(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm trước, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã từng tổ chức cho quan chức Liên đoàn và các CLB, tham quan mô hình của J-League 1, đặng có thể áp dụng cho Việt Nam. Chúng ta thậm chí đã thuê những chuyên gian hàng đầu của bóng đá Nhật Bản và giải đấu cao nhất xứ sở mặt trời mọc, qua điều hành V-League, nhưng... chả đi đến đâu.
Không có câu trả lời rõ ràng về tính hiệu quả, và sau những cuộc bể dâu, VPF lại quay qua Hàn Quốc với K-League, thậm chí qua cả Âu châu du học, với điểm đến là Đức và Bundesliga.
Bóng đá Nhật Bản và J-League 1, được đánh giá là số 1 châu Á. Điều này không phải nghi ngờ gì sất. Kể từ năm 2013, Việt Nam cũng nhiều lần gửi cầu thủ qua Nhật, với tính chất của các gói hợp tác khác nhau, mà người trong cuộc một mực khẳng định, chúng không phải các bản hợp đồng thương mại. Từ Công Vinh, Công Phượng, đến mới nhất là Cao Văn Triền của Sài Gòn FC... Đếm nhanh cũng non chục.
Người ta không quan tâm đến tính chất của bản hợp đồng, bởi bóng đá với cầu thủ, suy cho cùng là trên sân bóng. Cầu thủ có được ra sân hay không, có khẳng định được năng lực hay không.
Về điều này, vẻ như Lê Công Vinh với Consadole Sapporo ở J-League 2 là người khá nhất, với một số các trận đấu để lại ấn tượng. Vinh từng chia sẻ, anh đã được mời gia hạn hợp đồng, nhưng từ chối, bởi khi ấy Vinh đã 29 tuổi và đang thuộc biên chế SLNA. "Nếu tôi mới chỉ 24-25, vào thời điểm CLB đề nghị gia hạn hợp đồng, tôi đã quyết định khác. Nhưng, 29 tuổi thì bắt đầu sức ì rồi và tôi tự nhận thấy, năng lực cạnh tranh đã giảm đi nhiều", Vinh nói.
Nếu Vinh và Công Phượng được xem là những cầu thủ khá nhất thế hệ của mình, mà không thể cạnh tranh suất chơi trên đất Nhật, thật khó kỳ vọng vào một ai khác. Bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ, với ngay cả xuất khẩu đi Thái Lan (Xuân Trường với Buriram United). Nói thế, không có nghĩa là chúng ta từ bỏ giấc mơ, tự triệt tiêu hy vọng và tham vọng của nền bóng đá, nhưng phải tính toán kỹ.
Về sự hợp tác toàn diện, giữa CLB Sài Gòn và FC Tokyo, và rộng hơn là với bóng đá Nhật Bản, giới thạo tin đã biết từ trước, chứ không phải đợi đến khi Cao Văn Triền được tiến cử qua đất nước mặt trời mọc, hay khi Sài Gòn FC được Nhật hóa, từ cabin BHL, chiến lược, đến cầu thủ. Đây là một hướng đi tích cực, bởi bóng đá Nhật Bản ở một đẳng cấp cao hơn chúng ta. Được làm việc với người giỏi hơn, mình cũng sẽ giỏi hơn. Hay ít nhất cũng tiến bộ hơn. Có câu, không thành công cũng thành nhân.
Sài Gòn FC mới chỉ có 5-6 năm tuổi, kể từ khi đặt chân lên V-League, thay tên đổi họ và nhập khẩu TP.HCM. Sau nhiều cuộc binh biến (có thể nói như vậy), song biểu đồ thành tích của đội bóng này khá ổn định. Và đây là một CLB giàu tham vọng.
Chỉ có điều, một mình Sài Gòn FC không thể gánh vác trọng trách của cả giải đấu (V-League) hay nền bóng đá, kể cả bóng đá TP.HCM. Tiềm lực dồi dào như CLB Hà Nội, Viettel, TP.HCM hay HAGL, thậm chí cũng không thể. HAGL từng mộng bá vương với công thức đào tạo Tây, hợp tác với Tây (Arsenal và JMG toàn cầu), nhiều lần gửi cầu thủ qua cả châu Âu, lẫn châu Á (như đã nhắc) mà còn chưa ăn thua. Nói chung, chẳng có sẵn con đường nào cả, đi nhiều mà thành thôi.
Trở lại với vấn đề của Sài Gòn FC và kế hoạch hợp tác vĩ mô của họ, với các đối tác Nhật Bản. HLV trưởng người Nhật của đội bóng này tuyên bố, thành tích chỉ là yếu tố thứ 5 được xét tới trong những năm đầu, và đó là một nhận định đúng đắn. Nó cũng khác với những gì người tiền nhiệm Vũ Tiến Thành từng bao lần vỗ ngực trước đây. Làm bóng đá không thể ăn xổi ở thì được, mà phải có chiến lược bài bản.
Hiện, chân rết đào tạo của Sài Gòn FC vẻ như đã ổn, sau khi mua lại PVF, cũng như bắt tay với Tokyo FC. Và đây mới chính là điều cần quan tâm. Nếu như chăm sóc khâu đào tạo tốt, thì thành tích ở tầm cao chỉ là sớm muộn. Và những điển hình tiên tiến được gửi đi như Cao Văn Triền, từ đó cũng xuất hiện nhiều hơn.
Dẫu sao vẫn chờ đợi và hy vọng vào một cuộc cách mạng mang tên Sài Gòn FC.
CCKM
Tags