- Mẹ Việt ở Hàn Quốc kể chuyện đi chợ nhân sâm lớn nhất xứ sở kim chi, hàng bày la liệt như khoai lang nhiều đến choáng ngợp
- Người phụ nữ Việt say mê đi chợ nông sản lớn thứ 3 nước Mỹ, mua được giá rẻ nhưng còn lý do đáng hoan nghênh hơn
- Tết trọn an vui: Đi chợ kiểu mới, nằm nhà cũng có thể đi chợ, 'chốt đơn' là có người mang đến tận cửa, thậm chí còn rẻ hơn ngoài hàng
- Theo chân người phụ nữ Việt đi chợ nông sản lâu đời của Thụy Sĩ: Hoa quả xanh tươi mơn mởn, gừng bán cả cây nhưng xem giá xong "tháo chạy"
Lắng nghe những chia sẻ của người Việt ở nhiều nước trên thế giới để thấy chỉ cần lòng luôn hướng về quê nhà, ở đâu cũng là Tết!
Trong những ngày Tết đến, Xuân về, ai cũng chỉ mong được quây quần bên gia đình, những người thương yêu. Chẳng cần làm gì lớn lao, to tát cả mà đơn giản chỉ là: "Tết đến đoàn tụ cùng ở bên bếp hồng và nồi bánh chưng xanh chờ xuân đang sang...". Bởi Tết không chỉ là trở về với anh em, bạn bè, người thân mà còn là trở về với cội nguồn, xứ sở...
Thế nhưng, điều giản đơn ấy đôi khi lại thật khó đối với những người con xa quê. Họ là những người Việt đang sống, học tập, lao động ở nước ngoài. Vì những lý do khác nhau mà đành phải ăn Tết xa nhà. Tuy vậy, ai cũng cố gắng chuẩn bị cho mình và gia đình một cái Tết tươm tất, đủ đầy, và đặc biệt là "chuẩn hương vị Tết quê hương".
Cùng lắng nghe những chia sẻ của người Việt ở nhiều nước trên thế giới để thấy chỉ cần lòng luôn hướng về quê nhà, ở đâu cũng là Tết!
Đi chợ Tết ở Mỹ mà như đã về Việt Nam
Những ngày này, dù đã qua kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và năm mới ở Mỹ nhưng gia đình chị Hương Trà ở thành phố Portland, bang Oregon vẫn trong khí tưng bừng chào đón năm mới. Bởi lẽ nhà chị được ăn những 2 cái Tết, Tết dương lịch và cả âm lịch.
Vốn là người con Việt Nam, chị Trà không thể quên được hương vị của Tết cổ truyền quê cha đất tổ nên dù bận chị vẫn cố gắng sắm sửa để đón Tết Nguyên đán ở nơi xứ xa. Vừa là để đỡ nhớ nhà, vừa là cách dạy cho con gái nhỏ về nguồn cội.
Chị Trà nói: "Từ bé đến lớn, cứ đến dịp Tết là cả nhà chị ai nấy đều chia việc ra để dọn dẹp nhà cửa cho thật chu đáo. Nên bây giờ, dù đã có gia đình riêng, mình vẫn giữ truyền thống đó. Sơn nhà cửa mới cho sáng sủa rồi lau chùi kĩ càng mọi ngóc ngách. Mình cũng mua cả cành đào để cho nhà cửa điểm sắc đỏ, thêm phần rực rỡ".
Không chỉ chị Trà mà cộng đồng người Việt ở Portland cũng tưng bừng đón năm mới. Chị Trà cho hay: "Bên đây, cộng đồng người Việt nói chung và gia đình mình nói riêng đều cảm nhận được không khí Tết rộn ràng vì nhà ai cũng nô nức sắm sửa rồi dọn dẹp nhà cửa, trang trí rực rỡ, đậm nét truyền thống".
Một điểm đặc biệt là ở thành phố Portland còn có hẳn một khu chợ của người Việt mang tên Hồng Phát. Khu chợ này bán đầy đủ các thứ, từ bánh chưng, bánh tét đến các loại hoa quả và đồ trang trí Tết như ở Việt Nam.
Khoảng 1 tuần trước Tết, gia đình chị Trà đã đến đây mua sắm, hòa chung không khí tươi vui của cộng đồng người Việt.
Chị kể: "Cả nhà mình đi chợ mua sắm đồ ăn chuẩn bị đón Tết. Sau đó, mình lên trường của con gái đọc sách về Tết và chia phong bao lì xì cùng bánh kẹo cho các bé. Các cô giáo bên này cũng rất ủng hộ. Mỗi lần có dịp cho mọi người được chia sẻ về những ngày lễ đặc biệt từ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Giúp các bé được tiếp xúc và có thêm hiểu biết về thế giới xung quanh".
Đóng gói cả bánh chưng, dưa hành sang Ấn Độ để có cái Tết "chuẩn vị"
Đó là cách chị Bùi Tuyết (hiện đang sống ở Chennai, Ấn Độ) đã làm để có cái Tết thật "xịn" ở nơi xa. Dù ở Ấn hiện đã có nhiều mặt hàng của Việt Nam nhưng để làm được chiếc bánh chưng chuẩn vị quê hương vẫn thật khó. Vậy nên chị Tuyết đã đặt làm bánh chưng, bánh tét ở Việt Nam rồi nhờ em gái mang sang tận nơi.
