(Thethaovanhoa.vn) - Những con số thống kê được Bộ Y tế đưa ra về các vụ đánh nhau trong Tết Bính Thân 2016 liên tục nhảy vọt. Trong 3 ngày đầu tiên, báo cáo tạm thời cho biết có gần 2.000 người phải nhập viện vì loại sự cố đặc biệt này (trong đó có 10 người tử vong). Để rồi, thêm 5 ngày nữa, tức là tới hôm qua (mùng 8 Tết Âm lịch), con số này đã gần chạm mức 4.000 ca.
- KINH KHỦNG: 9 ngày Tết, chết 300 người, bị thương 380 người
- 8 ngày nghỉ Tết, 210 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông
Cơ sở của dự cảm đáng buồn ấy nằm ở những thống kê tương tự từng được thực hiện trong vài năm qua: số trường hợp đánh nhau phải nhập viện năm 2012 là gần 4.000 trường hợp, năm 2013 là 4.700 trường hợp và năm 2015 là… 6.200 trường hợp. Nghĩa là, cứ theo từng cái Tết, sự hăng máu của người Việt chúng ta lại càng… tăng dần đều?
Cũng cần nói thêm, con số này chỉ là bề nổi được biết tới kể từ khi Bộ Y tế có chủ trương công bố số liệu thống kê tại các bệnh viện trong dịp Tết. Còn lại, chưa ai tính nổi số vụ đánh nhau “mở rộng” ngoài thống kê- nghĩa là các vụ đánh lộn không khênh nạn nhân vào bệnh viện mà lại đưa về gia đình, hoặc mang tới trạm y tế hay phòng mạch riêng để xử lý.
1. Một cách tự nhiên, khi nghe tới những con số khủng khiếp này, rất đông người trong số chúng ta đều nghĩ lý do đầu tiên để người Việt trở nên… hung hãn trong ngày Tết đó là rượu. Và, để làm “nền” cho sự liên tưởng này, thêm một thống kê khác của Bộ Y tế được dẫn ra: mỗi ngày trong Tết 2016, có khoảng 200 bệnh nhân phải nhập viện vì… ngộ độc rượu.
Ai cũng hiểu, khi lạm dụng thứ đồ uống có cồn này, mọi cá nhân đều có xu hướng không kiềm chế nổi bản thân mình. Không kiềm chế, nên người ta có thể dễ dàng buông thả cả lời nói và hành động trước những va chạm rất tình cờ trong cuộc sống.
Và vào ngày Tết, những va chạm ấy lại rất dễ xảy ra khi đụng xe trên đường du Xuân, khi chen lấn xếp hàng mua vé, hoặc ngay khi cùng uống rượu nhưng cả chủ và khách lại sơ ý để nảy nở những bất đồng.
2. Ngày Tết tất nhiên không thể thiếu rượu. Và, cũng… tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của các vụ ẩu đả trong ngày Tết, chưa bao giờ chúng ta lại thấy thị trường rượu bia của Việt Nam phong phú đến thế. Đơn cử, nếu chỉ mươi năm trước, một chai rượu ngoại vẫn là thứ đồ xa xỉ đối với một gia đình có mức thu nhập thấp tại đô thị - thì ở thời điểm này, người ta đã có thể rất dễ dàng sắm một chai rượu, một két bia có xuất xứ đủ “xịn” nhưng vẫn phù hợp với túi tiền của mình.
Phần nào, chính từ sự đi lên về mức sống ấy, rượu bia bỗng trở thành thứ đồ uống được sử dụng dễ dãi và thừa mứa trong những ngày đầu năm mới - vốn là dịp vui truyền thống của dân tộc Việt. Phần nào, cũng chính từ sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngày Tết lại càng dễ trở thành dịp để cộng đồng chúng ta có tâm lý xả hơi “hết cỡ” - mà một phần trong đó chính là việc cùng nhau uống “tẹt ga” để tìm kiếm sự sảng khoái cho bản thân?
Có nghĩa, câu chuyện lại quay về một vấn đề muôn thủa: bia rượu cần được sử dụng thế nào để trở thành bạn - thay vì kẻ thù - của con người? Và kèm với đó cũng là một trả lời muôn thủa: sự điềm đạm, biết điểm dừng của người uống rượu.
Nhìn vào “trào lưu” choảng nhau ngày Tết, rất nhiều người đã nói tới những lý do sâu xa về sự băng hoại đạo đức, về sự xuống cấp của giáo dục trong xã hội hiện đại. Còn với người viết, trước khi bàn về những vấn đề vĩ mô ấy, chắc chắn chúng ta có thể làm được một điều đơn giản và thực tế hơn: Hãy uống rượu có ý thức!
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Tags