Về đến nhà, đặt hành lý xuống. Cởi chiếc áo khoác, cũng cởi bỏ luôn hơi thở nơi thành thị bộn bề kia. Lúc này, bạn lại là đứa trẻ được bố mẹ yêu thương.
“Càng lớn càng sợ về nhà ăn Tết”. Đây có lẽ là câu nói bạn đang nghe rất nhiều trong thời gian trước thềm năm mới, đặc biệt là giới trẻ.
Không biết từ lúc nào, về nhà ăn Tết đã trở thành một loại gánh nặng, không còn cảm giác mong ngóng và háo hức như xưa.
Ai cũng đều trưởng thành, có lẽ không còn hứng thú với kẹo mứt ngọt ngào, phong bì đỏ hay quần áo mới. Trải nghiệm càng nhiều, thế giới rộng mở, giá trị niềm vui cũng theo đó to lớn hơn.
1. Mệt
Có người nói, thế giới này có muôn vàn con đường, nhưng đường về nhà chỉ có một. Khoảng một tháng trước Tết, tranh giành nhau mua vé, căn chỉnh thời gian sao cho hợp lý nhất, sau đó lại phải chen chúc nhau trên tàu trên xe, cuối cùng về đến nơi mình lớn lên. Nhìn lại cảnh vật nay đã khác xưa, lòng tự nhiên dâng lên một nỗi ngậm ngùi khó tả.
Mỗi năm về nhà đều bị giày vò bởi các mối quan hệ bao gồm: họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng… Ăn uống, đi thăm viếng, đi chúc Tết, chào hỏi mọi người… Cố gắng làm việc cả một năm, đến nay về nhà lại thêm hàng loạt câu hỏi khó trả lời khiến bạn dần mất đi hứng thú.
Khi dịp nghỉ Tết kết thúc, thu gom đồ đạc, mang theo chút đồ ăn còn thừa, chúng ta lại xách vali lên và đi, tiếp tục một năm làm việc vì miếng cơm manh áo.
Thật ra, không phải cứ về nhà ăn Tết là mệt, chỉ là một vài chuyện không còn phù hợp với chúng ta - người đã bước vào vòng tròn xã hội thật sự. Đó là còn chưa kể đến những người còn loay hoay với vấn đề tài chính, chưa tìm thấy thành công của riêng mình.
2. Phiền
Thuở nhỏ thích đến nhà họ hàng chúc Tết, được ăn nhiều món ngon, được cho lì xì. Nhưng nay họ hàng đã trở thành “một cái máy hỏi thăm”.
Những câu hỏi đại loại như: “Học nhiều để làm gì, nay chỉ làm cái nghề này”, “Tốt nghiệp ngành gì, đạt loại gì?”, “Lương hiện tại bao nhiêu? Tiết kiệm được bao nhiêu?”, “Có người yêu chưa? Khi nào cưới? Khi nào có con?”...
Những câu hỏi này giống như chương trình gặp nhau cuối năm, cố định xuất hiện trong mùa năm mới. Những câu hỏi này chưa chắc đã thật lòng thật tình, lắm lúc chỉ là phép lịch sự, nhưng người được hỏi cũng khó lòng từ chối. Nếu không trả lời, chúng ta lại bị cho là không hiểu phép tắc, rồi phá hỏng bầu không khí ngày Tết đáng lẽ phải vui vẻ, tưng bừng. Thế là mọi tội lỗi đều đổ dồn lên bạn, bạn không vui, người khác cũng bực dọc.
3. Ghét
Khoảnh khắc giao thừa lại bị tiếng hô vang chúc mừng làm phiền. Hàng loạt tin nhắn gửi đến, bao gồm cả những người vốn dĩ chẳng thân thiết và lời chúc mang tính đại trà, không hề có chút tâm tư tình cảm. Tin nhắn gửi vào trong các nhóm trên ứng dụng nhắn tin, ai không gửi lời chúc thì bị xem là vô tình, nhạt nhẽo.
Thật ra, qua thềm năm mới là khoảnh khắc đáng nhớ. Lời chúc từ mọi người đương nhiên đáng được trân quý, nhưng không hiểu vì sao lời chúc ngày nay đã quá nhuốm “màu công nghiệp”, một kiểu ép buộc và miễn cưỡng.
Có lẽ với nhiều người, năm mới không phải là thời gian để hưởng thụ, mà là mài mòn sức lực.
4. Béo
Tết đến xuân về, ăn uống nhiều thứ là chuyện khó tránh khỏi. Ăn ở nhà chưa hết, lại còn những bữa tiệc ở nhà họ hàng và bạn bè. Đó là còn chưa kể đến sự thúc ép của mọi người trên bàn ăn, cộng với không khí vui vẻ khiến chúng ta dễ dàng dẹp bỏ mọi tiêu chuẩn để thoải mái hết mức có thể. Cân nặng cũng theo đó tăng lên chóng mặt, không kiểm soát.
Ngày Tết không chỉ là thời gian đoàn viên, mà còn là đại hội thi nhau tăng chân. Với những ai có yêu cầu về ngoại hình và nỗi ám ảnh về cân nặng thì là một điều đáng sợ. Song chẳng mấy ai kìm chế được khát khao được đắm mình trong những món ăn đặc trưng của năm mới, đặc biệt là những người xa quê nhớ nhung hương vị mẹ làm.
5. Nghèo
Đi làm kiếm tiền rồi mới biết, đón Tết là chuyện cực kỳ tốn tiền. Phí di chuyển, phong bì tặng bố mẹ, lì xì cho các em và các cháu, sắm sửa trong nhà, mua đồ mới, phí tham gia những cuộc vui… Thật sự không thể đếm xuể!
Người trẻ mới đi làm, nghỉ Tết về quê còn cảm thấy vui vẻ vì được giải phóng khỏi vòng tròn công việc. Nhưng dần dần, họ càng không mong ngóng đến Tết vì cảm nhận sâu sắc “tiêu tiền như nước trong ngày Tết” là gì. Mặc dù tập tục truyền thống nên gìn giữ nhưng một phần nào đó cũng khiến không ít người lo nghĩ đau đầu. Chắc có lẽ là vì nghèo…
Song sau cùng, chúng ta vẫn nên về nhà thôi!
Bạn nên chuẩn bị sẵn mọi thứ: mua vé xe, chen chúc vào dòng người hồi hương để về quê ăn Tết. Vì bạn biết rằng nơi mình lớn lên có bố mẹ đang ngóng chờ. Bạn đè nén lại cái tôi để làm bố mẹ vui lòng. Vì dù sao một năm không gặp mặt, nỗi nhớ đong đầy chỉ chực chờ trào ra.
Về đến nhà, đặt hành lý xuống. Cởi chiếc áo khoác, cũng cởi bỏ luôn hơi thở nơi thành thị bộn bề kia. Lúc này, bạn lại là đứa trẻ được bố mẹ yêu thương.
Bạn ngồi trên bàn, ăn món mà mẹ đã chuẩn bị trước. Vẫn là những món bạn thích, vẫn là mùi vị đó, chỉ có mẹ là hiểu bạn nhất. Trong lòng bạn chắc chắn mãn nguyện: Về nhà mới là tốt nhất!
Tags