"Thêm hành muối, củ kiệu muối chua ngọt cũng có", chị Tuyết hào hứng chia sẻ. "Đồ từ Việt Nam mang qua nên đủ hết. Bên này, người dân bản địa không ăn Tết như người Việt nên mình sẽ không mua được đồ như ở Việt Nam. Chỉ có hoa đào là có thể mua. Đêm giao thừa năm nay có cả em gái mình sang cùng nên cả nhà cùng thức đón giao thừa, thưởng thức trà mứt đúng kiểu Việt Nam. Có cả lì xì luôn".
Chị Tuyết ở Ấn Độ đón Tết cổ truyền có cả bánh chưng và dưa hành
Sở hữu một cửa tiệm làm bánh nên chị Tuyết cũng "tranh thủ" cơ hội để giới thiệu với người dân bản địa về phong tục đón Tết của người Việt Nam. Chị trang trí cửa hiệu bằng những cành đào, quất, phong bao lì xì đỏ. Mọi người hỏi sao lại trang trí như vậy, và thường chồng chị là người sẽ giải thích bằng ngôn ngữ bản địa.
Dù ăn Tết đủ đầy nhưng chị Tuyết vẫn không tránh khỏi chạnh lòng khi nỗi nhớ nhà dâng lên. Chị chia sẻ: "Bên này tết có hơi buồn xíu vì xa gia đình, nhưng có Internet nên vẫn có thể gọi về, vẫn có đầy đủ mọi thứ như Việt Nam mình nên vẫn có không khi Tết. Vui hay buồn do mình tạo ra thôi. Mình may mắn có chồng tâm lý, anh luôn ủng hộ và chuẩn bị cho mình mọi thứ cần thiết".
Đón Tết rộn ràng ở Singapore
Định cư ở Singapore và có đến 6 lần đón Tết Nguyên đán nơi xứ người, chị Diệu Linh đã dần thích nghi và hào hứng. Chị nói: "Mình thích không khí 10 ngày trước Tết ở đây, đi tới đâu cũng nghe các bài hát về Tết mặc dù là tiếng Trung, mình không hiểu gì cả, nhưng nghe vui tai và thấy có không khí Tết.
Mình hay ra khu phố Chinatown. Ở đây mỗi dịp Tết đến là nhộn nhịp lắm. Hồi chưa có dịch Covid-19, các mặt hàng Tết bày bán tấp nập, đồ trang trí đỏ rực rỡ. Ngoài ra, mình cũng đi các khu chợ hoa vì thích cây cối, hoa lá. Ở đây cũng giống Việt Nam, họ rất thích chơi quất trong dịp Tết. Mình cũng đi chọn mua quất, đào, hoa lan hoa cúc về chơi Tết".
Chị Linh cho biết, ở Singapore, cộng đồng người Việt khá đông nên việc mua sắm chuẩn bị một cái Tết chuẩn Việt rất dễ dàng. Việc mua sắm các loại đồ ăn Việt cực đơn giản, không phải đi quá xa để mua sắm đồ.
Là người rất thích Tết cổ truyền Việt Nam nên chị Linh luôn cố gắng chuẩn bị mọi thứ theo đúng chuẩn Tết Việt nhất có thể. Để bạn bè đồng nghiệp người Singapore, người Ấn Độ, người Malaysia tới nhà chơi là chị có thể tha hồ giới thiệu với họ về Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Chị chia sẻ về những hoạt động đầu năm mới: "Gia đình chồng mình không phải là người gốc Singapore. Nhà chỉ có 2 vợ chồng nhưng vẫn cùng nhau ăn bữa cơm tất niên. Sau đó mùng 1 tết thì đi chùa, đến nhà người thân chúc Tết. Những ngày sau thì bạn bè tới nhà chơi. Vì mình chuẩn bị tết Việt nên bạn bè người Việt đều tới nhà mình chơi. Tất cả đều mặc áo dài Việt Nam để chụp ảnh kỷ niệm.
Chị Linh cũng kể về phong tục của người Singapore vào dịch đầu năm mới. Khi đi đến chúc Tết nhà người thân, họ đều mang theo 2 quả cam để tặng cho chủ nhà. Khi về, chủ nhà sẽ lấy 2 quả cam của nhà mình để đưa lại. Vào dịp Tết, 2 loại quả không thể thiếu đó là cam và dứa, tượng trưng cho may mắn, tiền tài.
"Mẹ chồng mình luôn nhắc ngày tết phải mặc những màu sắc rực rỡ một chút. Tuyệt đối không mặc màu đen. Mình nghĩ điều này cũng giống như Việt Nam", chị nói.
"Những ngày gần Tết và trong Tết, những buổi tụ họp ăn uống, người Singapore thường có món yusheng (cũng gọi là lo hei). Đây là món gỏi có cá sống, các loại rau củ bào sợi, snack, trộn với nước sốt chua ngọt. Khi ăn mọi người sẽ cùng nhau dùng đũa trộn lên, vừa trộn vừa nói những câu may mắn, chúc nhau cho năm mới. Đây là điều mình thấy thú vị nhất, và thấy rất vui.
Ở đây thì không có các lễ hội khai xuân đầu năm như ở Việt Nam ta. Ngày nghỉ Tết cũng rất ít. Mọi người đều làm việc tới 30. Chỉ được nghỉ ngày mùng 1,2 và mùng 3 đã phải đi làm lại.
Cộng đồng người Việt ở đây đón Tết Cũng vui lắm. Mình thấy mọi người cũng đi chúc tết nhau, cũng mặc áo dài như Việt Nam. Tuy xa gia đình nhưng mọi người đều tự tạo cho mình không khi Tết đầm ấm".
Ảnh: NVCC
Tags