(Thethaovanhoa.vn) - Nói về thực phẩm biến đổi gen (GMO), nhiều người cảm thấy xa lạ, thế nhưng, thực tế thì các sản phẩm này đã xuất hiện ở Việt Nam cả chục năm nay và có lẽ còn xuất hiện hàng ngày trên mâm cơm của nhiều gia đình.
Năm 2014, TP.HCM đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm ngẫu nhiên hàng trăm mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo tại các chợ, siêu thị và phát hiện: có đến 1/3 là sản phẩm GMO.
Theo Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, hiện nước ta đang phải nhập 100% đậu nành, 60% bắp vì trong nước không trồng đủ. 80%-90% sản lượng các mặt hàng này là GMO và được sử dụng để chế biến thành dầu ăn, nước tương, chao, đậu hũ… mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày.
Còn đối với thịt, hàng năm, chúng ta cũng chi hàng trăm triệu USD để nhập thịt heo, bò, gà… từ các nước sử dụng GMO trong chăn nuôi.
Dù GMO xuất hiện tràn lan trên thị trường, thế nhưng, hầu hết đều không được dán mác, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng chúng hàng ngày mà không hề hay biết.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, GMO vẫn gây ra 2 luồng tranh cãi. Người ủng hộ cho rằng nó sẽ đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, luồng phản biện lại cho rằng nó không nên sử dụng bừa bãi vì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một bằng chứng chính xác nào khẳng định độ an toàn của thực phẩm này.
Các ý kiến tranh cãi này dù chưa phân thắng bại, song việc không dán nhãn GMO cho các thực phẩm tại Việt Nam trước năm 2016 đã làm mất đi quyền lựa chọn sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.
Từ 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt nếu có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng. Tuy nhiên, quy định trên đây chỉ áp dụng đối với những mặt hàng đóng gói sẵn. Các thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ các quy định này. |
Hà Trang
Tổng hợp
Tags