Guim Valls Teruel - người đạp xe vòng quanh thế giới: Mong người Việt quay lại với xe đạp

Thứ Hai, 10/02/2014 10:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ và UBND 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) ngoài việc kiểm soát và điều tiết hợp lý phương tiện vào trung tâm còn phải tập trung triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. TT&VH giới thiệu tới quý độc giả loạt bài về văn hóa xe đạp và phong trào quay trở lại với xe đạp hiện nay.

Năm 2009, Guim Valls Teruel đặt chân tới Hà Nội sau khi đi qua 11 nước và vùng lãnh thổ. Tại đây anh kết hôn với cô gái Việt. Họ đi tuần trăng mật bằng xe đạp điện qua nhiều nước. Hiện tại Guim Valls Teruel định cư ở Hà Nội, mở quán xe đạp và tiếp tục sự nghiệp khuyến khích mọi người đi xe đạp.

Guim Valls Teruel

Guim Valls Teruel còn khởi xướng tổ chức sự kiện Đạp cho sướng, vào 8h tối thứ 6 cuối cùng hằng tháng tại Hà Nội và TP. HCM. Anh còn thực hiện tạp chí MBike, hai tháng ra 1 số, in 2.000 cuốn, phát miễn phí với rất nhiều thông tin về xe đạp, khuyến khích mọi người cùng đạp xe.

* Anh đánh giá thế nào về thị trường xe đạp Việt Nam?

- Tôi nghe kể cách đây 20 năm người Hà Nội đi xe đạp rất nhiều và môi trường lúc đó rất tốt. Nên chúng tôi muốn người Việt đạp xe trở lại, chứ phát triển quá nhiều xe máy, ô tô như hiện nay gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Việt Nam là một thị trường tiềm năng với 90 triệu dân. Mặc dù hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều xe, nhưng không có nhiều hãng lớn. Tôi tin rằng trong vòng 5 năm tới, sẽ có nhiều hãng lớn vào Việt Nam.


Một góc quán xe đạp của Guim Valls Teruel

* Nhưng hiện tại người Việt vẫn coi xe máy là phương tiện chủ yếu, ô tô là niềm mơ ước. Để kéo họ về với xe đạp e rằng chưa phải thời điểm?

- Việt Nam đang phát triển đúng quy luật mà nhiều nước đã trải qua. Từ xe đạp, tiến lên xe máy, rồi ô tô. Nhưng hiện nay ở nhiều nước châu Âu, người ta bắt đầu hạn chế sử dụng ô tô vì giá cả đắt đỏ và phí bảo trì cũng rất cao, tốn tiền bảo hiểm, tiền xăng và mất nhiều thời gian đi lại. Ở các thành phố phát triển, trong nội thành người ta đạp xe, đi xa mới dùng ô tô. Trong Top 10 thành phố tốt nhất, ở đó người ta đi xe đạp rất nhiều. Họ đã trải qua hết xe máy, ô tô và giờ thì hiểu xe đạp vẫn là hữu dụng nhất. Lượng ô tô ở các nước châu Âu và châu Mỹ ngày càng giảm sút đi.

Guim Valls Teruel, sinh năm 1975 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Anh bắt đầu chuyến đi một mình vòng quanh thế giới bằng xe đạp điện từ năm 2008 nhằm cổ vũ việc sử dụng xe đạp, các nguồn năng lượng sạch.
Việt Nam cũng dần sẽ theo xu hướng trở về với xe đạp thôi. Học sinh ở Việt Nam, thời trung học đạp xe, lên đại học lại được mua cho xe máy, bắt đầu bị kẹt xe, phạm lỗi bị phạt tiền. Trước đó họ vẫn đạp xe tới trường, tại sao giờ họ lại phải sử dụng xe máy? Mọi người tưởng đi xe máy, đi ô tô mới là sành điệu. Trong khi đó đạp xe đem lại cho bạn sức khỏe, tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi, nhanh gọn. Hãy nhìn vào nước phát triển để rút kinh nghiệm, họ mất 20 năm đầu tư vào xe cộ, giờ trở lại với xe đạp.

* Lý do những người gia nhập hội nhóm xe đạp của anh là gì?

- 50% số người tham gia ban đầu chỉ coi xe đạp như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe. 90% khách hàng nước ngoài của tôi ban đầu đến với cửa hàng mượn xe để đi trong thành phố. Bây giờ họ quyết định mua xe để đi làm. Cũng rất có nhiều khách người Việt, sau một thời gian gắn bó với xe đạp, họ coi xe đạp là lối sống.

* Anh nghĩ sao về chủ trương thí điểm xe đạp công cộng?

- Tôi nghĩ dự án rất tuyệt, nhưng hãy xem chúng ta sẽ làm thế nào. Tại vì trên thế giới, đã có nhiều nơi làm, thành công có nhưng thất bại cũng có. Làm việc này không chỉ đơn giản đặt xe trên phố, hi vọng người dân sử dụng dịch vụ. Có nơi chỉ được vài tuần xảy ra mất cắp, người dân cũng không mấy ai tham gia. Nhưng dù sao dự án này rất tuyệt.

(Còn tiếp)

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›