Người sắm cả ba vai: Nhà văn - biên kịch - đạo diễn

Thứ Năm, 03/09/2020 12:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi là đạo diễn điện ảnh, Đặng Nhật Minh vẫn say mê với văn chương. Tôi đã đọc văn của ông trong tuyển tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa. Tài năng văn chương đã hỗ trợ ông rất lớn để đạo diễn nhiều tác phẩm điện ảnh giàu chất thơ. Ông là một trong số những nghệ sĩ hiếm hoi của điện ảnh nước nhà “một mình sắm cả ba vai chèo”: Nhà văn - nhà biên kịch - đạo diễn.

NSND Đặng Nhật Minh - Người viết biên niên sử bằng điện ảnh (kỳ 1): Cha, con và Giải thưởng Hồ Chí Minh

NSND Đặng Nhật Minh - Người viết biên niên sử bằng điện ảnh (kỳ 1): Cha, con và Giải thưởng Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, dù dấn thân với nhiều loại đề tài để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng nhưng NSND Đặng Nhật Minh dường như luôn dành sự ưu tiên cho đề tài chiến tranh cách mạng, mặc dù ông chính thức chỉ làm có 3 phim về đề tài này.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, dấn thân với nhiều loại đề tài để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng, nhưng NSND Đặng Nhật Minh dường như luôn dành sự ưu tiên cho đề tài chiến tranh cách mạng. Dẫu được ghi nhận dấu ấn sáng tạo cho điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng trong lòng công chúng, nhưng dường như chưa bao giờ ông thấy thỏa mãn mà luôn canh cánh “món nợ lòng” chưa trả xong.

Từ “Thị xã trong tầm tay”

Phim Thị xã trong tầm tay (1983) là bộ phim về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 do Đặng Nhật Minh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của mình. Bối cảnh là thị xã Lạng Sơn ngổn ngang, đổ nát sau chiến tranh - một trường quay ngồn ngộn hiện thực mà đoàn làm phim không mất công dàn dựng. Sở dĩ có được bối cảnh hiện thực đó là do "Người dân chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường" (Hồi ký điện ảnh, NXB Văn nghệ, 2005).

Chất liệu hiện thực ở bộ phim đã trở thành những thước phim tư liệu quý. Nhưng trên hết, bộ phim nói về chiến tranh theo cảm xúc riêng của một đạo diễn tài năng. Những thước phim được quay trên bối cảnh thực bằng những khung hình đen trắng giàu chất thơ.

Trong phim, ông đã khéo léo khai thác bản sắc văn hóa dân tộc của người dân bản địa vùng biên giới. Đó cảnh hát sli do diễn viên Đoàn Văn công Lạng Sơn thực hiện ở phút thứ 17 trong phim. Chiến tranh biên giới nổ ra đúng ngày hội thồng báo slao (chợ tình trai gái) của các xã biên giới Lạng Sơn. Trai gái đang say sưa hát. Lời ca dìu dặt: Hôm nay đi chợ mình chờ ai mà mặt trời xuống núi vẫn chưa về/ Mình chưa về để con trâu, con gà, con vịt đợi mình kêu thảm thiết/ Đường về nhà còn xa lắm người ơi/ Cho ai đợi mãi mà câu sli cứ chờ…

Chú thích ảnh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ đạo hai diễn viên Thúy Hường và Lê Vân trong phim “Thương nhớ đồng quê”

Nghệ sĩ hát then Hoàng Bách - giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc - xúc động sau khi xem bộ phim Thị xã trong tầm tay đã nhận ra mẹ Triệu Thị Thạc hát sli trong phim. Cháu đã dịch hộ tôi lời mấy câu hát sli có mẹ hát.

Cháu nói với tôi: “Năm 2019, cháu mới được xem phim có hình ảnh mẹ. Dù chỉ thoáng qua thôi nhưng quý giá lắm. Mẹ cháu mất lâu rồi. Không biết mẹ cháu đã được xem phim có mình đóng chưa. Nếu đã xem chắc bà mừng lắm. Đạo diễn làm phim về chiến tranh rất mới cô ạ. Không ồn ào mà lặng lẽ sâu sắc... Cô cho cháu gửi lời cảm ơn đến bác đạo diễn Đặng Nhật Minh và cháu cũng muốn được gặp bác ấy…”.

Thị xã trong tầm tay là bước đầu tiên ghi nhận dấu ấn cá nhân của đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi đã thử nghiệm cả phim tài liệu và phim truyện. Phim đã đoạt giải Bông sen Vàng; giải Biên kịch, giải Quay phim xuất sắc tại LHP Việt Nam năm 1983…

Chú thích ảnh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương nâng Cup Giải khán giả cho phim “Đừng đốt” tại LHP Fukuoka năm 2010.

Và “Bao giờ cho đến tháng Mười”

Không chỉ với những phim làm chính từ kịch bản của của mình, mà kể cả sử dụng kịch bản của tác giả khác, NSND Đặng Nhật Minh vẫn tham gia vào khâu kịch bản từ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện kịch bản cuối cùng. Ông quan niệm làm kỹ khâu kịch bản, đạo diễn chỉ toàn tâm làm nhiệm vụ của mình.

