Người Italy trỗi dậy ở US Open

Thứ Sáu, 11/09/2015 13:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên trong Kỷ nguyên mở rộng có tới hai tay vợt Italy góp mặt trong bán kết một giải Grand Slam.

Với Flavia Pennetta, đây là lần thứ 2 trong 3 năm, trong khi đây mới chỉ là lần đầu tiên dành cho Roberta Vinci, những thành công rất đáng khích lệ đối với 2 tay vợt đang ở đoạn cuối của sự nghiệp.

Gừng càng già càng cay

Cũng như các tay vợt Italy khác, Vinci thi đấu tốt và giành được nhiều thành công nhất trên mặt sân đất nện (6/9 danh hiệu đánh đơn của Vinci là đất nện). Tuy nhiên, US Open lại chính là Grand Slam mang lại nhiều kỉ niệm đẹp nhất cho Vinci khi cô đã lọt vào bán kết ở giải đấu năm nay (trước đó, Vinci cũng đã 2 lần vào tứ kết năm 2012 & 2013).

Vinci mang đến sự đa dạng cho vòng bán kết năm nay. Cô là tay vợt hiếm hoi chơi trái một tay trong làng quần vợt nữ hiện nay (chủ yếu là cú slice). Chỉ có một chiều cao khiêm tốn (1m63), nhưng khác với Errani, giao bóng chưa bao giờ là điểm yếu của Vinci. Vinci cũng sở hữu những kỹ năng cổ điển trong tennis: serve & volley (giao bóng lên lưới) và chip & charge (trả giao bóng bằng cú cắt trái, sau đó đuổi theo bóng và lên lưới) - những kỹ năng đang dần biến mất khỏi tennis hiện đại.

Tháng 3 năm nay, Vinci chia tay với người bạn và người đánh cặp lâu năm, Sara Errani, để tập trung hơn cho sự nghiệp đánh đơn. Chỉ đến khi lọt vào bán kết US Open, quyết định đó mới tạm được xem là đúng đắn bởi Vinci đã thi đấu rất thất thường như những gì cô thể hiện trong suốt năm 2014. Ở tuổi 32, Vinci đang có được giải đấu thành công nhất trong sự nghiệp.

Góp mặt tại vòng bán kết năm nay còn có Flavia Pennetta, người bạn từ thưở nhỏ của Vinci. So với Vinci, Pennetta đạt được nhiều thành tựu hơn trong sự nghiệp đánh đơn. Cô giành được 10 danh hiệu đánh đơn (phần lớn cũng là trên sân đất nện), trong đó có 1 chức vô địch WTA Mandatory Indian Wells 2014 và đây cũng là lần thứ 2 lọt vào bán kết US Open (lần đầu năm 2013, vượt qua chính Vinci ở tứ kết).

Không giống với Vinci, Pennetta lại thi đấu bám sân và tấn công rất tốt từ cuối vạch baseline bằng cả cú thuận và trái tay của mình. Pennetta có xu hướng kết thúc pha bóng sớm bằng những cú đánh tìm kiếm điểm winner, một lối đánh chỉ phát huy được tốt nếu người sử dụng đạt được trạng thái tâm lý ổn định. Thời gian dường như vẫn chưa đặt gánh nặng tuổi tác lên vai của Pennetta, mà trái lại bổ sung thêm bản lĩnh và sự vững vàng về mặt tâm lý, giúp cô đạt được những bước đột phá mới trong sự nghiệp khi đã ở ngoài tuổi 30.

Bán kết là giới hạn?

Chặng đường đến với vòng Bán kết của Vinci tương đối dễ dàng khi không phải gặp bất kì một tay vợt hạt giống nào (Eugenie Bouchard (25) bỏ cuộc trước khi trận đấu ở vòng 4 bắt đầu). Tuy nhiên, đối thủ ở bán kết của cô thì lại khác. Đó là một ngọn núi sừng sững đã 4 lần cản bước Vinci mà không thua 1 set và đang tìm kiếm Grand Slam thứ 22 để sánh vai với Steffi Graf. Trong phần lớn các trận đấu, mọi kỹ năng sẽ đều trở nên vô dụng khi “chế độ giận dữ” (rage mode) của Serena được bật. Cộng thêm sự ủng hộ của toàn bộ khán giả trên sân Arthur Ashe, thật khó để Vinci làm nên bất ngờ.

Pennetta có nhiều cơ hội hơn để ghi tên mình vào trận chung kết khi đối thủ của cô, Simona Halep, là bại tướng ở 3/4 lần gặp mặt. Cũng tại US Open cách đây 2 năm, một Halep đang “vào phom” đã thất bại tâm phục khẩu phục trước một Pennetta xuất sắc và tinh quái hơn.

Hai năm đã qua, Halep đã vươn lên một tầm cao mới với vị thế của một người thách thức Serena. Pennetta sẽ phải thi đấu vượt khả năng của mình nếu muốn đi tiếp, nhất là khi Halep đã có chiến thắng đầu tiên trước Pennetta hồi đầu năm sau 3 thất bại liên tiếp; còn nếu không, giấc mơ của người Ý về một Schiavone của năm 2009 sẽ tiếp tục phải chờ đợi.  

Kim (Từ Vương quốc Anh)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›