"Tôi là người yêu cây cối. Tôi cũng yêu bệnh nhân. Và đó là lý do, tôi muốn Bệnh viện 2 Lâm Đồng như một rừng cây, để các bệnh nhân được hít thở bầu không khí trong lành", bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện 2 Lâm Đồng (cơ sở thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng), chia sẻ.
Ông Thành người gốc Đại Lộc, Quảng Nam, vốn là bác sỹ chuyên khoa tai - mũi - họng. Ông vốn dĩ đã có kế hoạch định cư tại TP.HCM, mở phòng mạch riêng và thực tế, đã có hộ khẩu ở Quận10, sống với vợ con, cho đến khi "bị" kéo lại Bảo Lộc, làm Giám đốc một trong những bệnh viện lớn nhất Lâm Đồng.
Như chia sẻ, ông yêu cây cối. Và, chính vì tình yêu cây của ông Giám đốc, mà các Mạnh Thường Quân sẵn sàng tặng hàng ngàn cây xanh cho bệnh viện, trong đó có những cây trị giá hàng trăm triệu đồng. Như bảo kiếm trao anh hùng vậy.
Đợt rồi, phóng viên Thể thao & Văn hoá bất ngờ nhận được lời mời của ông Huỳnh Ngọc Thành, ghé thăm... bệnh viện. Nghe có vẻ chẳng liên quan gì sất. Nhưng, khi ông Giám đốc tuổi ngoài ngũ tuần đưa đi và giới thiệu về các loại cây, hoa, xung quanh Bệnh viện 2 Lâm Đồng rộng mấy hecta, mới thấy hết cái tâm của một vị bác sỹ. Đó không chỉ là một công viên, nó là cả khu rừng.
Lợi ích 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người là nghĩa như vậy. Các bệnh nhân điều trị trong khuôn viên Bệnh viện 2 Lâm Đồng, hẳn là cảm nhận rõ nhất.
...
Trồng cây và trồng người là những việc trọng đại, phải hết sức cẩn thận. Hôm qua, người viết đến Nha Trang, Khánh Hoà, chính là để theo dõi VCK U13 toàn quốc. Các cầu thủ trẻ từ 16 lò đào tạo, Trung tâm bóng đá trẻ của cả nước, đổ về thi thố. Trong đó, một bộ phận người hâm mộ trên khán đài, chính là các phụ huynh và người nhà của cầu thủ. Việc các bậc phụ huynh, vì thương con và căn bệnh vị thành tích, mà gây ồn ào ở trận U13 Hà Nội gặp U13 HAGL là không nên chút nào.
"Bóng đá trẻ con bây giờ sướng lắm, được ăn ở chế độ 5 sao, được chăm sóc đầy đủ. Lại chẳng như trước đây, thế hệ của tôi và anh em mình, khổ và thiếu thốn tứ bề", ông Ngô Mạnh Cường, một cựu trọng tài quốc gia, phụ huynh của cầu thủ thuộc lứa trẻ U13 Viettel chia sẻ.
Phải, bóng đá trẻ đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiểu, ít nhất ở một số Trung tâm hay lò đào tạo. Ví như tại Viettel, cầu thủ trẻ ăn chế độ 250.000đ/người/ngày, ở phòng nghỉ hạng tương đương 5 sao. CLB Hà Nội, HAGL hay PVF có thể thấp hơn chút đỉnh, nhưng cũng là rất sang chảnh. Tại Bình Dương hay SLNA, điều kiện với cầu thủ trẻ có chút thiệt thòi, nhưng vẫn đỡ hơn nhiều các tỉnh lẻ khác.
CAHN với tuổi đời non trẻ ở kỷ nguyên V-League, phải liên kết với Trung tâm bóng đá cộng đồng VietGoal, để tạo ra hệ thống các đội tuyển trẻ, tham dự giải quốc gia. Đấy là mối quan hệ tương hỗ bắt buộc, bởi bóng đá không có khái niệm bất chiến tự nhiên thành, tự nhiên có.
Bóng đá trẻ chính là gốc rễ của bóng đá chuyên nghiệp, điều này không cần tranh biện nữa. Về đào tạo trẻ, ngoài Nghệ An quá ưu việt, thì Hải Dương, Đồng Tháp, chính là các cái nôi vậy, trong quá khứ và cả hiện tại, dù các địa phương này hiện không có đội 1 chơi đỉnh cao. Hôm rồi, U13 Đồng Tháp đã cầm chân U13 PVF tỷ số 2-2, trong thế bị dẫn trước 2 bàn ngay trong hiệp 1.
Bóng đá trẻ thông thường là thiếu ổn định, đôi khi cầu cho được lứa, nhưng đấy là với những nền bóng đá khiêm tốn về tầm vóc. Tính liên tục trong bóng đá, đặc biệt là đào tạo trẻ, rất quan trọng. Nó cũng giống như xen canh nối vụ trong nông - lâm nghiệp vậy. Trồng một cái cây, không đơn thuần là cắm cái cây non xuống đất, mà phải chăm sóc cái cây non ấy cẩn thận.
Như slogan ngay cổng chính Bệnh viện 2 Lâm Đồng, tất cả vì bệnh nhân, chỉ khi nào bóng đá Việt Nam nêu tuyên ngôn - Tất cả cho bóng đá trẻ - mới mong nền bóng đá có thể tự cường. Cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh từng nói, ông yêu các festival bóng đá trẻ, bởi ở đó không có tính ganh đua thành tích, ở đó chỉ tồn tại tình thương yêu với những việc tử tế, dành cho mầm non bóng đá của Tổ quốc. Ông Quýnh nói câu này tại festival U15 Đông Nam Á năm 2005, trên SVĐ Quân khu 7, chỉ e là, không còn nhiều người nhớ tới.
10 năm trồng cây, cũng là 10 năm trồng người vậy, với ít nhất trong địa hạt bóng đá.
Tags