(Thethaovanhoa.vn) - Đôi chân của cầu thủ được ví như cái... nồi cơm vậy! Ở khía cạnh con người, mối quan hệ nghề nghiệp - đồng nghiệp, thì việc cố ý hay vô tình khiến đối thủ bị chấn thương nặng, bị xem là "đá bể" nồi cơm của nhau. Thế là dở rồi...
Những ngày qua, đã có quá nhiều những phân tích, đánh giá mức độ nghiêm trọng, cả những án phạt, quy trách nhiệm được đưa ra xung quanh vụ Hoàng Thịnh - Hùng Dũng. Và tất nhiên, không thiếu các đề cập liên quan đến nguồn cội, phương pháp đào tạo - huấn luyện..., mà thêm vụ Hoàng Thịnh cũng không nhiều hơn, thiếu cũng chẳng ít đi. Bóng đá Việt Nam khoảng 30 năm qua, với 20 năm ở kỷ nguyên V-League, thiếu gì bạo lực, thiếu gì các tấm gương xấu!
Bạo lực, xét về bản chất, chắc chắn là biểu hiện của kẻ yếu. Bạo lực trong bóng đá, môn thể thao nặng tính đối kháng, không chỉ là biểu hiện của kẻ dưới cơ, mà nó còn là một thể loại chiến thuật (không được khuyến khích), nhằm đạt được mục tiêu. Mục tiêu của cá nhân và của tập thể.
Ở Nghệ An, cái nôi đào tạo ra mẫu các hậu vệ đá rắn và rát (đôi khi hơn mức cần thiết), chiến thuật này thực là sở trường. Lâu ngày, vắt qua nhiều thế hệ kế thừa, nó trở thành một thuộc tính trong lối chơi của cầu thủ. Không rắn, rát, không phải xứ Nghệ và "bóng đá là môn thể thao của những người đàn ông", theo cách định nghĩa của họ. Tất nhiên, SLNA cũng có cả những "nghệ sỹ sân cỏ", để "làm thơ" với quả bóng, chứ không chỉ biết mỗi chém đinh chặt sắt.
Không biết bao lần, một cầu thủ Nghệ An "tiễn" đối thủ rời sân theo phương song song với mặt đất. Một vài trong số bị hại, không bao giờ trở lại sân cỏ nữa, số khác may mắn hơn, nhưng phải trải qua bao đau đớn, mất mát.
Vì là một môn thể thao đối kháng, nên chắc chắn cầu thủ đá bóng phải sẵn sàng với rủi ro chấn thương. Xác xuất rủi ro lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào tính chất của các trận đấu, giải đấu và nó cũng tùy thuộc vào chính ý thức hệ của cầu thủ nữa. Họ được (dạy) ý thức thế nào về nghề nghiệp, được huấn luyện đào tạo, rèn luyện, tích lũy thế nào suốt một quá trình tính bằng cả thập niên và việc làm chiến thuật chuẩn bị, gọi là tâm lý chiến... Rất nhiều yếu tố cấu thành cho hành vi.
Ngô Hoàng Thịnh (có thể) không được HLV trưởng CLB TP.HCM làm "tâm lý chiến" buộc phải triệt hạ mắt xích quan trọng bậc nhất của đối thủ (trận này là Hùng Dũng của CLB Hà Nội). Thịnh tự ý thức làm điều đó, tức là hành vi có chủ ý, có sự chuẩn bị. Và cầu thủ, từ phong trào đến chuyên nghiệp, với các trận đấu - giải đấu có tính ăn thua, đều tự ý thức điều này trước khi vào trận. Phải phong tỏa và triệt tiêu cầu thủ hay nhất cùng vị trí, hay đối thủ thường xuyên phải đối mặt, bên kia chiến tuyến. Đó là bắt buộc.
Người ta nói về thế trận, về vị trí - hướng bóng và hướng di chuyển, thời điểm Hoàng Thịnh đạp trụ của Hùng Dũng..., thật là không đáng và không cần thiết! Không ai đi làm điều không cần cả, vấn đề với Thịnh - Dũng, trước sau cũng xảy ra, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Đây không phải lần đầu tiên trong sự nghiệp, Ngô Hoàng Thịnh vào bóng bằng cả 2 chân, kiểu chân trên chân dưới, chân trước chân sau..., với đối phương. Tay áo xắn lên, quần cũng kéo cao..., lối chơi băm bổ, rắn, rát..., từ lâu đã trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc của tiền vệ này. Đó là tinh thần của chiến binh, là ý chí quyết tâm và nó cần cho đội bóng, nếu thắng, Thịnh là người hùng, nhưng... ngược lại!
Hùng Dũng không chỉ không may, khi đối đầu với Hoàng Thịnh, mà còn quá đen nữa. Pha chuyển hướng bóng của Hùng Dũng chính xác và hợp lý, nhưng anh đã không phòng bị với cú tắc trực diện và có chủ ý của Thịnh. Và thế là...
So sánh bóng đá Tây với ta, là rất khập khiễng. Nhưng nếu so sánh một tình huống cụ thể thì chẳng khác là bao! Bóng đá chỉ đẹp khi nó được những người đàn ông chơi đẹp, còn nếu cố tình "đá bể nồi cơm" của nhau thì...
CCKM
Tags