Furth rút thủ môn Max Grun ra và tung Jasmin Fejzic vào. Nhưng với Dortmund, 2 phút còn lại vẫn đủ cho họ ghi bàn thắng. Phút 120, Ilkay Guendogan đã dứt điểm buộc Jasmin Fejzic phải vào lưới nhặt bóng.
Nếu như trận đấu bán kết sắp tới giữa Hà Lan và Argentina bước sang loạt sút penalty, người hâm mộ của “Cơn lốc màu da cam” rõ ràng có lí do để hy vọng khi mà các cầu thủ của họ đá penalty rất tốt ở trận gặp Costa Rica. Nhưng nếu trận bán kết còn lại giữa Đức và Brazil bước sang loạt đấu súng trên chấm 11m, sẽ rất thú vị để theo dõi. Đức đã để thua trên chấm 11 m ở trận chung kết EURO năm 1976 trước Tiệp Khắc với tỉ số là 3-5. Trong khi đó Brazil đã thắng trong loạt sút cân não 11m ở trận gặp Chile. Xét theo lịch sử thì Italy (World Cup 1990) là đội chủ nhà cuối cùng để thua trên chấm 11m (trận bán kết gặp Argentina). Kể từ sau đó, Pháp, Hàn Quốc, Đức và Brazil đều giành chiến thắng ở loạt sút penalty.
Lúc này Hà Lan đang phấn đấu vô địch World Cup 2014. Việc giành chiến thắng ở loạt sút 11m có thể sẽ giúp họ đến gần với ngôi vương ở giải đấu lần này và xua tan đi kí ức đau buồn của “Cơn lốc da cam” ở trận chung kết Wold Cup 2010 và World Cup 1978.
Sơn Tùng
Theo Euro Sport
Tags