- Đứng trước bão sa thải hàng loạt và mức lương có thể giảm mạnh: Có một thế hệ trẻ khó có thể sống nhờ một nguồn thu nhập
- Có một thế hệ thu nhập cao nhưng không giàu nổi, chi tiêu như thể mình thuộc giới siêu giàu
- Tổng kết 2022: Người tiết kiệm 100 triệu trước tuổi 25, người làm 4-5 công việc để gia tăng thu nhập
Những bạn trẻ này cảm thấy an tâm, cuộc sống thoải mái hơn nhờ thói quen chi tiêu có kế hoạch, mua vàng, để riêng tiền tiết kiệm mỗi tháng.
Trái ngược với những bạn trẻ tiêu tiền thoải mái, tự do, không có kế hoạch, nhiều bạn trẻ khác lại chi tiêu có kế hoạch và rất tiết kiệm. Nhờ đó mà những bạn trẻ này cảm thấy thoải mái, an tâm hơn vì nhờ có tiền tiết kiệm, bản thân sẽ không bị rơi vào trạng thái “hết tiền”.
Dùng tiền có kế hoạch, tính toán cả cho hiện tại và tương lai
N.T.T (SN 1998, Hà Nội) hiện đang là nhân viên văn phòng. N.T.T cho biết, từ ngày còn là sinh viên, có những khoản thu nhập đầu tiên, cô bạn đã tìm hiểu và xây dựng cho mình một kế hoạch tiêu, dùng tiền hợp lý. Thói quen sử dụng tiền có kế hoạch đã được 9X duy trì suốt khoảng 6 năm nay.
N.T.T có công việc làm thêm từ khi còn là sinh viên năm nhất. Đến khi là sinh viên năm thứ 2, cô bạn đã có một khoản thu nhập ổn định từ nhiều công việc làm thêm khác nhau. Lúc này, thu nhập của cô bạn rơi vào khoảng 8-9 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian này, 9X cho biết, mỗi tháng cô bạn đều mua đều đặn 2 chỉ vàng.
9X chia sẻ: “Thời điểm mình có thói quen mua vàng mỗi tháng để tích lũy, mình có thu nhập không có cao, chỉ khoảng 8-9 triệu đồng. Khi nhận lương, ngay lập tức, mình để riêng ra khoảng gần 7 triệu để mua vàng, vì lúc ấy, giá vàng theo mình nhớ chỉ khoảng 34-35 triệu đồng/lượng. Số tiền còn lại khoảng 2 triệu đồng, mình sẽ cân đối tiền sinh hoạt, nhà ở. Tiền học phí sẽ không tính vào khoản 2 triệu đồng này vì gần như kỳ học nào mình cũng có học bổng”.
Với 2 triệu đồng chi tiêu trong 1 tháng, N.T.T cho biết, khoản tiền này vẫn khá thoải mái với cô thời sinh viên vì bản thân vốn là người tiết kiệm. Bên cạnh đó, vì có kế hoạch chi tiêu rõ ràng nên không tháng nào cô bạn rơi vào cảnh hết tiền. “2 triệu này mình sẽ tiêu cho tiền nhà, điện, nước, tiền ăn tối và mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Mình ở ký túc xá của trường nên tiền nhà không quá tốn kém. Mình thường ăn trưa luôn ở chỗ làm nên sẽ không tốn chi phí vào khoảng này. Để không bị chi tiêu quá lố, mình có thói quen ghi chép từng khoản chi tiêu, dù mua từng cái kim khâu có giá 1000 đồng, mình cũng ghi chép cẩn thận”.
9X cho biết, nhờ thói quen mua vàng từ hồi sinh viên nên sau khi ra trường, cô bạn đã có được tài sản tích lũy nhất định. Đồng thời, thói quen dùng tiền có kế hoạch này vẫn được N.T.T duy trì đến nay, khi đã đi làm, có công việc làm với mức thu nhập cao hơn. 9X chia sẻ: “Bây giờ, mình vẫn giữ thói quen mua vàng, nhưng không thường xuyên như trước vì hiện tại mình đầu tư thêm vào một vài kênh khác. Thói quen ghi chép chi tiêu từng đồng mình vẫn luôn áp dụng. Bởi theo mình, sử dụng tiền hợp lý và đúng cách là điều cực kỳ quan trọng. Mình tiêu tiền không chỉ cho hiện tại mà còn phải suy nghĩ đến tương lai sau này”.
Tiết kiệm, tiêu tiền hợp lý
Giống như N.T.T, nhiều bạn trẻ khác cũng có thói quen tiết kiệm tiền. N.H.T (SN 2000, Hà Nội) là một nhân viên văn phòng với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Cô bạn có thói quen sống tiết kiệm khoảng 4 năm nay, từ khi còn là sinh viên Đại học.
