Elvis - phim ca nhạc xoay quanh cuộc đời “Vua rock” Elvis Presley của đạo diễn Baz Luhrmann đang hút khán giả đến rạp. Trong phim, ngoài vua rock, câu chuyện về cuộc đời Tom Parker - người quản lý bí ẩn của Elvis - cũng được kể lại một cách đầy kịch tính qua vai diễn của ngôi sao Tom Hanks.
“Tom Parker sẽ không là gì nếu không có Elvis và Elvis sẽ không là Elvis nếu không có Tom Parker” - Hanks nói với New York Times. Vậy, đâu là sự thật về nhân vật đầy tranh cãi này?
Nguồn gốc bí ẩn
Đương thời, Parker là một người ăn mặc chải chuốt, có nói giọng nói ngọt ngào như mật ngọt và luôn tuyên bố mình đến từ Tây Virginia. Theo lời kể, ông sinh ra và lớn và lớn lên ở đây vào khoảng đầu những năm 1900, trước khi bỏ trốn khỏi trại trẻ mồ côi để gia nhập gánh xiếc.
Với khán giả, ông là một doanh nhân sắc sảo (nhưng thô thiển), người đã tạo dựng và quản lý sự nghiệp của Presley kể từ khi anh còn là một thiếu niên mới lớn cho đến lúc đột tử ở tuổi 42. Và họ thường biết tới ông với biệt danh “Đại tá” - danh hiệu danh dự do Thống đốc bang Louisiana trao tặng vào cuối những năm 1940.
Thế nhưng, câu chuyện về nguồn gốc “rởm” của Parker đã vỡ lở vào mùa Xuân năm 1960 - 17 năm trước khi vua rock qua đời - theo một cách khó tin nhất. Khi đó, một phụ nữ Hà Lan tên là Nel Dankers-van Kuijk ngồi trong tiệm làm tóc, lướt qua một tờ tạp chí phụ nữ và “chết đứng” khi thấy trong một bức ảnh, đứng cạnh Elvis là anh trai mình - Andreas van Kuijk - hay gọi tắt là “Dries”. Dries đã già đi và gầy đi đáng kể kể từ lần cuối cô nhìn thấy anh mình. Nhưng không thể phủ nhận, đó chính là người đàn ông đã biến mất một cách bí ẩn không dấu vết vào ngày 17/5/1929.
Sau này, người ta được biết rằng Parker sinh ra ở thành phố Breda nhỏ của Hà Lan vào tháng 6/1909, là con thứ 7 của một người lái xe chở hàng và giao hàng nghèo khó. Parker đã tham gia các lễ hội và rạp xiếc ngay từ khi còn nhỏ. Chính trên sân khấu hội chợ, anh đã học được cách kết nối với thương mại với nghệ thuật quảng cáo và các mánh khóe tạo dựng hình ảnh.
Năm 17 tuổi, Parker rời Hà Lan để lên một con tàu trốn sáng Mỹ làm công việc tổ chức lễ hội trước khi trở về nhà 18 tháng sau đó. Tại Hà Lan, Parker làm việc trên các bến tàu. Rồi, vào một ngày tháng 5/1929, chàng trai trẻ 20 tuổi vĩnh viễn biến mất. Không thể giải thích được tại sao Parker để lại nhà một chiếc hòm chứa đầy những tài sản quý giá nhất của mình, trong đó có giấy tờ tùy thân và tiền bạc.
Lý do đằng sau việc Parker đột ngột rời Hà Lan vẫn còn là một bí ẩn. Đáng nói, năm 1970, một nhà báo tại Hà Lan đặt câu hỏi: “Có phải điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra trước khi Parker rời đi năm 1929 và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình?”. Sau đó, Vellenga nhận được tin giật gân từ một độc giả ẩn danh rằng Parker là nghi phạm chính trong một vụ án giết người tàn bạo chưa được giải quyết. Nạn nhân là Anna an den Enden (23 tuổi), vợ mới cưới của một người bán rau địa phương. Cô bị sát hại dã man vào tối ngày 17/5/1929 - cùng ngày với sự mất tích đột ngột của Dries. Theo báo cáo của cảnh sát, cô bị đánh chết với một lực cực mạnh nhưng kẻ giết người đã phủ một lớp hạt tiêu trắng lên hiện trường vụ án để ngăn chó nghiệp vụ lần ra dấu vết của hung thủ.
