(Thethaovanhoa.vn) - Trước lượt trận cuối V-League 2012, CLB Hà Nội (với phiên hiệu khi ấy là Hà Nội T&T) đứng đầu bảng, với 46 điểm; xếp sau lần lượt là Sài Gòn Xuân Thành và SHB Đà Nẵng (cùng 45 điểm). Về lý mà nói, đại diện bóng đá Thủ đô hoàn toàn giành quyền tự quyết chức vô địch. Nhưng, thực tế đã diễn ra như thế nào?
Trên sân Thống Nhất, tự biết liệu sức mình không thể đả bại Sài Gòn Xuân Thành, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã chơi tử thủ, thứ bóng đá khá xa lạ với họ kể từ khi bước lên sàn diễn V-League 2009 đến thời điểm đó. Trận đấu một chiều hôm ấy kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi. Cùng giờ tại Hoa Lư, SHB Đà Nẵng không mất quá nhiều mồ hôi, để thắng V.Ninh Bình 3-1, qua đó đăng quang với 1 điểm nhiều hơn Hà Nội và 2 điểm nhiều hơn Sài Gòn.
Người của Sài Gòn Xuân Thành rất cay, nhưng không làm gì được, bởi họ đã không thể có trọn 3 điểm để lên ngôi, mà không cần bận tâm đến trận cầu ở Hoa Lư. Và họ dồn tất cả sự giận dữ vào trận chung kết Cúp quốc gia sau đó ít ngày, đả bại chính CLB Hà Nội T&T 4-1, trên sân Chi Lăng. Một năm sau, bầu Thụy của Sài Gòn Xuân Thành quyết định bỏ giải trước 2 lượt trận cuối V-League 2013, đồng thời xóa sổ đội bóng luôn. Lý do, hẳn ai cũng biết...
Nỗi ám ảnh hay ít nhất là tình huống vẻ như đang lặp lại, với V-League 2020. CLB Hà Nội (36 điểm) và Viettel (38 điểm) sẽ tranh nhau chức vô địch, nhưng vai trò của Sài Gòn FC và Than Quảng Ninh lại được bàn đến nhiều hơn. Về lý thuyết (lại là lý thuyết), Viettel đang nắm lợi thế rõ rệt với 2 điểm nhiều hơn và nắm quyền quyết định cuộc chơi. Nhưng, đối thủ của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng ở sân Thống Nhất lượt trận cuối là Sài Gòn, đội bóng có phát tích từ Hà Nội và năm ngoái, bầu Hiển vẫn còn rót tiền vào.
Sài Gòn FC vừa thua CLB Hà Nội 2-4, trong một trận đấu có chất lượng, dù đánh mất cơ hội vô địch nhưng vẫn kịp khẳng định tinh-thần-thượng-võ. HLV kiêm Chủ tịch đội bóng, Vũ Tiến Thành, cũng khẳng định, sẽ chơi sống mái với Viettel, trước là vì mình, sau là "vì bóng đá Việt Nam". Trong khi đó, 3 điểm cho Hà Nội ở Cẩm Phả được cho là "vật trong túi".
Cái gì cũng có lịch sử của nó và lịch sử là không thể "biên tập" được. Không có bầu Hiển và túi tiền không đáy của ông, cùng cánh tay nối dài của ông, liệu có CLB Sài Gòn như lúc này không? Chắc chắn không. Không có những biến cố, liệu "ê-kíp" Vũ Tiến Thành - Đặng Hoàng, có ngày hôm nay không? Cũng không nốt, hay ít nhất là chưa. Và ơn nghĩa là thứ phải khắc cốt ghi tâm. Ơn nghĩa trong bóng đá, dù chỉ là lĩnh vực vui chơi, cũng vậy thôi.
Cũng tựa như người tiền nhiệm ở đội bóng này, cựu Chủ tịch Trần Tiến Đại, Vũ Tiến Thành rất giỏi hùng biện, nhưng mạnh hơn và bạo hơn, dám nói, dám đề cập trực diện, tựa như chính cái tên của ông vậy. Tất nhiên, CLB Sài Gòn sẽ tiếp tục chiến đấu như 19 trận đấu mà họ đã chiến đấu, để có được cảm tình của người hâm mộ và có được vị thế xứng đáng như hiện tại, như lời ông Thành tuyên bố.
Cuộc đời vay trả, trả vay, lẽ nào vay mà không trả, sống để cho đâu chỉ nhận riêng mình. Đôi khi không vay, vẫn trả, không nợ, cũng cho đi. Ý này được dùng nhiều hơn trong bóng đá, từ bóng đá phủi, đến sới chuyên. Đấy là nhiều tuần qua, tất cả chúng ta đều đã thấy rất nhiều các hoạt động bóng đá gây quỹ thiện nguyện hướng về khúc ruột miền Trung. Họ đâu có vay, nhưng vẫn có nghĩa vụ trả đấy thôi, bởi đó là nghĩa vụ công dân, trách nhiệm đồng bào. Chỉ là cái sự vay/trả trong các hoạt động bóng đá hướng thiện không toan tính như được mất của bóng đá chuyên nghiệp.
30 chưa phải là Tết. Dù chức vô địch V-League 2020 thuộc về ai, thì ngay sau mùa giải đầy biến cố này khép lại, tại TP.HCM, sẽ vẫn tề tựu rất nhiều sao số cho các trận cầu thiện nguyện được tổ chức bởi những con người giàu lòng trắc ẩn. Ở Trung tâm Thể thao Công an TP.HCM, trận đấu Liên quân GM Hondings/Kita Group vs FC81+ đã chắc chắn được 1 tỷ đồng cho đồng bào rồi đấy! Bóng đá chuyên nghiệp đã hành động chưa, hay còn mải toan tính chuyện ngôi vương.
Tùy Phong
Tags