Trong nhiều năm qua, kể từ khi trở lại đấu trường cao nhất Việt Nam, mùa giải 2018, bóng đá Nam Định luôn được thừa hưởng một đặc ân mà không phải đội bóng nào cũng có, đấy là bầu không khí cổ động cuồng nhiệt trên các khán đài Thiên Trường. Sân bóng như pháo đài bất khả xâm phạm của thành Nam trở thành "kinh đô bóng đá" thực sự của Việt Nam.
Phải, nói về độ cuồng, thì chỉ CĐV Hải Phòng mới có thể đọ được với Nam Định. Trước đây, các Hội CĐV SLNA và Thanh Hoá cũng máu dữ lắm, nhưng 2 địa phương này có thể trội hơn về lượng, chứ chưa chắc nhỉnh hơn về chất. Là chất lượng cổ động, chứ không phải xem bóng đá đơn thuần như một khán giả mua vé vào sân.
Thiên Trường với sức chứa trên dưới 20 ngàn người, song nhiều trận đấu, con số vượt trên 25 ngàn người vào sân. Ví như các trận đấu gặp HAGL mùa giải 2018, 2019 và trận cầu đầu tiên trở lại sau đại dịch Covid-19. Bất kể phong độ của đội bóng có trồi sụt ở những giai đoạn khác nhau, thì người hâm mộ vẫn kéo ùn ùn đến sân, với trống rong cờ mở.
Thậm chí, các trận đấu ở bảng B môn bóng đá nam SEA Games 31 không có Việt Nam, thì Thiên Trường vẫn được lèn kín. Đấy chính là vì yêu mà đến vậy.
Lần gần nhất về với Thiên Trường, đấy là trận giao hữu giữa Việt Nam và Syria, Thiên Trường cũng không còn chỗ trống. Cũng tựa như trận tiếp HAGL cách đó vài năm, khi trẻ em được khuyến cáo không nên đến sân, bận vừa rồi, cũng đã có trẻ ngất xỉu vì thiếu oxy, phải cấp cứu ngay tại sân. Đó mới là bóng đá, đó mới là chảo lửa Thiên Trường.
Và, người viết đã rất ngỡ ngàng, khi "trận cầu đinh" mới đây với dàn sao CAHN, khán đài Thiên Trường lại trống vắng đến kỳ lạ. Khu vực khán đài B vốn là "cấm địa" của CĐV bóng đá thành Nam, thì nay được nhường lại cho khán giả của đội khách. Nhìn từ ống kính máy quay của nhà đài, rõ là thấy sự trống trải ở khán đài đối diện, cũng như toàn bộ khu C, D.
Nhưng, khán giả và đặc biệt là CĐV, những người có thể nói là ăn dầm nằm dề với đội bóng, hẳn là những người tinh tường. Họ dường như đã "ngửi" thấy mùi gì đó hơi hơi bất thường và đó là lý do họ không đến sân, chứ không hẳn bởi trận đấu diễn ra vào ngày giữa tuần. Và quả đúng là như vậy. Nam Định thua ngược một cách khó hiểu trước CAHN.
Tan trận đấu, rất nhiều CĐV Nam Định đã vứt bỏ lại áo mũ và các đại diện Hội CĐV phải kỳ công gom lại, mang đến Văn phòng công ty CP bóng đá Nam Định, gửi trả. Một clip ngắn được đưa lên mạng xã hội, với những ta thán đầy chua xót. Lịch sử bóng đá thành Nam có lẽ chưa từng xảy ra biến cố tương tự.
Khán đài với bầu không khí cổ động cuồng nhiệt chính là chỗ dựa tinh thần cho cầu thủ và đội bóng. Được tựa lưng vào khán đài để chiến đấu, là một vinh dự lớn lao. Tựa lưng chứ đừng quay lưng, bởi quay lưng với người hâm mộ chính là đã nắm trăm phần bại rồi. Bóng đá không có khán giả sẽ tự hủy hoại, tự lụi tàn, đó là điều chắc chắn.
Các bài học ở Nghệ An vẫn còn chưa ráo mực. Và gần nhất, trước khi Thiên Trường có biến, Hội CĐV CLB Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nói không với việc đến sân cổ vũ trong các trận đấu còn lại của đội bóng trên sân nhà, dù trong thâm tâm, họ vẫn rất thương các cầu thủ, cũng như Ban huấn luyện.
Gây dựng đã khó, giữ còn khó hơn, nhưng phá thì dễ ợt. Lịch sử bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, với V-League hơn 20 năm tuổi, cuộc chơi vốn dĩ là chuyện riêng của các ông bầu. Đội bóng hay cầu thủ ngôi sao dườ ng như chỉ là trang sức đo mức độ chịu chơi của ông chủ. Khán giả hay CĐV, thậm chí cả truyền thông (bộ đôi tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 của AFC), chỉ có vai trò rất hạn chế.
Lại nhắc câu - Có không giữ, mất đừng tìm!
Tags