Sau 5 phút ngâm chân bằng nước nóng, người phụ nữ bất ngờ ngã xuống nền nhà bất tỉnh và không qua khỏi.
Trang Yangtze Evning News tại Nam Kinh, Trung Quốc đưa tin về một phụ nữ họ Liu, 46 tuổi sống ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã bị phình vỡ động mạch do ngâm chân không đúng cách dẫn tới tử vong.
Theo đó, nữ bệnh nhân nửa đêm đi làm về liền ngâm chân trong nước nóng để khí huyết lưu thông, làm ấm cơ thể, giúp giấc ngủ sâu hơn. Ngâm được chừng 5 phút, chị bất ngờ ngã, bất tỉnh. Người nhà sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân tử vong do phình và vỡ mạch máu não. Đây là chứng mạch máu phình to trong não trông giống như một khối u nhỏ. Thông thường, túi phình mạch thường vỡ ở vị trí động mạch não giữa hoặc màng não, làm cho mạch não bị rò rỉ hoặc vỡ gây xuất huyết não, dẫn đến đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
"Khi thời tiết và cơ thể đang lạnh, bệnh nhân đột nhiên nhúng chân vào nước nóng khiến cơ thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt, máu lưu thông nhanh hơn, các mạch máu chịu áp lực lớn trong thời gian ngắn, dẫn đến phình và vỡ gây tử vong", các bác sĩ cho biết.
Bác sỹ cũng phân tích, việc ngâm chân có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và thúc đẩy chức năng của lá lách, dạ dày. Tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng có thể ngâm chân nước nóng một cách tùy tiện.
"Không nên đột ngột ngâm chân trong nước nóng, đặc biệt trong mùa đông, nên cẩn thận với những hành động gây thay đổi nhiệt độ bất ngờ như tắm nước nóng, gội đầu, xông hơi...", bác sĩ khuyến cáo.
Bác sĩ giải thích không phải tất cả các túi phình đều sẽ vỡ. Tuy nhiên càng để lâu kích thước túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Người có thói quen hút thuốc, uống rượu, thức khuya... thành mạch máu não trở nên mỏng và phình ra, người bệnh có biểu hiện nhức đầu, nôn, cứng cổ.
Nếu bị vỡ phình động mạch não, bệnh nhân có một loạt triệu chứng, điển hình nhất là đau đầu đột ngột và dữ dội, rối loạn ý thức, một số người bị co giật. Khi phình động mạch không vỡ, biểu hiện như khiếm khuyết thị giác, sụp mí mắt, đau mí mắt, chóng mặt...
Những ai không nên ngâm chân nước nóng
Từ lâu trong Trung y đã có những bài thuốc và cách chữa bệnh thông qua phương pháp ngâm chân nước ấm. Lịch sử Trung Quốc chứng minh hoàng đế Càn Long, Từ Hi Thái hậu… là những người thường xuyên dùng liệu pháp này.
Ngâm chân có lợi ích cải thiện lưu thông máu, giảm bớt việc đau đầu, giúp giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được phép ngâm, bởi nếu làm sai cách thì còn mang đến nhiều hiểm hoạ khôn lường.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Khi còn nhỏ, vòm bàn chân sẽ dần hình thành, nếu trong thời kỳ này thường xuyên ngâm chân trong nước ấm sẽ dễ khiến dây chằng lòng bàn chân của trẻ bị lỏng lẻo, không thuận lợi cho việc hình thành và duy trì của vòm, làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.
Người bị bệnh tim
Đối với bệnh nhân tim mạch, tốt nhất là không nên ngâm chân nước nóng. Vì sau khi ngâm, các mạch máu sẽ nở ra, đồng thời máu của toàn bộ cơ thể sẽ dồn lên bề mặt cơ thể, dẫn đến thiếu oxy và thiếu máu cục bộ của các cơ quan quan trọng như tim.
Người bị tiểu đường
Da của những bệnh nhân này tương đối mỏng manh, nhiệt độ bên ngoài không nhạy cảm với các dây thần kinh ngoại vi của bàn chân, thậm chí là nước rất nóng, họ có thể không cảm nhận được và rất dễ bị bỏng. Bỏng nước có thể dẫn đến nhiễm trùng chân, loét và thậm chí phải cắt cụt chi.
Người bị bệnh da chân
Nếu bạn bị bệnh ngoài da ở chân, ngâm chân nước ấm sẽ dễ dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát, nhất là đối với những vết thương đã bị vỡ mủ. Ngoài ra, bệnh nhân bị chàm chân, mụn rộp và các bệnh khác cũng không nên ngâm chân nước ấm vì da dễ bị nhiễm trùng sau khi bị loét.
Người bị giãn tĩnh mạch
Những người bị suy giãn tĩnh mạch cũng tuyệt đối không nên ngâm chân. Bởi ngâm chân với nước nóng làm cho quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, máu lưu thông nhanh. Điều này làm tĩnh mạch giãn nở gây nguy hiểm cho người bệnh.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên xông nước nóng hay ngâm chân, chỉ cần dùng nước ấm rửa chân là được.
Vì thời gian ngâm chân lâu khiến cho máu tập trung xuống chân mà không cung cấp đủ lên não, gây tức ngực, chóng mặt, không tốt cho sức khỏe.
Nước ngâm chân nóng cũng gây tổn thương đến da, giãn nở tĩnh mạch và khiến cho tình trạng sưng phù của mẹ bầu càng trầm trọng hơn.
Những lưu ý khi ngâm chân bằng nước nóng
Thứ nhất, trong khoảng từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm, khí huyết của kinh mạch gan thận tương đối yếu, lúc này ngâm chân nước nóng có thể cải thiện tuần hoàn máu, nuôi dưỡng nội tạng tốt hơn. Ngoài ra, ngâm chân lúc này còn có tác dụng giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Song, không nên ngâm chân ngay sau bữa ăn, vì phần lớn máu sẽ dồn về hệ tiêu hóa sau khi ăn no, lúc này ngâm chân ngay sẽ khiến máu dồn xuống hạ bộ gây khó tiêu. Nên ngâm chân sau bữa ăn từ 1 đến 2 tiếng là tốt nhất.
Thứ hai, nên kiểm soát tốt thời gian ngâm chân, không nên để quá lâu, khoảng 15 đến 30 phút là đủ, nếu thời gian ngâm chân quá lâu sẽ dễ dẫn đến lượng máu lên não không đủ, tăng gánh nặng lên tim.
Thứ ba, nhiệt độ nước ngâm chân phù hợp trong khoảng 38 - 43°C. Không quá nóng hoặc quá lạnh, có thể thêm một ít nước ấm để duy trì nhiệt độ nước thích hợp trong quá trình ngâm chân. Nhưng tuyệt đối không để nhiệt độ nước quá cao sẽ làm tổn thương bề mặt da bàn chân, khiến lớp sừng bị khô, mạch máu dễ bị giãn nở quá mức dẫn đến lượng máu cung cấp đến các cơ quan quan trọng như thận, tim, não không đủ.
Nguyễn Phượng
Nguồn: Aboluowang, Sohu
Tags