Tại tọa đàm "Người Việt đang sử dụng ô tô điện như thế nào", loại phương tiện năng lượng sạch được người dùng đánh giá cao bởi sự thân thiện với môi trường cùng những ưu điểm vượt trội so với xe xăng, cả về công nghệ, chi phí vận hành cũng như trải nghiệm.
Xe điện VinFast vượt trội hơn xe xăng cùng phân khúc
Là người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lại hay có cơ hội đi công tác nước ngoài nên từ gần 20 năm trước, anh Trần Thế Trung, một kỹ sư tại Tập đoàn FPT, đã nhen nhóm ý định mua xe điện. Tuy nhiên, thời điểm đó xe điện vẫn còn là một khái niệm quá mới mẻ tại Việt Nam.
Đầu năm 2021, VinFast mở bán mẫu xe điện đầu tiên VF e34, anh Trung lập tức chớp thời cơ. Đến tháng 7/2022, anh Trung nhận bàn giao và chính thức chuyển sang xe điện sau 15 năm đi xe xăng.
"Trước đây, mỗi lần ra vào nhà, xe xăng gây tiếng ồn và thải khói, mùi rất khó chịu", chủ nhân chiếc VF e34 chia sẻ tại buổi CarTalks trực tuyến về xe điện.
Ngoài lợi ích với môi trường, sức khỏe cũng như không cần phải xếp hàng chờ mua xăng, anh Trung cho rằng ô tô điện đem lại nhiều tiện ích hơn hẳn xe xăng.
Trước đây, anh Trung dùng một chiếc xe xăng kích thước tương đương VF e34. Thời điểm 2015, chi phí lăn bánh đã tầm 650 triệu đồng. Nhưng với VF e34, chi phí lăn bánh cho khách hàng tiên phong như anh chỉ là 525 triệu đồng, chưa bao gồm pin. Những khách không kịp đặt cọc tiên phong vẫn có thể mua lại suất trên thị trường, khi đó chi phí lăn bánh cũng chỉ tầm 550 triệu đồng.
Anh Trung cho biết, hiện tại, cả tiền thuê pin và tiền điện, mỗi tháng anh phải trả chưa đến 2 triệu đồng, tương đương tiền xăng trước đây. Tuy nhiên, với xe điện thời gian phải bảo dưỡng dài hơn, trong khi chi phí bảo dưỡng tiết kiệm hơn hẳn. Đây cũng là một điểm cộng của xe điện so với xe xăng.
"Bảo dưỡng xe điện bản chất là kiểm tra, không phải thay dầu, thay bugi hay kiểm soát đai truyền động và rất nhiều thứ khác nữa như xe động cơ đốt trong", chủ xe VF e34 so sánh.
Trong khi đó, anh Chu Hữu Thọ, một chuyên gia truyền thông lĩnh vực ô tô, người từng sở hữu xe VF e34 và nay là chủ một chiếc VF 8, cho rằng xe điện đang được miễn lệ phí trước bạ nên chi phí lăn bánh rất hấp dẫn. Gần như giá mua xe đã là giá lăn bánh. Với chiếc VF 8 phiên bản Plus anh Thọ đang lái, chi phí lăn bánh chỉ vào khoảng 1,1 tỉ đồng, chưa bao gồm pin.
Sau khi chạy VF 8, anh Thọ nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của VinFast qua các đời xe khi liên tục có sự nâng cấp, cải tiến. Xe còn sở hữu nhiều công nghệ, tiện nghi mà xe cùng tầm giá không có, như trợ lý ảo ViVi, sạc không dây, màn hình hiển thị thông minh…
"Phải khẳng định là với ô tô điện VinFast thì giá trị mang lại lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Trải nghiệm nhận được thì luôn vượt trội so với tất cả các xe xăng cùng phân khúc. Điều này đúng cho VF e34 và VF 8", anh Thọ nhấn mạnh trong buổi toạ đàm.
Sạc pin ô tô tiện lợi như sạc điện thoại
Theo chia sẻ của người dùng, trải nghiệm khác biệt và "ăn đứt" xe xăng cũng là lợi thế khiến ngày càng nhiều khách hàng bỏ xăng dùng điện. Theo đó, động cơ điện được mệnh danh là "không độ trễ" khi lực kéo và công suất đạt giá trị lớn ngay từ tốc độ nhỏ. Ngược lại, xe xăng phải gia tăng vòng tua rất mạnh mới đạt được công suất lớn và lực kéo tối ưu. Ngoài ra, xe điện còn có khả năng thu hồi năng lượng khi giảm tốc, giúp người dùng tối ưu được chi phí vận hành.
Chuyên gia ô tô Chu Hữu Thọ chia sẻ với mẫu VF 8, phần mềm đã mượt mà hơn rất nhiều nên người dùng có thể an tâm "lên xe là tít". Đặc biệt, anh chưa từng sở hữu mẫu xe nào có sức mạnh lên tới hơn 400 mã lực, momen xoắn 620 Nm mà giá bán chỉ hơn 1 tỷ đồng như VF 8.
"Xe điện sở hữu nhiều công nghệ, tiện nghi mà xe xăng cùng tầm giá không có. Trải nghiệm thật sự không thể nói bằng từ nào khác ngoài 'sướng'. Sau 2 tháng sử dụng thấy quyết định của mình vẫn đúng", chủ xe VF 8 nói.
Với nhiều chủ xe xăng, xe điện được cho là phiền toái khi sạc pin mất nhiều thời gian và không tiện lợi như đổ xăng. Đó cũng là sự thấp thỏm của nhiều khách hàng xe điện trong những ngày đầu. Tuy nhiên, lo lắng đó nhanh chóng bị xóa bỏ khi người dùng thực sự hiểu và quen với chiếc xe của mình.
Anh Trần Thế Trung chia sẻ việc sạc pin ô tô cũng đơn giản như sạc pin điện thoại di động. Thậm chí, với nhu cầu di chuyển không quá lớn, chỉ khoảng 10% pin/ngày, vài ngày anh mới phải sạc xe một lần.
"Mọi người vẫn bàn sạc nhanh, sạc chậm nhưng tôi thì không bận tâm lắm bởi thường khi đi ngủ tôi cắm sạc, sáng hôm sau ngủ dậy là pin đã đầy. Chỉ cần chúng ta thay đổi thói quen một chút thôi", vị kỹ sư công nghệ gợi ý.
Đồng quan điểm, chuyên gia ô tô Chu Hữu Thọ cho rằng chỉ cần một chút tính toán và có kế hoạch phù hợp với nhu cầu di chuyển là người dùng có thể thảnh thơi với chiếc xe điện của mình.
Theo anh Thọ, tại Việt Nam, VinFast đã nỗ lực rất lớn để lắp đặt hệ thống trạm sạc khắp cả nước. Chính anh vừa có chuyến đi từ Hà Nội lên Sơn La và nhận thấy, trung bình 30km là có một trạm sạc. Nhờ sự đầu tư bài bản của VinFast mà khách hàng Việt Nam có cơ hội trải nghiệm sự tuyệt vời của xe điện. "Bây giờ bảo tôi trở lại xe xăng thì tôi sẽ từ chối", anh Chu Hữu Thọ chia sẻ.