“Chủ mưu” trong hành trình trở thành siêu sao của Presley
Ở Mỹ, Parker kết hôn với Marie Mott, một hoa hậu đã ly hôn và có một cậu con trai vào năm 1953. Ông bắt đầu làm việc với tư cách là người quảng bá cho huyền thoại âm nhạc đình đám Gene Austin. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Parker sử dụng kinh nghiệm dày dặn của mình để bán vé và thu hút đám đông. Ngay sau đó, Parker bổ sung Eddy Arnold, Minnie Pearl và chàng cao bồi phim câm Tom Mix vào nhóm thân chủ tài năng của mình.
Năm 1955, Parker nghe được những bản thu âm ban đầu của một bộ ba tên là Blue Moon Boys. Ông thích phong cách âm nhạc của ca sĩ chính - Elvis Presley. Là một nhà quảng bá âm nhạc có uy tín, Parker bắt đầu đăng ký các hợp đồng biểu diễn cho họ và quản lý họ. Sau đó, Parker trở thành “cố vấn duy nhất” của Presley với sự cho phép của cha mẹ chàng trai, bởi lúc đó ca sĩ chưa đủ 21 tuổi.
Parker sắp xếp để Elvis rời Sun Records, một hãng thu âm nhỏ ở mặt tiền đường phố thuộc sở hữu của Sam Philips, nơi Presley bắt đầu sự nghiệp của mình và thương lượng một hợp đồng mới béo bở với RCA Records. Đĩa đơn đầu tiên Heartbreak Hotel của Elvis Presley sau đó trở thành đĩa hát bán chạy nhất năm 1956 và giúp anh trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới.
Dần dần, Parker đã loại bỏ mọi cạnh tranh để trở thành “cố vấn duy nhất và độc quyền”, đồng thời là người đại diện và quản lý của Presley. Và chính Parker là người “chủ mưu” cho việc vươn lên thành siêu sao một cách chóng mặt của Presley. Trong hành trình ấy, Parker luôn coi mọi người như bụi bẩn và tuyên bố: “Bạn không cần phải đối xử tốt với những người trên đường đi lên nếu bạn không quay trở lại”.
Như bộ phim của Luhrmann đã kể, chính Parker là người đã phát minh ra khái niệm kinh doanh 2 mặt khi tung ra thị trường huy hiệu mang dòng chữ “I Love Elvis” (Tôi yêu Elvis) và cả “I Hate Elvis” (Tôi ghét Elvis), đồng thời muốn có cổ phần trong cả hai phía của thị trường. Thực tế, Parker bóc lột tất cả mọi người. Thỏa thuận của ông với Elvis là 50% lợi nhuận - trong khi mức “ăn chia” chung giữa ông bầu và ca sĩ vào thời điểm đó là 10%.
Presley trở nên nổi tiếng trên thế giới vào thời điểm đang là quân nhân của quân đội Mỹ từ năm 1958 đến 1960. Thực tế, Parker thuyết phục khách hàng của mình nhập ngũ như một người lính bình thường, bởi ông lo lắng rằng sự đối xử đặc biệt dành cho vua rock có thể làm tăng thêm lòng căm thù đối với những người gièm pha ông.
Khi còn bé, Parker có nhu cầu kiếm tiền vô độ và luôn ham muốn phiêu lưu. “Tiền rất quan trọng đối với anh tôi” - em gái Parker nhớ lại - “Cả gia đình điều biết rằng đừng nên chạm vào ví của anh ấy”. |
“Trói buộc” thân chủ với lịch lưu diễn và thuốc kê đơn
Chính trong thời gian đóng quân ở Đức, Presley bắt đầu nghiện amphetamine vì muốn giữ tỉnh táo khi thường phải làm việc vào đêm khuya.
