(Thethaovanhoa.vn) - Người viết không bao giờ có ý so sánh, bởi mọi so sánh đều khập khiễng, giữa bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp cần cả ngàn tỷ đồng (thậm chí hơn), trong khi bóng đá phong trào (còn gọi là phủi), làm vì đam mê là chính. Không đo bằng tiền và tiền cũng không đo được.
V-League 2019 đã khép lại, hơi nhạt, tuy nhiên, chức vô địch của CLB Hà Nội là tuyệt đối, là thuyết phục. Nhưng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì vẫn còn tiếp diễn, mà cụ thể là Cúp quốc gia, với những trận bán kết sẽ chỉ diễn ra vào cuối tuần này.
Hôm qua (24/10), giải bóng đá các đội mạnh Thiên Long lần thứ 5 tiến hành bốc thăm chia bảng. Đây là giải đấu ngoài chuyên nghiệp, nhưng tham dự sân chơi này là những ai và những đội nào? Liên quân An Biên - Phù Đổng, vừa đá giải hạng Nhất quốc gia 2019, Hoàng Sang Quận 5, Lộc Sport, GM Holdings, African Team... HLV và cầu thủ của các đội bóng này là ai? Là Nguyễn Trung Kiên, Đoàn Hoàng Sơn, Ngũ Chí Thắng... Cầu thủ chuyên thì nhiều vô kể...
Và, nhà tổ chức chỉ cần 700 triệu đồng để hoàn thành mọi công việc. Sân chơi sau chuyên nghiệp và sau hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam kết thúc nhằm giúp cho các cầu thủ chuyên nghiệp duy trì phong độ, thể lực và cảm giác bóng. Với phong trào, nó tạo bệ phóng cho sân chuyên, duy trì đời sống bóng đá. Hỏi có ích không!
Công ty Thể thao Thiên Long và Công ty Bóng đá Việt (VietFootball), nhiều năm qua đã và đang chịu trách nhiệm tổ chức cuộc chơi cho sới phủi. Và họ đam mê. Không đam mê thì không theo đuổi được.
Năm nay, hệ thống giải bóng đá 7 người toàn quốc ra đời, với nhà tài trợ Huyndai - Tập đoàn TC Motors, song trên thực tế tất cả đều hiểu rằng, nó vẫn là hệ thống giải sân 7 do VietFootball tổ chức bao năm nay. Người ta phải nâng cấp giải đấu và nâng tầm cuộc chơi. Và ngoài ra, nhà tổ chức giải bóng đá phong trào hay chuyên nghiệp, phải thuận theo yêu cầu của nhà tài trợ. Có tài trợ, bóng đá mới sống được và ngược lại.
Cựu danh thủ Lê Công Vinh từng nói một câu rất hay, bóng đá cần khán giả, mà muốn có khán giả thì phải đá tử tế. Từ khán giả mới ra nhà tài trợ, và đấy là mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ. Thiếu một trong những khâu này đều không thể cấu thành bóng đá.
Các trận đấu của HPL và SPL thu hút hàng ngàn khán giả. Đấy là niềm hạnh phúc, niềm vui của nhà tổ chức. Nhưng tất cả đều không tự nhiên tới. Nó là sự gầy dựng và đổi lại bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả tiền bạc. Phải trân trọng vì tất cả những điều đó.
Ít ngày nữa Ahn Jung Hwan sẽ đến Việt Nam, nhưng ai là người đưa ngôi sao Hàn Quốc tới? Xin trả lời, đó là VietFootball, một công ty bóng đá phong trào. Tháng 1/2020, VietFootball và Thiên Long sẽ tổ chức giải bóng đá quốc tế, với sự tham dự của HAGL, Hà Nội, Than Quảng Ninh, Nam Định, Sài Gòn, TP.HCM, Cảng Thái, đại diện hạng Nhì của Bồ Đào Nha... Đấy sẽ là ngày hội.
Thôi thì bóng đá, hãy cứ làm bằng đam mê, rồi thành phẩm hay thành quả, từ từ sẽ về. Đừng làm bóng đá vì tiền, hoặc xuất phát vì tiền, mất hay!
Tùy Phong
Tags