... Đến chiến thắng lịch sử 2-1 của Hà Nội trước các đại diện của Nhật Bản là quãng thời gian cách nhau đúng 17 năm. Ngày 22/03/2006, đương kim á quân V-League Đà Nẵng ra quân ở lượt trận thứ 2 bảng E AFC Champions League và đối thủ của họ là Gamba Osaka (Nhật Bản). Không ai ngờ, đó là bắt đầu của nỗi ám ảnh và là thất bại đáng xấu hổ bậc nhất lịch sử nền bóng đá cấp CLB.
Tuyển thủ quốc gia Nhật Bản, Yasuhito Endo, bắt đầu gieo rắc nỗi sầu thảm ngay từ phút 15 với bàn thắng mở điểm cho Gamba Osaka trên chấm phạt đền. Và cứ trung bình hơn 5,3 phút, đội chủ nhà lại sút tung lưới thủ thành Võ Văn Hạnh một lần, để rồi khép lại trận đấu với tỷ số 15-0.
Khi được gợi lại trận cầu thảm bại ấy, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. "Cái lạnh ở Osaka khiến toàn bộ chúng tôi cứng đơ chân lại. Gần như không thể chạy và không thể thở. Dẫu vậy, chúng tôi không đáng bị thua thảm như thế, nếu đội bóng đồng lòng và chiến đấu", Mạnh Dũng nhớ lại.
Đội hình của Đà Nẵng khi ấy rất mạnh, với Võ Văn Hạnh trong khung gỗ, hậu vệ Việt kiều Mã Trí (Ludovic), Phạm Minh Đức, Hùng Dũng, Mạnh Dũng; tiền vệ Bình Minh (Quang Cường 81'), Thành Thông, Hồng Minh, Quang Tuấn; tiền đạo Văn Hùng, Nuro Amiro (Huỳnh Đức 46')...
Trong đó, Văn Hạnh, Mạnh Dũng và Minh Đức đều từng có kinh nghiệm chinh chiến đấu trường châu lục trong màu áo HAGL. Hùng Dũng, Hồng Minh đang là đương kim tuyển thủ quốc gia, còn Giang Thành Thông, Quang Tuấn và Lê Huỳnh Đức thì khỏi phải bàn rồi.
Một năm trước đó, Bình Định từng để thua Busan (Hàn Quốc) 0-8, cũng tại AFC Champions League. Nam Định từng thua Krung Thai Bank tỷ số 1-9 hay ACB Hà Nội thua Kedah (Malaysia) 0-7 ở AFC Cup 2009... Nhưng, cho đến tận bây giờ, tức là hơn 30 năm sau hội nhập trở lại và với hơn 2 thập niên ở kỷ nguyên V-League, thất bại 0-15 của Đà Nẵng năm ấy vẫn là trận thua đậm nhất của các đại diện Việt Nam tại đấu trường châu lục.
Bóng đá vốn dĩ không tồn tại khái niệm bất chiến mà thành. Trái lại, bóng đá cần sự tích lũy, nâng cấp từng ngày, với một lộ trình - chiến lược bài bản, mới có thể hy vọng.
20 năm đổ về trước, ở cấp độ ĐTQG, chúng ta cũng từng chịu nỗi ám ảnh thua trắng (hay nói thẳng ra là thua 0-3 trở lên) mỗi khi đối đầu với Thái Lan. Thực tế ở một vài thời điểm, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội chiến thắng, nhưng do chúng ta không thể chiến thắng nỗi sợ hãi ấy, hoặc vì lý do bên lề nào đó. Dù đã từng thắng Thái Lan chung cuộc, qua 2 trận chung kết AFF Cup 2008, nhưng cũng phải đợi đến 5 năm gần đây, dưới thời HLV Park Hang Seo, tâm lý e ngại trước Thái Lan mới vơi đi phần nào.
Bước qua cái bóng của người Thái, chúng ta cũng không còn sợ hãi trước các đối thủ ở tầm cao hơn. Suất chơi tứ kết AFC Asian Cup 2019 và việc lọt vào đến Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á... là những viện dẫn cho lập luận ấy.
Trở lại với trận thắng 2-1 rất hay của Hà Nội FC trước ĐKVĐ Urawa Red Diamonds ở lượt trận cuối bảng J, AFC Champions League mới đây. Nhiều người gọi đó là chiến thắng lịch sử của Tuấn Hải, Văn Hoàng và các đồng đội trên sân Mỹ Đình là chưa hết nghĩa. Đó là cột mốc, là lịch sử của nền bóng đá cấp CLB sau các cột mốc khác mà chính Hà Nội FC từng tạo dựng ở AFC Cup 2019 hay B.Bình Dương từng xác lập ở đấu trường này năm 2009.
Đây là AFC Champions League, giải đấu cao nhất châu lục dành cho CLB và đối thủ của Hà Nội FC là đội đương kim giữ Cúp, đại diện đến từ nền bóng đá số 1 châu Á, Nhật Bản. Chiến thắng đầu tiên và duy nhất của một đội bóng Việt Nam trước Nhật Bản này sẽ còn được nhắc lại rất nhiều lần khác.
Tham vọng bơi ra và muốn khẳng định tầm vóc ở đấu trường châu lục của Hà Nội FC là có cơ sở. Hãy tin rằng chúng ta có thể, bóng đá Việt Nam có thể!
Tags