Thông tin Lee Nguyễn trở lại khoác áo CLB TP.HCM ở tuổi 35 được lãnh đạo đội bóng xác nhận. Tuy nhiên, bản thân HLV Trần Minh Chiến dường như không được thông báo trước, trước khi cầu thủ Việt kiều Mỹ xuất hiện tại đội bóng.
Thực ra, điều này không mấy lạ lẫm tại CLB TP.HCM, bởi ký với ai, như thế nào là chuyện của “tuyển trạch viên”, còn có “gột nên hồ” hay không lại là việc khác.
Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi sẽ không bàn sâu đến việc nội bộ của CLB TP.HCM, bởi nó đồng thời cũng là bản chất của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, vốn đã tồn tại từ hơn 20 năm qua. Cầu thủ (ngôi sao) là trang sức của các ông bầu, chứ không chắc đã là nguyện vọng chuyên môn của HLV.
Vắt qua hơn 20 năm tuổi, V-League dường như vẫn chưa thể tự cường, dù rằng ở mức độ tương đối. Bản thân HAGL, vốn vẫn được cho là thừa mứa sao nội, kể từ sau khi lứa Công Phượng xuất xưởng năm 2014, đến mùa giải 2020, cũng đã phải thay đổi chiến lược, bằng việc quay lại với chất xám ngoại. Bắt đầu từ HLV Kiatisuk, cho đến đội ngũ ngoại binh trong đội hình. Hà Nội, Viettel là những viện dẫn khác...
Trước Lee Nguyễn, Fagan cũng đã gia nhập Nam Định ở tuổi “băm”, Đỗ Merlo gần 40 tuổi vẫn là chân sút chủ lực của CLB Sài Gòn, Kizito với cái tên Việt hóa là Trần Trung Hiếu đeo băng đội trưởng tại Nam Định, thêm Hoàng Vũ Samson của CLB TP.HCM, nghe đâu Kesley Huỳnh Alves cũng sẵn sàng lâm trận trở lại ở tuổi 41...
Đó đều là những cầu thủ từng chơi rất hay, một vài người thậm chí được liệt vào hàng huyền thoại V-League, ví như Samson hay Merlo. Ở thời của họ, khó ai có thể bì được. Nhưng hiện tại, sức ì tuổi tác cùng những ca chấn thương, đã khiến họ không còn là chính mình.
Vậy thì tại sao và như thế nào, số này vẫn còn đất diễn ở V-League?! Nó bao gồm cả Lee Nguyễn, bởi ngay trong thời đỉnh cao (2009-2012), Lee cũng từng không thành công ở cả HAGL lẫn B.Bình Dương, chứ đừng nói bây giờ.
Dịch Covid-19 chỉ là cái cớ khiến làng túc cầu không có nhiều sự lựa chọn, bởi các giải đấu hàng đầu như J-League, K-League hay Thai Premier League... vẫn nườm nượp sao ngoại đấy thôi. Sức hút của giải đấu và túi tiền của các ông bầu đã giảm nhiệt, đó mới là căn nguyên khiến V-League chỉ còn lại ngoại binh kém chất lượng, thậm chí dùng lại “đồ cũ” của chính mình.
Một căn nguyên khác, đấy là sự lũng đoạn, thao túng, đi đêm của các tay cò cầu thủ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà môi giới và tệ hơn là, thay vì qua “cửa” HLV trưởng, thì họ tới thẳng phòng của các Chủ tịch CLB, thông qua trung gian là chính thành viên BHL, vốn dĩ cũng làm cò, mà thông thường là các trợ lý ngôn ngữ. Tỷ lệ ăn chia cũng được quy định rất rõ ràng.
Trong rất nhiều khâu trước khi có một bản hợp đồng với ngoại binh, thì thẩm định chất lượng hàng, tức đầu vào, chính là khâu quan trọng nhất và cũng là yếu nhất của các CLB V-League. Quá thiếu kênh kiểm chứng và đối tác uy tín ở nước ngoài. Thế mới có chuyện cũ người mới ta, dùng lại hàng cũ cho chắc.
Hôm rồi, người viết vô tình gặp lại Dos Claudecir, chân sút số 1 của Quảng Nam ở mùa giải V-League 2017, giải đấu mà đội bóng đất Quảng đã bất ngờ đăng quang, trong một trận bóng phủi gây quỹ thiện nguyện cho một ngoại binh khác là Tshamala Kabanga, ở Hóc Môn, TP.HCM. Thật khó hình dung được là Ngoại binh xuất sắc nhất V-League 2017 này đang thất nghiệp. Claudecir nói, anh vẫn đang đợi một lời mời từ các CLB V-League và sẵn sàng nhập tịch để được chơi bóng như một nội binh.
Việc nhập tịch cầu thủ người nước ngoài lúc này đã lỗi mốt rồi, nhưng vẫn là “yếu trâu hơn khỏe bò”. Giai đoạn cực thịnh của cả ngoại binh, lẫn Tây nhập tịch (2008-2015), vốn dĩ đã khép lại gần chục năm nay rồi cơ mà nhỉ?!
Nhưng, chừng nào V-League còn đất diễn cho ngoại binh loại 2, chừng ấy tất cả đều còn hy vọng, bao gồm không chỉ Claudicir, mà cả nhóm cầu thủ Tây balo ở khu Phạm Ngũ Lão. Chúng ta đã từng tốn rất nhiều ngoại tệ cho đội ngũ cầu thủ ngoại, nhưng đổi lại, chỉ là những hệ lụy, thay vì giải đấu được nâng cấp. Chua chát thay!
CCKM
Tags