Đặc thù của nhà văn là thường quan sát rất kỹ những diễn biến xung quanh mình. Hiện thực là chất liệu quan trọng thứ nhất như “chất bột” để qua lăng kính nhà văn sáng tạo một tầng nữa mới có thể thành “hồ”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Bao giờ cho đến tháng Mười được gợi ý từ quan sát của đạo diễn khi ngồi trong quán trú mưa khi chứng kiến một đám tang ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh:

Một đoàn người đi lầm lũi trong mưa. Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về nghĩa trang làng. Còn anh nằm ở đâu trong chiến trường miền Nam đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười (Hồi ký điện ảnh của Đặng Nhật Minh NXB Văn nghệ, năm 2005).

Trái tim nghệ sĩ chia sẻ sự mất mát, đau cùng thân phận con người trong chiến tranh, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Bằng cảm xúc nhân văn, con người đã vịn tựa, đã nâng nhau lên khỏi nghịch cảnh để sống, để yêu thương, để khát vọng… Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đi ra với thế giới từ sau năm 1975 chững chạc, tự tin mang đến bao cảm xúc nhân văn về đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh.

Chất giọng tiểu thuyết đặc trưng

Phim Mùa ổi dựa trên câu chuyện có thật mà trước hết là công dân Hà Nội ông đã chứng kiến về những trí thức, người tiểu tư sản Hà Nội sau năm 1954. Chất liệu hiện thực của bộ phim đã khiến người xem xúc động và đó là lý do bộ phim được công chúng trong và ngoài nước xem đánh giá cao. Tạp chí Studio của Pháp coi Mùa ổi là một kiệt tác về chất thơ.

Phim Hà Nội mùa Đông năm 46 nói về lịch sử dân tộc, số phận đất nước trước những thử thách cần phải quyết định theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa" (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến).

Chú thích ảnh
Áp phích phim “Mùa ổi” chiếu tại Pháp

Bộ phim đã giành được đồng cảm lớn của bè bạn quốc tế. Sau khi xem tại LHP Toronto bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 46, một nhà báo Mỹ đã viết bài đăng trên tờ International Herald Tribune gọi Đặng Nhật Minh là “Nhà ngoại giao con thoi của điện ảnh Việt Nam”.

Trong nghệ thuật miêu thuật của mình, Đặng Nhật Minh thực sự coi trọng con người thông qua các nhân vật. Mô tả con người, ông đặc biệt chú tâm đến trạng thái nội tâm. Ngay khi hướng vào mô thuật hành động và sự kiện, cũng cốt mổ xẻ, làm nổi bật thế giới nội tâm của nhân vật. Do đó, phim của Đặng Nhật Minh, cho dù đề cập tới lĩnh vực nào của đời sống và con người, đều thể hiện đậm đà một chất giọng tiểu thuyết đặc trưng (theo nhận xét của PGS Trần Luân Kim). Trong Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho tới tháng Mười, Đặng Nhật Minh sử dụng thủ pháp biểu hiện tâm linh vốn đã thành một một phong cách quen thuộc đã mang đến cho ông nhiều thành công.

Tôi mượn lời của NSND, đạo diễn Mai Lộc - người đồng hương Huế của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong lời giới thiệu cuốn sách Hồi ký điện ảnh để kết bài viết này: “Đặng Nhật Minh là một nghệ sĩ, một đạo diễn đầy cá tính và tài năng... là con người của nghệ thuật điện ảnh, có tầm cỡ quốc tế…”.

Nhiều giải thưởng danh giá cho phim

Hầu hết phim do Đặng Nhật Minh đạo diễn đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã đoạt giải Bông sen Vàng; giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1985, Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP châu Á - Thái Bình Dương, Hawaii năm 1989.

Phim Thương nhớ đồng quê do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam và Hãng truyền hình Nhật Bản NHK (sản xuất năm 1995) do ông biên kịch và đạo diễn ghi dấu ấn với những giải thưởng: Giải A Hội Điện ảnh VN (năm 1995), Giải đạo diễn xuất sắc tại LHP Việt Nam lầnXI (năm 1996), Giải Khán giả tại LHPQT ba châu - Nates, Pháp (năm 1996), Giải Khán giả tại LHPQT Vesoul - Pháp (năm 1997), Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Fribourg - Thụy Sỹ (năm 1996), Giải KODAK tại LHP Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 42 tại New Zealand (năm 1996), Giải phim châu Á hay nhất của NETPAC tại LHP Quốc tế Rotterdam – Hà Lan (năm 1996).

Phim Hà Nội mùa Đông năm 46 đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam (năm 1999), Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam (năm 1997).

Phim Mùa ổi đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam năm 2001, Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam (năm 2000); Giải của Ban Giám khảo trẻ và Giải Donkihote của Hiệp hội các câu lạc bộ điện ảnh thế giới tại Liên hoan phim Locarno của Thụy Sĩ (năm 2000).

Đặc biệt phim Bao giờ cho đến tháng Mười ra mắt đầu năm 1984 được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đoạt rất nhiều giải thưởng quan trọng: Giải Bông sen Vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam (năm 1985), Giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP châu Á - Thái Bình Dương, Hawaii (năm 1989). Năm 2008 Đài Truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›