Khi trở lại Mỹ, chứng nghiện của Elvis (với hỗ trợ và tiếp tay bởi Parker và một bác sĩ kê đơn tên là George Nichopoulos) đã trở nên mất kiểm soát khi anh cố gắng theo kịp lịch trình lưu diễn mệt mỏi.
Thời điểm ấy, bất cứ ai muốn Presley xuất hiện tại địa điểm biểu diễn của mình đều được yêu cầu mang 50.000 USD tiền mặt đến phòng khách sạn của Parker. Ngay cả khi họ không thể tìm ra thỏa thuận, Parker vẫn lấy 10% khoản tiền coi như phí cho thời gian giải quyết công việc. Ngoài ra, bất cứ ai muốn được “tiếp chuyện” Parker đều tốn nhiều tiền. Các nhà báo phải trả 25.000 USD cho “cuộc nói chuyện nhỏ”, 100.000 USD cho một cuộc phỏng vấn dài hơi.
Và Pressley càng kiếm được nhiều thì Parker bỏ túi càng nhiều. Khi nhà sản xuất Hollywood Buddy Adler đề nghị biến tên tuổi lớn nhất của nhạc rock&roll thành một ngôi sao điện ảnh, Parker đã yêu cầu số tiền “khủng” 1 triệu USD cho mỗi phim. Adler thấy bị xúc phạm và nói rằng Presley cần một người quản lý mới.
- 'Elvis' - Phim tiểu sử về ông hoàng nhạc rock and roll
- 'Elvis' ra mắt LHP Cannes được hoan nghênh nhiệt liệt
- Phim về huyền thoại âm nhạc Elvis Presley ra rạp tháng 6
Presley đã rất vất vả để bắt kịp lịch trình lưu diễn không ngừng nghỉ do Parker đề ra. Cao điểm, năm 1973, Elvis đã biểu diễn tại 168 buổi hòa nhạc. David Stanley, anh trai cùng cha khác mẹ của Elvis kể lại với The Sun rằng, thói quen sử dụng ma túy của huyền thoại nhạc rock đã trở nên trầm trọng trong hai năm cuối đời - khi anh cảm thấy bị Parker kiểm soát nhiều hơn.
Bị “giam” về công việc, sức khỏe thể chất và tinh thần của Presley bắt đầu xấu đi. Parker nhìn vào sức khỏe của ông mà không hề lo lắng. Bởi, căn cứ theo các hợp đồng xuất bản âm nhạc và phim ông ta nhận thấy Elvis vẫn có giá trị đối với mình kể cả khi chết. Và nhiều người hâm mộ sau này nghi ngờ rằng Presley không được lưu diễn quốc tế là do Parker, một người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ, thiếu hộ chiếu và chưa bao giờ là công dân được nhập tịch Mỹ.
Vào cuối đời, Elvis đã từng uống 33 viên thuốc ngủ và 9 viên thuốc giảm đau tổng hợp Demerol chỉ để ngủ trong 24 giờ. Ma túy dường như là người bạn trung thành duy nhất của cậu ấy” - anh trai cùng cha khác mẹ của Vua rock cho biết. Ngôi sao huyền thoại này qua đời ngày 16/8/1977. Còn Parker vẫn sống tiếp tròn 20 năm và mất vào ngày 21/1/1997.
Phim Elvis, với kinh phí dàn dựng 85 triệu USD, ra mắt hôm 24/6 và đã “bỏ két” được 55,4 triệu USD từ phòng vé. Bộ phim nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, người trong gia đình “Vua rock” với các phân cảnh âm nhạc và màn trình diễn của Butler nhận được sự hoan nghênh rộng rãi. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags