(Thethaovanhoa.vn) - Người nhớ người quên - lạc nhau giữa phố là cuốn sách viết bởi một chàng trai Miền Tây khăn gói lên Sài Gòn ăn học và ở lại mảnh đất này đã 13 năm. Hơn một thập niên “sống, thương, nhận và trả lại”, đó không chỉ là tình yêu...
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Hữu Phiên An có 19 tản văn chia thành 3 phần gồm: Hôm trước; Đêm nay; Ngày mai cùng một truyện ngắn xếp vào Phụ truyện.
Hôm trước đa phần những cuộc tình dang dở, là những bạn gái cũ của An hoặc của bạn bè, đồng nghiệp An. Những cuộc tình không có đúng sai, và sau nhiều năm chia tay nhìn lại thì đã hết giận hờn hay vấn vương, điều mà không phải ai cũng làm được. Tất nhiên, họ vẫn có những lấn cấn nhẹ trong lòng mà mãi sau này mới nói ra, hoặc không bao giờ nói ra.
Đêm nay kể về những con người quanh An. Đó là một thằng bạn nhậu ế quanh năm, chăm chỉ đi làm mai mối cho người khác nhưng chuyện tình của chính mình thì... không có đâu. Một thằng em với tâm tư lạ thường An mãi mãi không biết tên, đã chọn rời Thành phố. Một bạn không tên đã lâu không gặp, cứu An vài lần tâm trạng chìm nổi trong đêm, nay thường khoác áo lam trong sân nhà Phật.
Điểm nhấn của phần 2 là 2 tản văn liên tục tên Sau này và Khóa lòng, xoay quanh An, người yêu cũ tên Yến và cậu em không ruột rà tên Dư. An và Yến là một mối quan hệ từ người yêu cũ trở thành chốn thân thiết, nhưng chẳng thể quay lại. Trong khi, Dư là cậu bé Gen Z của thế giới đam mỹ, làm “đau đầu” cả An và Yến. Câu chuyện của cả 3 đan xen, tác giả cũng chẳng rõ, họ buồn hay vui nhiều hơn.
Ngày mai là phần tác giả tâm đắc nhất - đa phần là những tản văn tươi sáng. Tất nhiên chẳng có hạnh phúc nào là trọn vẹn. Nhân vật “chị” không tên trong Đậu biếc cũng trải qua bao năm yêu xa, từ chối tình gần, để cuối cùng rẽ sang con đường khác.
Hay như Chi cũng phải chục năm chìm nổi với tính cách khác biệt mới gặp được chàng Gen Z, quay về với cuộc sống bình yên. Trịnh cũng vậy, sau hàng chục năm phong lưu, giàu có, giờ cũng chọn hướng đi mà An không ngờ tới.
Còn bản thân An, khi chìm nổi ở đời cũng đủ nhiều, chợt gặp lại người xưa. Cả hai tìm lại ngày tháng an lành, nhưng chẳng còn yêu đương hay chồng vợ.
Ngoài ra, phần Phụ truyện sẽ là một truyện ngắn mang yếu tố kỳ ảo, không khí khác lạ, ít nhiều bất ngờ và giải trí cho người đọc. Do không nằm cùng mạch của tản văn, là nội dung tặng kèm nên được xếp vào mục phụ, được xem là quà tặng kèm.
- 'Cô gái à, ngừng than vãn': Cuốn sách cho 'phái đẹp' muốn thay đổi và hạnh phúc
- Hai cuốn sách nhẹ nhàng giúp độc giả thấy được hạnh phúc nơi tâm tưởng chính mình
- 'Cũ' của Nick M.: Cuốn sách gợi nhắc những điều tốt đẹp độc giả tưởng đã quên
Nguyễn Hữu Phiên An tên thật là Nguyễn Viễn Thông, sinh năm 1990, quê tại Vĩnh Long. Anh đến TP.HCM để theo học khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2008.
Tốt nghiệp năm 2012, anh ra trường và ở lại TP.HCM để theo đuổi công việc trong ngành báo chí - truyền thông cho đến nay. Mục tiêu đến tuổi 30 phải hoàn thành cuốn sách, nhưng Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã mang tới... 3 tháng để Nguyễn Hữu Phiên An hiện thực hóa mong ước ra mắt Người nhớ người quên - lạc nhau giữa phố do NXB Dân Trí ấn hành.
Cuộc sống của An cũng như bao thị dân khác, thế hệ Y và Z, với tình cảm trai gái, bạn bè và những cảm nghiệm về cuộc sống và công việc. Tất cả là một thế giới đa màu, đủ dư vị của hạnh phúc - chia ly, nhớ nhung - quên lãng. Dù vậy, nội dung tản văn không giật gân, an lành như đời vốn thế.
Do được viết bởi một người trẻ, trải nghiệm mười năm biến đổi của bản thân và Sài Gòn nên tản văn mang đậm hơi thở của cuộc sống người trẻ đương dại. Họ là những con người sống không tách rời mạng xã hội, quay cuồng trong tương quan công việc và yêu đương, cố bám trụ ở đây cũng có, chọn từ biệt chốn này cũng có.
Thế giới của tản văn cũng đa dạng bản dạng giới, chứa nhiều tâm tư, tựa như Sài Gòn hào phóng đón nhận mọi khuôn mặt, nhiều tính cách cùng hội tụ về đây.
Tác giả hy vọng, bất kỳ ai đọc quyển sách sẽ thấy có một chút gì đó giống mình ở trong đó. Đó là những chi tiết giản dị, dễ bị lãng quên hay quá hiển nhiên trong đời sống đến độ không ai viết ra thành sách.
Tản văn không đi giải quyết bất kỳ câu chuyện gì lớn lao, tranh luận về nhân sinh xã hội, dù nó có nhắc đến những ngày Sài Gòn giãn cách vì Covid-19. Và trên hết, dù lãng đãng trôi trong những dòng tâm tình xoay quanh chuyện yêu đương là chính, nhưng tác giả khẳng định đó “không phải là một cuốn sách ngôn tình”.
Như tác giả đã minh định đầu sách, tất cả những câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, qua lời tự sự của An. Tuy nhiên, tản văn không phải là ký về cuộc đời của tác giả, những chất liệu cóp nhặt vào sách là từ cuộc sống, bạn bè của An.
Tiểu Phong
Tags