Nguồn gốc Covid-19 vẫn là câu hỏi

Thứ Năm, 26/08/2021 20:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2 năm kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, cuộc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vẫn là câu hỏi.

Chuyên gia Anh cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 siêu đột biến có thể khiến 1/3 ca mắc tử vong

Chuyên gia Anh cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 siêu đột biến có thể khiến 1/3 ca mắc tử vong

Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) của Chính phủ Anh vừa cảnh báo về một loại biến thể mới của SARS-CoV-2 trong tương lai, có thể giết chết 1/3 số người mắc.

* Tâm điểm gây tranh cãi

Virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm 2019 trước khi lan ra toàn thế giới. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện ca mắc đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán.

Nguồn gốc Covid-19 vẫn là câu hỏi, Nguồn gốc Covid-19, Nguồn gốc Covid-19 Vũ Hán, Covid Vũ Hán, Covid 19 hôm nay, covid mới nhất, covid bắt đầu từ đâu
Chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Bắc Kinh cũng không loại trừ giả thuyết các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có thể là nguồn bệnh. Mặc dù vậy, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể phát tán từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc điều tra minh bạch về dịch bệnh. Phía Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc.

Nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc COVID-19, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 2 năm nay. Cuộc điều tra kéo dài 1 tháng được kỳ vọng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của COVID-19. Kết quả của cuộc điều tra cho biết không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận và virus SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ động vật sang người và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Mặc dù vậy, kết quả này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước, khi cho rằng nó thiếu minh bạch. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một số nhà khoa học và chính phủ Mỹ đã đặt câu hỏi về tính độc lập và độ tin cậy của nghiên cứu, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington và một số chính phủ khác “chính trị hóa” vấn đề truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cho rằng động thái này làm ảnh hưởng đến cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch.

Sau một báo cáo tình báo do tờ Wall Street Journal tiết lộ, theo đó 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào tháng 11/2019 và phải nhập viện, tức là thời điểm virus SARS-CoV-2 chưa bùng phát ở thành phố này, ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo Mỹ không thể đưa ra kết luận về nguồn gốc của COVID-19 nếu không tiến hành một cuộc điều tra độc lập và có thêm dữ liệu từ Trung Quốc.

Do vậy, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới để hối thúc Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng, đồng thời cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan. Trung Quốc ngay lập tức đã bác bỏ những thông tin mà nước này khẳng định là "hoàn toàn sai sự thật".

Chú thích ảnh
Virus COVID-19

Động lực tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch càng được thúc đẩy khi xuất hiện các báo cáo của tình báo Mỹ với bằng chứng cho thấy, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tồn tại. Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trực tiếp chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Kết quả điều tra phải đệ trình trong vòng 90 ngày. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc WHO triển khai điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.

Sau động thái của Tổng thống Mỹ Biden, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố việc chính trị hóa nguồn gốc COVID-19 sẽ không chỉ gây khó khăn cho việc tìm nguyên nhân xuất hiện virus SARS-CoV-2, mà còn tạo điều kiện cho “virus chính trị” lây lan, hủy hoại nỗ lực hợp tác quốc tế chống đại dịch.

* Vẫn là câu hỏi

Kết thúc 90 ngày điều tra, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ 2 quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, một đánh giá mới của cơ quan tình báo nước này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã được chuyển tới Nhà Trắng ngày 24/8. Tuy nhiên báo cáo không đưa ra kết luận một cách chắc chắn về việc liệu nguồn gốc virus là từ thiên nhiên hay do sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Lý do một phần là do không thể thu thập được các thông tin chi tiết từ nơi dịch bệnh xuất hiện đầu tiên. Sau khi nhận được báo cáo, Tổng thống Biden dự kiến sẽ thông báo cho Quốc hội Mỹ.

Trung Quốc đã phản ứng về báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 của tình báo Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết trong báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19, cộng đồng tình báo Mỹ tìm cách xác nhận những luận điểm mang tính đã định đoạt từ trước và đẩy trách nhiệm đối với bùng phát đại dịch.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Theo ông Uông Văn Bân, những sản phẩm được tiếng là nghiên cứu của tình báo Mỹ sẽ không dựa trên dữ liệu và sự thật. Với báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19, tài liệu đó sẽ không có gì khác ngoài việc cắt ghép thông tin rời rạc để quy kết trách nhiệm và khẳng định những kết luận đã được đặt điều từ trước với một số chứng cứ lựa chọn. Ông cũng kêu gọi Mỹ dừng ngay việc chính trị hóa yếu tố điều tra nguồn gốc COVID-19 - một việc làm mà Trung Quốc cho rằng sẽ hủy hoại hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, ngày 25/8, các nhà khoa học được Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc đại dịch này cảnh báo cuộc tìm kiếm nguồn gốc của COVID-19, đang rơi vào bế tắc, ngay cả khi thời gian không còn nhiều.

Trong bài bình luận trên tạp chí Nature, các nhà khoa học nói rằng chuyến đi thực địa của các điều tra viên WHO nhằm tìm ra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán chỉ là “bước đầu tiên trong một quá trình đi vào bế tắc, cánh cửa dẫn đến cuộc điều tra quan trọng này đến cơ hội có thể tìm ra nguyên nhân đang nhanh chóng đóng lại”. Việc lần theo dấu vết sinh học để trở lại nơi phát bệnh sớm đã trở nên khó khăn do các bằng chứng biến mất hoặc bị hư hỏng.

“Mùa” COVID-19 thứ hai với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta đang “châm ngòi” cho làn sóng dịch mới ở nhiều nơi, đặt ra vô vàn thách thức với các nước, và việc truy tìm nguồn gốc COVID-19 sẽ tiếp tục là vấn đề "đau đầu" với thế giới.

Thanh Lâm - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›