(Thethaovanhoa.vn) - Thuận Yến là một nhạc sĩ mặc áo lính, giai điệu trong những ca khúc của ông đầy đủ những cung bậc tình cảm của người lính tiêu biểu: hùng tráng, cháy bỏng, thiết tha, sâu lắng…
Ra đi từ dòng sông Thu Bồn
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nơi có khu đền tháp Chăm nổi tiếng và địa danh Trà Kiệu - kinh đô Sinhapura của Vương quốc Champa từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 7. Tuy nhiên, cuộc đời âm nhạc của ông không in đậm dấu ấn của những di tích Champa hay dòng sông Thu Bồn hiền hòa của xứ Quảng. Bàng bạc trong các ca khúc của ông là âm hưởng của dân ca Bắc bộ và đặc biệt là dân ca xứ Nghệ - quê hương của NSƯT Hồ Thanh Hương, người bạn đời của ông.
Năm 1949, khi mới 14 tuổi ông vào Bình Định tham gia Ban Đại diện văn hóa văn nghệ Liên khu 5. Tại đây, ông bắt đầu tự học ký âm và hòa âm, khởi đầu cho con đường âm nhạc của mình. Năm 1953 ông được biệt phái sang quân đội, sáng tác cho dân công Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định) tải gạo lên Ba Tơ phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên.
Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc cùng Đoàn Văn công Quân khu 5, vừa chơi violin vừa sáng tác. Sau đó ông được cử đi học trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Năm 1965 ông xung phong vào chiến trường B cùng Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên. Cũng từ thời kỳ này, những ca khúc của Thuận Yến mới thật sự tạo được dư luận. Có thể nói, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc viết tại chiến trường Trị Thiên là ca khúc đầu tiên được nhiều người biết đến của Thuận Yến. Sau đó một số ca khúc khác được rất nhiều người yêu mến đã cũng cố thêm uy tín và tài năng của ông như: Người về thăm quê, Màu áo chiến sỹ, Vầng trăng Ba Đình, Mỗi bước ta đi…
Sau thời gian ở chiến trường Trị Thiên, ông trở lại Hà Nội học đại học sáng tác, sau đó lần lượt công tác ở Đoàn Văn công Bộ đội Trường Sơn, Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2… trước khi về làm Trưởng ban Âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có thể nói giai đoạn mặc áo lính là giai đoạn ông có những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và được đông đảo công chúng mến mộ. Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Thuận Yến được nhà nước tặng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương khác. Nhiều ca khúc của ông đã giành được giải thưởng cao của Bộ Văn hóa, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là chùm 5 ca khúc được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2011.
Những đỉnh cao trong ca khúc
Là một nhạc sĩ sáng tác được đào tạo bài bản ở nhạc viện, nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác ở nhiều lĩnh vực. Về khí nhạc ông có sonate Tự nguyện, tranh giao hưởng Khúc ruột miền Trung; nhạc múa Bông sen đỏ, Anh còn sống mãi; nhạc cho phim Khoảng trời chiến sĩ, Hát ở chiến hào… Tuy nhiên, bao trùm sự nghiệp sáng tác của ông là ca khúc và cũng chính thể loại này đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến.
Ông đã sáng tác hơn 500 ca khúc ở nhiều đề tài khác nhau. Điểm đặc biệt ở nhạc sĩ Thuận Yến là đề tài nào ông cũng có ca khúc nổi bật được nhiều người yêu thích.
Về đề tài người lính có Màu hoa đỏ; đề tài Bác Hồ có: Bác Hồ - một tình yêu bao la; đề tài về biên giới có ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng; đề tài đấu tranh cách mạng có Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc; tình ca cách mạng ông nổi tiếng với ca khúc Chia tay hoàng hôn…
Ông được xem là người có nhiều ca khúc về Bác Hồ nhất và có nhiều ca khúc nằm trong số những ca khúc hay nhất về Bác Hồ như: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê, Hành hương về xứ Nghệ…
Với những ca khúc về Bác Hồ mà tiêu biểu là Bác Hồ - một tình yêu bao la, ông đã thành công trong việc khắc họa hình tượng của một vị lãnh tụ - không phải theo cách suy tôn thành kính, ngợi ca hoặc liên tưởng trí tuệ… mà với tình cảm hồn nhiên, mộc mạc gần gũi và chân thành. Chính vì vậy mà ca khúc dễ đi vào lòng người, lay động được con tim người nghe…
Xét về tính thể loại, nhạc sĩ Thuận Yến được giới chuyên môn công nhận ông đã thành công ở 2 thể loại hành khúc và tình ca.
Về hành khúc, tiêu biểu có: Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc ca khúc này mang hơi hướng của nhạc thính phòng nhưng đầy hào khí của thể loại hành khúc; Mỗi bước ta đi là hành khúc người chiến sĩ đầy hào sảng, sôi động. Bài hát này sau năm 1975 được Đài PT-TH tỉnh Sông Bé và nay là PT-TH Bình Phước chọn làm nhạc hiệu và về sau, nó được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương.
Về tình ca, Thuận yến có các ca khúc: Tình yêu không lời, Khát vọng, Đi trong hương Tràm… nhưng có thể nói Chia tay hoàng hôn là đỉnh cao của thể loại này, ca khúc với cảm xúc dạt dào, giai điệu tha thiết nhưng rực lửa. Có thể nói đây là một trong những bản tình ca cách mạng lãng mạn và xúc động nhất: “Anh phải về thôi, xa em thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi… Chia tay em chia tay hoàng hôn/ Gửi lại cho em trái tim thắp lửa/ Gửi lại cho em một nửa vầng trăng”.
Theo nhà báo - nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đây là ca khúc mà Thuận Yến sáng tác năm 1990, ca khúc là hồi ức của cuộc chia tay tiễn người bạn đời của mình rời chiến trường Trị Thiên ra Hà Nội (1968), mang theo giọt máu của chính ông để sau đó cho ra đời bé Thanh Lam…
Ca khúc này thật đặc biệt, chính nó đã được con gái ông - diva Thanh Lam - tạo nên một sự kiện đáng nhớ tại cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc tại Hà Nội. Chia tay hoàng hôn như một ca khúc nhạc nhẹ mang tính thời sự về “thể loại” làm chao đảo người nghe nhạc và góp phần thổi bùng trào lưu nhạc nhẹ đầu thập niên 1990.
Giờ đây, khi người nhạc sĩ mặc áo lính ấy đã thực sự “chia tay hoàng hôn”, lửa tình yêu trong những bản hành khúc và tình ca của ông vẫn không tắt sáng.
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags