Nuôi một con vật không phải là đặc ân đầy kiêu ngạo của sinh vật cao cấp hơn - con người.
Trong sự trỗi dậy của ngành công nghiệp thú cưng, Bạch Lân (sinh sau 1980) ở Trung Quốc đã chọn dấn thân vào ngành công nghiệp thú cưng và làm nghề bị cho là "không may mắn" - trợ tử cho thú cưng. Hay nói một cách nhẹ nhàng hơn, công việc này được gọi là cho thú cưng an nghỉ.
Tiễn đưa gần 5.000 thú cưng, Bạch Lân đã chứng kiến quá nhiều điều liên quan đến cái thiện và ác của con người.
Không phải ai cũng biết sống cùng một con vật
Trong một lần nói chuyện phiếm với bạn bè, người bạn nói rằng anh biết một cặp vợ chồng muốn chú chó của họ được an nghỉ. Vừa hay Bạch Lân làm nghề trợ tử cho thú cưng nên nhờ giúp đỡ. Nhưng điều khiến Bạch Lân giật mình chính là, nguyên nhân họ muốn an tử chú chó là vì nó thích cắn người.
Theo quan điểm của Bạch Lân, nuôi dưỡng động vật giống như đối xử với những đứa trẻ trong thời kỳ nổi loạn, cần hướng dẫn và nuôi dưỡng đúng cách. Cũng giống như khi trẻ em có vấn đề, chúng ta phải bắt đầu tìm lý do từ khía cạnh giáo dục của cha mẹ.
Trẻ em có thể khóc để tìm kiếm sự chú ý của cha mẹ, và động vật cũng vậy. Chúng cũng có thể cô đơn và mắc "hội chứng lo lắng vì xa cách". Thật không may, một số người luôn suy nghĩ làm thế nào để chấm dứt rắc rối một cách nhanh chóng.
Trong một ca an tử khác, Bạch Lân thực hiện công đoạn chỉn chu nhan sắc cho chú mèo màu trắng xinh đẹp đã mất. Cô vô tình nghe được chi tiết người chủ tin rằng mèo có 9 mạng, nhảy lầu sẽ không chết, từ đó mới gây ra bi kịch của chú mèo trắng này.
Bạch Lân nói với thợ trang điểm di thể cho mèo: "Nhẹ một chút, bé mèo chỉ là ngủ thiếp đi, đừng đánh thức nó".
Bạch Lân phát hiện, nhiều người thiếu kiến thức cơ bản về cách nuôi dưỡng thú cưng. Thậm chí, vô số người còn dễ dàng tin vào một số thông tin trên mạng, chẳng hạn như mèo rơi xuống tòa nhà cao tầng sẽ không bị thương, chó cắn người vì bản tính của chúng là phá phách.
Sự thiếu hiểu biết mang lại cho họ những lựa chọn nhẹ nhàng và nhanh gọn, nhưng lại là chuyện sống còn đối với thú cưng.
"Họ dùng cái tôi ngạo mạn tùy tiện nhận nuôi thú cưng, rồi lại tùy ý vứt bỏ"
4 giờ sáng, trời vẫn còn tối đen như mực, trung tâm dịch vụ trợ tử cho thú cưng nhận được một con mèo nhỏ nằm trong lồng với đôi mắt hoảng sợ.
Làm dịch vụ này lâu như vậy, lần đầu tiên trung tâm của Bạch Lân tiếp nhận yêu cầu hỏa táng khi mèo còn sống. Bạch Lân cùng đồng nghiệp liên lạc với người nuôi dưỡng, đối phương chỉ hời hợt nói rằng: "Bây giờ không chết thì mai cũng chết thôi".
Cô gái mua mèo con trên mạng, sau đó mới phát hiện thể trạng của mèo không tốt, đến bác sĩ kiểm tra thì được nhận định mắc bệnh giảm bạch cầu. Cô không muốn tốn tiền chạy chữa vì mèo đã bệnh nặng, thế là mang nó đi an tử.
Bạch Lân không thể "thấy chết không cứu", thế là đã chăm sóc cho mèo với nhiều phương pháp chuyên môn. Bằng một phép màu nào đó, mèo con đã sống và dần khỏe mạnh.
