Người quan sát: Từ Quảng Châu đến Hàng Châu

Thứ Sáu, 22/09/2023 08:21 GMT+7

Google News

Trong 13 năm, tương ứng với ít nhất 4 kỳ Asian Games (ASIAD), Trung Quốc đã 2 lần là chủ nhà. Sức mạnh của cường quốc thể thao (với ít nhất các bộ môn Olympic) hàng đầu thế giới này là không phải bàn cãi. Thế còn chúng ta và đội tuyển Olympic Việt Nam, trong quá khứ và hiện tại, thì sao?

1. Năm 2010, khi ASIAD 16 được tổ chức ở Quảng Châu, Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của quyền HLV trưởng Phan Thanh Hùng, đã bất ngờ giành vé vào vòng 1/8, với tư cách là một trong những đội thứ 3 có thành tích tốt nhất. Cho đến khi "phù thủy" Henrique Calisto bay tới Quảng Châu thì... đội bóng phải dừng chân ở vòng 1/8 khi thua Triều Tiên 0-2.

Giải thích cho thất bại trước Triều Tiên, quyền HLV trưởng Phan Thanh Hùng chỉ vắn tắt, các cầu thủ đã không vượt qua được sức ép, bằng chứng là đã có 2 chiếc thẻ đỏ cho Olympic Việt Nam (trong đó có cú song phi nổi tiếng toàn cầu của hậu vệ Chu Ngọc Anh nhằm vào đối thủ).

Trong liên tiếp 2 năm 2009-2010, bóng đá Việt Nam mất cả chì lẫn chài, khi vuột mất chiếc HCV SEA Games 25, đồng thời không thể bảo vệ ngôi vương Đông Nam Á (thua Malaysia ở bán kết). Bầu không khí xám xịt, đầy nghi kỵ phủ lên các ĐTQG. HLV Calisto dứt áo ra đi, khi cảm nhận được những tồn tại không thể giải quyết.

2. Những ngày vừa qua, người hâm mộ bóng đá thấp thoáng thấy HLV người Bồ Đào Nha trở lại Việt Nam. Nhân diện của "phù thủy râu kẽm" đã khác trước nhiều, khi râu tóc của ông gần như bạc trắng. Lần này ông quay lại, không phải để lần thứ 3 ngồi chiếc ghế nóng, mà là tận hưởng bữa tiệc "Bóng đá Việt - Kiệt tác số" (sẽ diễn ra trên SVĐ Thống Nhất chiều 24/9 tới), với ít nhất 2 thế hệ học trò của mình: Một là thế hệ đoạt HCĐ Tiger Cup 2002 và kế là lứa 2008-2010 như đã nhắc.

Người quan sát: Từ Quảng Châu đến Hàng Châu - Ảnh 1.

Olympic Việt Nam thua Triều Tiên 0-2 ở vòng 1/8 ASIAD 2010

HLV Henrique Calisto là người có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, ở nhiều cấp độ và góc độ khác nhau, trong một khoảng thời gian dài tính bằng cả thập niên. Ông Tô thậm chí đã "đổi đời" cho cả một thế hệ cầu thủ, sau chức vô địch Đông Nam Á 2008. Phải đến 10 năm sau, HLV Park Hang Seo mới có vinh dự này.

Từ Quảng Châu đến Hàng Châu lúc này, bằng với chu kỳ xấp xỉ một con Giáp, theo lịch phương Đông và nó cũng ứng với ít nhất 3-4 thế hệ cầu thủ. Lứa cầu thủ ở Quảng Châu năm ấy, cũng chính là nòng cốt của U23 Việt Nam thua trận chung kết SEA Games 2009 và đến lúc này, gần như chỉ còn mỗi Tấn Trường đang chơi bóng đỉnh cao, khi Thành Lương vừa mới giải nghệ, chuyển qua nghiệp huấn luyện (CLB Hoà Bình).

3. Trước khi đến Hàng Châu, Olympic Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, vắt qua ít nhất 2 giải đấu là VCK U23 Đông Nam Á 2023 và Vòng loại U23 châu Á 2024. Tuy nhiên, khó khăn với HLV Hoàng Anh Tuấn chính là một số CLB đã không nhả quân. Chiến thắng dễ dàng tỷ số 4-2 trước Mông Cổ ở ngày ra quân, chưa phải sự đảm bảo, khi 2 đối thủ còn lại là Iran và Saudi Arabia rất mạnh. Và đúng như dự báo, chúng ta đã thua đậm Iran trên sân Linping, khi thậm chí bị dẫn đến 0-3 sau 2/3 thời gian thi đấu chính thức.

Thua trận này, cửa đi tiếp của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn còn, nếu tìm được một kết quả thuận lợi ở lượt trận cuối với Saudi Arabia. Bóng đá trẻ vốn thiếu tính ổn định và rất khó nói trước điều gì.

Hãy tận hưởng những ngày vui, tiến lên nào các chàng trai trẻ Olympic Việt Nam! 


CCKM

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›