(Thethaovanhoa.vn) - Một đoạn clip ngắn được ghi lại ở Lạch Tray, trước trận tiếp Đông Á Thanh Hoá hôm Chủ nhật vừa rồi, thực sự khiến nguời xem và nguời nghe phải nổi da gà.
Màn hợp xướng “Bến Cảng quê hương tôi” vang lên rung động cả khán đài B sân Lạch Tray, với sắc đỏ trắng (màu áo truyền thống của Hải Phòng và CĐV đội bóng xứ hoa Phượng), kèm theo đó là hàng ngàn quả bóng bay được thả rợp trời. Đoạn clip chỉ dài hơn 1 phút, nhưng đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi, nói lên điều gì?
Lạch Tray thực sự đã trở lại, như vùng thiêng và như kinh đô bóng đá thực sự của V-League, hệt như giai đoạn hoàng kim khi Hải Phòng còn ghép tên Xi-măng (2008-2010). So với Thiên Trường của Nam Định suốt 3-4 năm qua, Lạch Tray còn dữ dội hơn nhiều.
Hơn 10 năm trước, chứng kiến bầu không khí cổ động sôi sục ở Lạch Tray, Chủ tịch VFF khi ấy là ông Nguyễn Trọng Hỷ đã phải thốt lên rằng: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không”. Thực ý của người đứng đầu Liên đoàn và đứng đầu giải đấu quốc nội khi ấy chỉ là tự hào về một V-League mà cá nhân ông cho rằng hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Nhưng, CĐV Hải Phòng đã chế tác lại câu phát biểu này với mục đích châm biếm và ngoài ra còn dịch VFF = Vietnam Football Funny. Đến chịu sự sáng tạo của người Hải Phòng vốn ăn sóng nói gió.
Trở lại với sự kiện 10 năm có một, rợp trời cờ hoa ở trận tiếp Đông Á Thanh Hoá, vòng 3, V-League 2022. Sau trận đấu này, lãnh đạo Hải Phòng đã đề đơn kiến nghị lên VFF và VPF, cho phép các đội bóng đến thi đấu ở Lạch Tray và CĐV của họ được hát Quốc ca, như một nghi thức chính thức trước khi trận đấu diễn ra.
Ý nguyện của người Hải Phòng không sai, bởi nói gì thì nói, cử Quốc ca trước các cuộc đấu thể thao sẽ làm tăng sĩ khí và tinh thần của VĐV lẫn khán giả. Nhưng, đấy thường là nghi thức dành cho các ĐTQG hay VĐV đại diện ĐTQG khi vinh danh trên bục cao nhất nhận huy chương các kỳ Đại hội. Trong khuôn khổ một trận đấu hay giải đấu bóng đá, người ta có thể lược bỏ hoặc thêm vào nghi thức này, tùy theo Điều lệ giải quy định hay hướng dẫn trước đó. Suy cho cùng, điều gì thấy hợp lý và cần thiết thì làm, không nên quá cứng nhắc trong xử lý.
Việc khán giả và CĐV trở lại sân khấu quốc nội mang ý nghĩa lớn hơn nhiều so với những tiểu tiết không đáng tranh biện ở đây. Khán giả chính là sẽ giúp cho đội bóng, cho giải đấu thu hút được nguồn lực đầu tư. Và khán giả chính là lời giải hoàn hảo cho sự hấp dẫn của bóng đá, quyết định thành bại của bóng đá. Vẫn có ví von rằng, một sản phẩm bóng đá được đo bằng cái khe cửa của SVĐ, rằng vé có được bán hết ra hay chỉ là khán đài trống, thiếu chỗ ngồi mà thừa chỗ nằm.
Các năm trước, sân Cẩm Phả luôn về nhất trong các trận đấu trên sân nhà của Than Quảng Ninh, ấy vậy mà đội bóng vùng Mỏ vẫn bị xoá sổ, là do đâu? Chính là do cách làm bóng đá ăn sổi ở thì vậy. Trước đó nữa, SLNA và Thanh Hoá cũng là các CLB có lượng CĐV khổng lồ, nguồn tài nguyên tưởng như bất tận. Sau một khoảng thời gian tản mát, giờ họ mới rục rịch quay lại. Ổn định nhất có lẽ vẫn là Lạch Tray và Thiên Trường.
Như đã phân tích ở trên, nếu khán giả và CĐV quyết sự thành/bại, hưng/suy của bóng đá, của giải đấu, nghĩa là CLB và BTC giải đấu phải chăm sóc lấy họ. Chăm, cấy và thậm chí nuôi khán giả, tức là nuôi cơ thể nền bóng đá vậy. Bóng đá mà thiếu khán giả, sẽ chết dần, chết mòn mà thôi.
Ở các nền bóng đá phát triển, các giải đấu và các CLB hàng đầu, CĐV có tiếng nói rất trọng lượng. Vì lý do gì khiến CĐV tẩy chay, quay lưng với đội bóng, với giải đấu, với các khán đài, thì đấy cũng là sai về quy cách, cách làm bóng đá. Khán giả không phải HLV hay cầu thủ đặng có thể đi thuê, đi mướn mà thành được.
Chăm lấy người hâm mộ chính là chăm lấy phần gốc và cả phần ngọn vậy.
CCKM
Tags