"Bố tôi là nông dân. Bố dành cả đời để trồng táo, nhưng tôi lại chưa từng được ăn quả táo nào của ông trồng cả". Đấy là một câu trong bài "diễn văn" đẫm nước mắt của cô con gái nhỏ đầu lòng nhà Kimura, trên giảng đường. Và câu chuyện "Quả táo thần kỳ" của Kimura, hẳn các bạn đã từng đọc sách hoặc xem qua phim.
Sau hơn 10 năm "vọc" cây táo và đất, để hiểu một cách tường tận thuộc tính của chúng, thử nghiệm đến mùa thứ 11 tán gia bại sản..., Kimura mới lần đầu gặt hái thành quả.
1. Nếu không đọc hoặc chưa từng xem, có lẽ chúng ta sẽ không cảm nhận được những khó khăn, tủi hổ mà Kimura phải trải qua. Kimura có thật và nhắc đến nông dân Nhật Bản, là nhắc ông và ngược lại: Một biểu tượng của sự cần mẫn - chịu khó của con người và của cả đất nước Nhật Bản.
Dù được bố vợ coi như con đẻ, sẵn sàng dồn hết đồng tiền tiết kiệm cuối cùng của mình dành dụm từ thời chiến và cả gia sản (vườn táo) cho con rể thí nghiệm; được vợ hiền hết mực yêu thương, sẻ chia, cùng 3 cô con gái tuyệt vời bên cạnh vỗ về..., Kimura đã vẫn có ý định quyên sinh và thực tế anh đã tìm đến cái chết. Sự ngu ngốc của Kimura, đúng là đã đẩy anh và gia đình mình đến vực thẳm.
Nhưng Kimura không chết và đó là vấn đề. "Cái tâm và kỹ thuật tạo nên sự chuyên nghiệp", sau bao năm vật lộn với cây táo và quả táo, Kimura đúc kết. "Có lẽ sự ngu ngốc của tôi đã khiến những cây táo mang lòng trắc ẩn. Một số cây khác không ra hoa, là do tôi không thường xuyên nói chuyện với chúng. Tôi cảm thấy có lỗi", với Kimura, mỗi cây táo là một thân phận con người. Anh yêu vườn táo, bởi anh yêu vợ mình.
Các bài học về tinh thần Nhật Bản đầy trên các trang sách, thước phim từ trước thời công nghệ đến lúc này mạng xã hội, có mà nhan nhản. Thế giới cảm phục và chúng ta cũng ngả mũ, nhưng phần lớn không thể áp dụng cho cuộc sống của mình. Đơn giản, bởi sự biếng nhác, sợ hãi, sợ những rào cản vô và hữu hình, không dám đánh đổi hay đôi khi chỉ là rời vùng an toàn...
2. Câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura, hay sự vươn lên của con người, đất nước Nhật Bản, suy ra, thuộc tính của bóng đá xứ sở mặt trời mọc, cũng không phải ngoại lệ. Nó cũng nằm trong hệ quy chiếu ấy và chỉ trong vòng 30 năm, Nhật Bản thực sự đã lọt vào Top 10-15 ĐTQG mạnh nhất thế giới. Họ vừa trải qua chuỗi 10 trận toàn thắng, trong đó, bại quân có cả đội tuyển Đức.
Năm 1992 (ngay trong năm mà Nhật Bản lần đầu tiên lên ngôi ở giải châu Á Asian Cup), Liên đoàn bóng đá Nhật Bản quyết định cho ra đời giải J-League 1, để thay thế cho hệ thống thi đấu cũ, vốn quá trì trệ và lạc hậu. J-League 1 chào đón hàng loạt các ngôi sao làng túc cầu thế giới, vốn đã qua thời đỉnh cao, đặng làm bàn đạp. Trước đó, họ cũng đã gửi hàng loạt cầu thủ trẻ sang Brazil học bóng đá, cho một chiến lược mang tính dài hơi. Nhật Bản muốn chơi thứ bóng đá của Brazil, một ý niệm có thể nói là hoang tưởng vào thời điểm đó. Và chuyện sau đó, chúng ta hay gọi là lịch sử.
Chỉ 6 năm sau khi J-League 1 ra đời, Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử, giành vé dự VCK FIFA World Cup 98 bằng cửa chính. Từ đó đến nay, họ chưa bao giờ vắng mặt tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong khoảng thời gian này, họ có thêm 3 chức vô địch châu Á, nâng tổng số lần đăng quang là 4 và trở thành đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử các VCK AFC Asian Cup.
Nhật Bản sẽ là đối thủ đầu tiên của Việt Nam tại AFC Asian Cup Qatar 2023. Đừng luận thắng thua mất thời gian, mà hãy chịu khó quan sát, đặng có thể học hỏi họ được những gì mới quan trọng.
Tags