(Thethaovanhoa.vn) - Ban đầu chỉ là những cánh tay nhỏ lẻ đưa lên, sau là cả phong trào. Hệ thống các giải quốc gia và cả các kế hoạch tập trung ĐTQG đã và đang "đóng băng" từ nhiều tuần qua khi Covid-19 trở lại với diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn hiện diện theo cách thức còn nhân văn hơn, đáng khích lệ hơn, so với việc thi thố…
Từ những đương thời như Văn Hậu, Văn Toàn, Thanh Thịnh, Hà Đức Chinh…, cho đến những cựu trào như Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Việt Thắng…, đều đã rất tích cực trong các hoạt động quyên góp, gây quỹ ủng hộ chiến dịch chống và dập dịch Covid-19 tại Việt Nam. Người bán kỷ vật, người góp 5 chục - một trăm... Trách nhiệm cộng đồng là nghĩa như vậy.
“Tôi không cần các bạn “like” hay “thả tim” trên các bài này, chúng tôi cần những hành động thiết thực của các bạn”, đấy là kêu gọi của anh Nguyễn Đắc Văn, một Việt kiều hiện đang sinh sống tại Đức, người được cho là đại diện của Quang Hải, Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu và cả anh em nhà Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng… Từ Bình Dương, Trần Hữu Đông Triều cũng hành động.
Bằng với mối quan hệ và uy tín của mình, anh Văn kêu gọi thêm cả các cựu danh thủ Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Việt Thắng, hay người em trong “ngành” (quản lý – môi giới cầu thủ) Đặng Hoàng Dương, các phóng viên – nhà báo thể thao…, cùng chung tay. Ban đầu là Đà Nẵng, kế đến là Quảng Nam, những nơi được cho là tâm dịch Covid-19 đợt 2 và cả Hải Dương nữa.
Những chiếc áo đấu hay các tấm huy chương thậm chí đã nhuốm màu thời gian đến hơn 2 thập niên như của Vũ Minh Hiếu, một chiến sỹ công an hay từ AFF Suzuki Cup 2008 của Nguyễn Việt Thắng (trợ lý HLV CLB SHB Đà Nẵng), vốn được xem như những kỷ vật, thì họ cũng cho đi. Đơn giản, bởi cái sự cho đi ấy mang lại lợi ích xã hội. Phải, ai đã nói cho đi là còn mãi đấy sao?
Người xưa có câu: “Nhà nghèo sinh con hiếu, hoạn nạn có tôi trung”. Không ai mong mỏi điều xấu nhất, song thi thoảng điều xấu ấy vẫn xảy ra với bất cứ ai trong số chúng ta, thậm chí với cả cộng đồng – xã hội. Và cũng không cần phải đợi đến hoạn nạn, người ta mới hành động, nhưng thật đúng là trong gian khó mới tỏ được những tấm lòng.
Từ khoảng 20 năm nay, với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp mở ra ở Việt Nam, giới quần đùi áo số, HLV và những người hoạt động trong địa hạt này, đã bắt đầu có một cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tinh thần, hay sự an ủi, đấy là tình yêu, lòng mến mộ của khán giả; còn tiền bạc, cũng có thể nói là có chút dư giả, một số thậm chí còn trở nên giàu có. Đấy là điều đáng mừng!
Và, họ cũng bắt đầu ý thức hoặc được ý thức trách nhiệm xã hội cao hơn. Là trách nhiệm, là nghĩa vụ, chứ không phải "làm màu". Cầu thủ và cả đội bóng tìm đến cô nhi viện, mái ấm tình thương, đến với người già neo đơn, bệnh tật, thiên tai và dịch họa nhiều hơn. Những cách hành xử của bóng đá văn minh, theo chuẩn mực, là như vậy. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng phần mình.
Trở lại với những hoạt động quyên góp, gây quỹ cho các chiến dịch chống dịch Covid-19 thời gian gần đây, rõ ràng, vai trò của những người phát động là rất quan trọng. Họ như hoa tiêu, như người dẫn lối vậy. Không ai mang sẵn thiên chức này kể từ khi sinh ra, song trong một số tình huống cụ thể, họ là những người được chọn, với lối nghĩ cần phải làm điều gì đó cho xã hội.
Tuổi nhỏ làm việc bé, cứ tâm niệm thế, với nhiều cánh tay đưa lên sẽ làm được việc lớn. Nó cũng giống như đốm lửa nhỏ vậy, với hiệu ứng tích cực được thổi vào, sẽ lan tỏa. Điều quan trọng, cả người cho và nhận đều cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng, chứ không phải để phục vụ mục tiêu cá nhân nào. Giá trị cốt lõi trong các việc thiện từ tâm luôn được ghi nhận, một cách âm thầm!
CCKM
Tags