Mọi người đều cảm thấy đây là một kỳ tích, nhưng Bạch Lân lại cho rằng kỳ tích ở đây chính là sức mạnh của tình yêu.
Trung tâm này là nơi ra đi cuối cùng của "những đứa trẻ lắm lông". Họ cập nhật những câu chuyện lên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cô gái từng là chủ của chú mèo kia lại tìm đến đòi lại thú cưng của mình vì thấy nó đã sống sót khỏe mạnh. Không cam tâm, Bạch Lân đã tính cho cô chuỗi danh sách chi phí chăm sóc và thuốc men. Trả được tiền thì mới có thể đón mèo trở về. Khoảnh khắc này khiến Bạch Lân cảm giác mình đang đứng trên ranh giới của thiện ác.
Nhưng Bạch Lân và đồng nghiệp còn chứng kiến rất nhiều câu chuyện đáng sợ hơn nữa về hành vi của con người đối với thú cưng.
Bạch Lân nghĩ: "Có lẽ không phải ai cũng có tư cách được quyền bảo vệ một sinh mệnh. Họ dùng cái tôi ngạo mạn tùy tiện nhận nuôi thú cưng, rồi lại tùy ý vứt bỏ. Trong mắt họ, căn bản không hiểu ý nghĩa của việc nuôi dưỡng một con vật nhỏ là gì".
Nuôi một con vật không phải là đặc ân đầy kiêu ngạo của sinh vật cao cấp hơn - con người.
Nơi nói lời tạm biệt cuối cùng của người nuôi dưỡng và "những người bạn lắm lông"
Tiêu chuẩn của việc trợ tử vô cùng khắt khe, cần đến nhận định chuyên môn của bác sĩ thú y.
Có 2 loại lựa chọn trợ tử: Đầu tiên là động vật bị bệnh nan y, bị bệnh lâu dài. Hai là động vật mất đi chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, cách thức cực đoan giúp động vật thoát khỏi đau đớn này luôn bị không ít người hiểu sai tôn chỉ và ý nghĩa muốn hướng đến.
Một ngày nọ, một người đặt dịch vụ, yêu cầu trung tâm cho chú chó của họ an nghỉ vì lý do đặc biệt. Nhưng đến bước cuối cùng, bác sĩ mới biết chú chó 4 tuổi này rất khỏe mạnh, hoàn toàn đi ngược lại điều kiện của trợ tử. Nhóm của Bạch Lân vô cùng khó hiểu.
Sau đó, người nuôi dưỡng mới chịu nói ra sự thật, thì ra cô không còn khả năng nuôi chó cưng nữa nên phải dùng đến cách này.
Trung tâm khuyên cô nên tìm người nhận nuôi nhưng cô một mực không chịu vì không muốn chó cưng của mình vui vẻ sống với người khác, thà rằng để nó an nghỉ. Bạch Lân từ chối nhận ca này vì mỗi sinh mệnh đều có quyền được đối xử nghiêm túc đúng nghĩa.
Những chuyện thương tâm này nhiều lúc khiến Bạch Lân muốn từ bỏ nghề an táng cho thú cưng mình đã chọn. Nhưng may mắn thay, nhiều khoảnh khắc đã giúp cô được chữa lành và sưởi ấm con tim.
Một chú chó Golden Retriever tên Đại Bạch bị khối u sọ, bệnh tình nghiêm trọng. Khối u chèn ép đã khiến mắt trái của chú chó tội nghiệp chảy máu liên tục.
"Bố" của Đại Bạch bất đắc dĩ mới lựa chọn trợ tử cho nó.
Ngày an nghỉ, Đại Bạch không ngừng làm nũng với "bố" như thường lệ. Nó không biết đây chính là những giây phút ấm áp cuối cùng tồn tại trên thế giới này.
Trong quá trình tiêm, "bố" nhẹ nhàng vuốt ve đầu đầy lông của Đại Bạch, nhẹ nhàng nói chuyện vỗ về, hy vọng nó có thể thoải mái giải thoát khỏi những cơn đau đớn thể xác. Chứng kiến chó cưng của mình từ từ thiếp đi, chàng trai không thể cầm lòng, quay mặt lau hai hàng nước mắt chảy dài.