N.H.T đặt ra cho mình giới hạn chi tiêu là 100.000 đồng mỗi ngày. “Để không tốn quá nhiều tiền ăn uống, mình tự nấu cơm ở nhà rồi mang đi làm. Rau củ nhà mình ở quê có trồng, mỗi lần về quê mình lại đem xuống nên khoản này mình cũng không phải chi ra. Mình không uống trà sữa, thỉnh thoảng có uống cà phê. Cà phê phần lớn mình tự pha nên không quá tốn kém. Mình không tốn nhiều tiền xăng vì mình làm gần công ty nên chủ yếu là đi bộ. Khoảng ⅔ số ngày trong tháng mình tiêu không đến 100.000 đồng/ngày ”, N.H.T chia sẻ.
Gen Z cho biết, cô bạn thuê một phòng trọ nhỏ cùng 1 người bạn, tính cả chi phí điện nước khoảng gần 4 triệu/tháng cả 2 người, mỗi người 2 triệu/tháng. N.T.T nói: “Mỗi tháng, tiền sinh hoạt của mình khoảng 5 triệu, trong đó là 3 triệu tiền ăn uống, sinh hoạt, mua sắm cá nhân; 2 triệu tiền nhà. Mình tiết kiệm được 7 triệu đồng, khoảng gần 60% thu nhập. Thông thường khi nhận lương, mình đã để riêng 7 triệu vào một khoản tiết kiệm riêng, trường hợp bất đắc dĩ mới phải dùng đến”.
Mọi khoản tiền thu, chi đều được N.H.T kiểm soát kỹ, ghi rõ trong app thu chi ở điện thoại. Cô bạn cho biết, có những ngày được đồng nghiệp rủ đi ăn, tiêu quá 100.000 đồng ở mức cho phép, để tránh tình trạng bội chi, cô bạn phải cân đối lại, tiêu tiết kiệm hơn ở những ngày sau đó.
1 bạn trẻ khác, T.H (SN 1999, Hà Nội) hiện đang làm freelancer cũng có thói quen chi tiêu theo kế hoạch và tiết kiệm. T.H cho biết, dù làm freelancer nhưng thu nhập của cô bạn khá ổn định và nhờ cách chi tiêu có kế hoạch nên cô bạn không rơi vào trạng “thiếu tiền”.
T.H chia sẻ: “Mình làm freelancer nên nguồn thu nhập của mình sẽ đến từ nhiều phía. Nhận tiền các job vào khoảng thời gian mấy ngày cuối tháng, mình đều tổng hợp chi tiết vào excel. Thông thường, ngày cuối cùng của tháng, mình sẽ tính toán xem thu nhập tháng vừa rồi của mình là bao nhiêu tiền và bắt đầu lên kế hoạch”.
“Sau khi tổng hợp được tháng này số tiền mình có là bao nhiêu qua đối chiếu từ excel và tài khoản ngân hàng, mình chia nhỏ số tiền đó ra làm 3 phần theo tỷ lệ 40 - 30 - 20 - 10. Trong đó: 40% thu nhập mình dùng cho tiền nhà, sinh hoạt phí, mua sắm cá nhân, chăm sóc sức khỏe; 30% thu nhập mình dùng để tiết kiệm; 20% thu nhập mình dùng cho việc đầu tư; 10% mình để dành ra cho những khoản bất chợt cần dùng đến như đi ăn cưới người thân, bạn bè…”.
Chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm nhưng không có nghĩa là “ki bo”
Chi tiêu tiết kiệm không có nghĩa bạn là người bần tiện, ki bo. N.T.T cho biết, bản thân là người sống tiết kiệm, không ít lần vài người quen nhận xét cô bạn là người “ki bo”.
“Mình tiết kiệm không chỉ vì mình mà còn vì những người xung quanh. Chẳng hạn, mỗi lúc cần dùng đến một số tiền lớn, mình không thể vay mượn người thân mãi được. Bởi không phải ai cũng sẵn tiền cho mình mượn và nếu có, tiền của họ còn dùng vào việc họ phải lo nữa”, N.T.T bộc bạch.
Còn N.H.T cho biết, dù bản thân có những nguyên tắc chi tiêu hơi “cứng nhắc” so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng cô bạn thấy việc chi tiêu tiết kiệm, dè sẻn như vậy khiến bản thân sống thoải mái, hạnh phúc hơn.
“Nhờ việc tiết kiệm, mình không phải loay hoay mỗi cuối tháng hay phải quá lo lắng về tiền nữa. Tiết kiệm không khó, mình chỉ đơn giản loại bỏ đi một số khoản chi tiêu không cần thiết như ăn uống ở ngoài hay mua sắm linh tinh. Vì biết chắc mình có một khoản tiền tiết kiệm nên mình cũng an tâm, thoải mái”, N.H.T nói.
Tags