Nhân viên đứng bên cạnh cũng sụt sùi theo. Sự lựa chọn này vô cùng tàn nhẫn đối với những người nuôi dưỡng. Họ bị giằng xé bởi 2 luồng đấu tranh trong nội tâm: một là nỗi đau đớn khi nhìn thấy thú cưng của mình bị giày vò bởi bệnh tật, hai là bản thân họ lại quyết định "tước đi mạng sống" của chúng.
Trong thế giới của chó, hạnh phúc dường như rất đơn giản: được ăn uống đầy đủ và có gia đình kể bên. Bạch Lân hiểu sâu sắc nỗi khổ của những người khi lựa chọn trợ tử cho thú cưng, cũng càng thấu hiểu sự lực bất tòng tâm của họ khi đứng trước tình huống bất khả kháng.
Mọi đau đớn tan biến, để lại tro tàn và kỷ niệm
Lần đầu tiên thực hiện an tử cho thú cưng, cô cảm nhận sâu sắc sự vô thường của cuộc sống.
Lần đó là một chú chó Poodle rất nhỏ, Bạch Lân cẩn thận nhìn nó trước khi đẩy nó vào lò hỏa táng. Bên cạnh cơ thể lông xù được bao phủ bởi hoa, nằm yên ngoan ngoãn. Đến khi cô kéo nó ra một lần nữa, tất cả trở thành một đống tro tàn.
Loại cảm giác trần trụi của chuyện sinh tử này khiến Bạch Lân suốt đời không thể quên.
Nhóm làm việc của Bạch Lân có một quy tắc bất thành văn: Thú cưng và con người không nên có mối quan hệ chủ tớ. Không thể xuất hiện các từ như "vật nuôi" và "chủ sở hữu", mà thay bằng "những đứa trẻ lắm lông" và "bố mẹ". Nếu ai nói sai, họ sẽ bị phạt 10 NDT để kỷ luật.
Bạch Lân không hy vọng loại tình cảm này được phân chia thành quan hệ thuộc về đẳng cấp rõ ràng, mà nên là mối quan hệ qua lại hai chiều.
Nhiều người khó hiểu, dù gì cũng chỉ là dịch vụ trợ tử và an nghỉ cho thú cưng, cũng không phải cấp cứu, cần gì phải mở cửa ban đêm?
Nhưng Bạch Lân có sự kiên trì của riêng mình. Trong 3 năm, họ đã cung cấp dịch vụ cho gần 5.000 thú cưng. Mỗi cuộc gọi điện thoại gọi đến, câu đầu tiên là tiếng khóc và câu hỏi "tôi nên làm gì?".
Cô không thể tưởng tượng một người mất đi người bạn thú cưng của mình vào ban đêm sẽ bối rối và bất lực như thế nào. Cô càng không đành lòng khi họ cần giúp đỡ nhưng lực bất tòng tâm.
Nói về quá trình an nghỉ cho thú cưng, thực tế rất đơn giản: "Trang điểm" cơ thể, tiến hành nghi thức chia tay, hỏa táng, nạp cốt.
Tuy nhiên, nỗi đau của việc mất một người bạn to lớn hơn nhiều so với tưởng tượng. Bạch Lân luôn tin rằng tình cảm con người vô cùng phức tạp, đằng sau tất cả biểu hiện đều chứa đựng vết thương của một giai đoạn nào đó.
Cũng vì thế, Bạch Lân cố gắng giúp đỡ những "bố mẹ" đau đớn trầm cảm bị mắc kẹt trong cảm xúc tiêu cực sau khi mất đi thú cưng.
Ba năm làm nghề an nghỉ thú cưng, Bạch Lân càng cảm thấy sâu sắc, thay vì nói nghề cô đang làm là một ngành dịch vụ, chi bằng gọi là giáo dục cuộc sống.
Nhiệm vụ của họ là giúp đỡ những người đau buồn thoát khỏi cảm giác tội lỗi và tìm thấy hướng suy nghĩ tích cực hơn về sự ra đi của thú cưng.
Nghề an nghỉ cho thú cưng, nghe có vẻ "không may mắn và đầy chết chóc", thế mà lại có thể chữa lành cho nhiều tâm hồn và sinh linh nhỏ bé thoát khỏi bể khổ dằn vặt để tiếp tục sống.
Nguồn: Thepaper
Tags